Sau rất nhiều dự báo “sẽ tăng” giá xăng dầu lần thứ 6 liên tiếp vào chu kỳ điều hành lần thứ nhất của tháng 10, Bộ Công thương đôt ngột thông tin xăng sẽ giảm giá. Giờ điều chỉnh thay đổi giá xăng dầu cũng được thông báo muộn hơn, vào 16h55 thay vì 15h như các kỳ điều chỉnh trước. Có vẻ như Bộ Công thương cũng dự đoán được phản ứng của dư luận nếu tiếp tục tăng giá xăng dầu nên đã phải họp bàn kỹ càng về quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu lần này.
Tuy nhiên, theo công bố, mức giảm giá xăng không đáng kể, chỉ ở mức 112 đồng/lit với xăng Ron A92, xăng E5 giảm 105 đồng/lit. Trước đấy, ở kỳ điều hành ngày 15/9, xăng Ron 92 tăng 319 đồng/lit, xăng E5 tăng 297 đồng/lít. Tính từ đầu năm, giá xăng đã tăng hơn 2.100 đồng/lit.
Giá xăng hạ nhiệt nhưng giá dầu lại tiếp tục tăng khiến cho các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ khá lớn. Bởi chỉ trong vòng 3 tháng, từ 5/7-5/10/2017, giá dầu đã tăng đến hơn 1.600 đồng/lít. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 1.613 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.778 đồng/lít lên đến 14.588 đồng/lít dầu diesel, 13.433 đồng/lít dầu hỏa. Đây là một cú sốc khá lớn đối với các doanh nghiệp bởi dầu chính là nhiên liệu sản xuất chính của họ.
Ông Lê Đình Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất Cát Lợi cho biết, việc Bộ Công thương chia nhỏ lẻ các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là một cách làm rất vô lý, khiến nhiều doanh nghiệp méo mặt vì phải tăng chi phí sản xuất mà không có cách nào kéo lại để bù được khoản chi phí đã tăng.
Giá dầu tăng khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì không thể tăng giá bù lại chi phí nhiên liệu |
Ông Đông thẳng thắn: “Bộ Công thương cứ… mạnh dạn tăng một lần vài nghìn đồng một lit các doanh nghiệp còn dễ xoay sở. Chứ cứ một tháng tăng 2 kỳ, mỗi kỳ vài trăm đồng thế này, doanh nghiệp bị gặm nhấm, bòn rút từng chút một, còn khổ hơn vì không biết kêu ai”.
Lý giải cho ý kiến nêu trên của mình, ông Đông cho rằng, các mức tăng nhỏ giọt của Bộ Công thương chỉ khiến các chủ doanh nghiệp điêu đứng vì không thể tăng giá các khâu khác do thị trường không chấp nhận giá tăng. Đa phần các đối tác đều cho rằng, mức tăng vài trăm chưa thể đủ nhiều để tác động mạnh đến chi phí sản xuất cũng như vận chuyển, do đó, họ không chấp nhận tăng giá.
“Thị trường không chấp nhận tăng giá, chúng tôi đành ngậm ngùi chấp nhận giảm lãi, bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng lên. Nhưng nếu cứ tăng liên tục, mỗi lần vài trăm đồng thế này lợi nhuận của chúng tôi sẽ giảm liên tục và chúng tôi sẽ không có lợi nhuận để tái đầu tư, cứ như thế này thì doanh nghiệp không thể mạnh được” - ông Đông chia sẻ.
Cùng suy nghĩ với ông Đông là ông Nguyễn Chí Ngà, Giám đốc Công ty điện… Hanomec. Ông Ngà cho biết, giá bán các sản phẩm điện tử điện lạnh không tăng lên, thậm chí giảm giá mạnh nên mỗi lần tăng giá xăng dầu là mỗi lần ông Ngà phải đặt lên đặt xuống mức chi phí đầu ra để cân đối. Giá xăng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp của ông nhưng giá dầu lại ảnh hưởng rất lớn vì đây là chi phí thường xuyên của công ty.
Ông Ngà chia sẻ, mỗi tháng, chi phí cho nhiên liệu của công ty ông chỉ trên mức 100 triệu đồng/tháng cũng khiến ông điêu đứng mỗi khi nghe tăng giá dầu. “Các công ty lớn hơn không biết sẽ còn ảnh hưởng mạnh như thế nào. Hơn nữa, mỗi lần tăng giá dầu nhỏ giọt thế này, tất cả thiệt thòi chỉ đổ vào đầu chủ doanh nghiệp, chúng tôi đành chấp nhận giảm lợi nhuận vì không bao giờ tăng được giá sản phẩm theo giá tăng của chi phí nhiên liệu” - ông Ngà khẳng định.