Không mưa cũng tắc, càng mưa càng tắc
Ở Hà Nội, sáng ra vào giờ đi làm mà thấy trời mưa là biết khó có thể đi học đi làm đúng giờ vì tắc đường. Lần nào cũng vậy, cùng với cơn mưa kéo dài, nhiều tuyến đường Hà Nội lâm vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Không chỉ các tuyến cửa ngõ như: Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Giảng Võ - Lê Văn Lương, Ngọc Hồi - Giáp Bát, Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy kẹt cứng mà ngay cả trên các tuyến đường nội đô như: Hai Bà Trưng, Thụy Khê, Nguyễn Thái Học, ô tô, xe máy cũng phải nối đuôi nhau nhích từng chút một.
Tương tự, ở TP.HCM sau cơn mưa đường Phạm Văn Đồng hướng từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn về cầu Bình Lợi mới (quận Bình Thạnh) - một trong những điểm đen về tắc đường - giao thông ùn ứ, xe cộ di chuyển chậm, kéo dài hơn một km. Vào các dịp lễ tết cuối năm, không chỉ các cửa ngõ, kẹt xe ở trung tâm Sài Gòn cũng ngày càng tăng. Hình ảnh các dòng xe nghìn nghịt chen lấn luôn xảy ra ở đường Lê Quý Đôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám...
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. So với 6 tháng đầu năm 2016, tăng 8 vụ (+24,24%). Nguyên nhân của ùn tắc giao thông kéo dài được chỉ ra là do tai nạn giao thông: 22 vụ (66,7%); lưu lượng phương tiện đông: 3 vụ (9,9%); nguyên nhân khác (sự cố trên đường, cháy nổ, sạt lở…): 8 vụ (23,4%).
Tình trạng dòng giao thông có mật độ cao, vận tốc chậm (khoảng 10-12 km/h) trên các trục giao thông chính trong các khung giờ cao điểm sáng, chiều, đặc biệt là khi trời mưa, đường phố bị ngập cục bộ hoặc do có công trình thi công chiếm dụng lòng đường, trở nên khá phổ biến và có xu hướng ngày càng mở rộng về khu vực và thời gian ảnh hưởng tại Hà Nội, TPHCM.
Nói về nguyên nhân tắc đường, theo quan điểm của nhiều CSGT Hà Nội thì nếu vào thời điểm cuối năm, lượng phương tiện từ các tỉnh vào nội đô tăng đột biến khiến giao thông khu vực nội thành càng thêm áp lực. Trong khi đó, việc ùn tắc tại một điểm cũng rất dễ dẫn tới ùn ứ tại nhiều điểm khác theo kiểu dây chuyền, do các phương tiện trên các tuyến giao thông theo kiểu đường ống. Thêm vào đó là ý thức của nhiều người tham gia giao thông rất kém, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc.
Trả lời câu hỏi báo chí “Vì sao cứ hễ trời mưa là đường lại tắc?”, Trung tá Phạm Anh Tuấn Đội phó Đội CSGT số 3 cho rằng, vào những hôm trời mưa, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, rất nhiều người tham gia giao thông thường bất chấp các quy tắc, luật lệ, mạnh ai nấy đi, dẫn tới xung đột giao thông. Nói cách khác, ý thức của nhiều người tham gia giao thông vào những thời điểm trời có mưa là nguyên nhân chính khiến những thời điểm này thường xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông kém còn thể hiện ở chỗ, nhiều phương tiện ô tô cố tình đi vào làn xe máy, hoặc nhiều xe máy cố tình đi vào làn ô tô vào những thời điểm giao thông áp lực cao, cũng là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc.
Bên cạnh những lý do tương tự Hà Nội, thì ở TP.HCM còn có nguyên nhân từ việc cấp phép xây cao ốc ở trung tâm tràn lan, theo quan điểm của đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu ra tại kỳ họp HĐND TP HCM cuối năm 2016. Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là sự tăng nhanh của xe ô tô tải, xe ô tô con cá nhân cũng là nguyên nhân gây tắc đường ở TP.HCM.
Theo Phòng CSGT TP HCM hiện có 8,6 triệu dân sinh sống nhưng tổng số xe quản lý lên đến hơn 7,6 triệu chiếc (hơn 7,1 triệu xe máy), chưa kể lượng xe từ các tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố. Với số liệu này, so với năm 2010, tăng 53% tổng số phương tiện.”Mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 xe máy và 180 ôtô đăng ký mới khiến áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM ngày càng cao”, lãnh đạo Phòng CSGT trả lời báo chí.
Cung cấp ứng dụng hướng dẫn giao thông cho người dân
Nhận thức được những nguyên nhân này, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp để ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, trong các đô thị, đặc biệt là tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Ngay sau buổi làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt, cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị và các dự án xây dựng cầu vượt tại các nút giao thường xuyên ùn tắc; đổi mới toàn phương tiện và điều chỉnh lộ trình, lịch trình dịch vụ xe buýt trong đô thị, đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh (Hà Nội); ra quân“Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè” tại hai thành phố; triển khai các biện pháp điều tiết chống ùn tắc cục bộ tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu chuẩn bị thực hiện đề án quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố...
Đặc biệt, Bộ GTVT tích cực triển khai áp dụng mô hình hoạt động xe buýt cho các tuyến vận tải cố định liên tỉnh kết nối Hà Nội, TPHCM với các địa phương lân cận (trong bán kính khoảng 100-120 km).
Thời gian tới đây, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và du lịch; nâng cấp phần mềm quản lý để có thể giám sát trực tuyến tình hình giao thông trên mạng lưới đường bộ toàn quốc, cung cấp ứng dụng hướng dẫn giao thông cho lái xe và người dân; cung cấp dữ liệu tổng hợp cho Sở GTVT các địa phương khác để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn theo yêu cầu đặc thù của địa phương; phối hợp với VOV Giao thông để chia sẻ dữ liệu giữa hai bên...