* Bài 3: Thung lũng Ma Thiên Lãnh : Giai thoại dưới chân núi Bà Đen
* Bài 2: Thung lũng Ma Thiên Lãnh: Mãng xà khổng lồ xuống núi rượt chó, bắt gà khiến người dân sởn gai ốc
Ngọn đồi huyền thoại trên Ngọa Long Sơn
Đồi Ma Thiên Lãnh ngày nay nằm cạnh Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Khu vực này nằm trên ngọn Sà Lôn thuộc núi Dài, (tức Ngọa Long Sơn) trong cụm Thất Sơn hùng vĩ. Ngọa Long Sơn có nghĩa là con rồng nằm, dãy núi này có chiều dài khoảng 8 km, có độ cao khoảng 580m và địa hình tương đối dốc.
Ngọa Long Sơn là dãy núi dài nhất trong dãy Thất Sơn, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn của 04 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn. Địa danh Ô Tà Sóc có nguồn gốc tiếng Khmer, nghĩa là Suối Ông Sóc. Nơi này địa hình phức tạp hiểm trở, nhiều đá núi xen lẫn rừng rậm, đã được Tỉnh ủy An Giang chọn xây dựng làm căn cứ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1962 – 1967.
Căn cứ cách mạng khi đó gồm các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các lò ảng (hang động). Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau như: bụng Ông Địa (tổ giao liên Tỉnh ủy), Ô Vàng (Ban An ninh binh vận, đài minh ngữ), vồ Út Mười (Ban chỉ huy Quân sự tỉnh), các hang Phụ Nữ, hang Quân Y, hang Hậu Cần…
Trong các cơ quan ẩn giấu dưới các vồ đá, khe ngầm lặng lẽ dưới tán rừng rậm, địa điểm đầu não nằm ở trọng tâm, là điện Trời Gầm nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy. Các cơ quan, bộ phận còn lại được đặt rải rác xung quanh trong khu vực có bán kính khoảng 3 km. Các hang động ở Ô Tà Sóc rất kiên cố, kỳ vĩ với những khối đá granit khổng lồ chồng chất lên nhau, nhiều hang ăn thông nhau như một mê cung kỳ bí, có thể chứa được nhiều người.
Một trong những hang đặt bộ phận hoạt động của căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc. |
Với địa hình tự nhiên vốn dốc và nhiều đá núi gối đầu lên nhau, những hang động bên dưới vì thế cũng rất hiểm trở, vừa là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, vừa là căn cứ tiến công địch một cách lợi hại. Trong thời kỳ chống Mỹ, địch đã tổ chức hàng trăm trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ lên căn cứ Ô Tà Sóc nhưng hoàn toàn thất bại.
Ngược lại, từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân An Giang tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống “ấp chiến lược” và “kế hoạch bình định”, góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Ngày nay, từ chân núi Sà Lôn, du khách có thể đi lần theo những bậc đá quanh co, khúc khuỷu để khám phá Ô Tà Sóc. Cảnh vật hai bên đường hoang sơ, thơ mộng với rừng xanh núi thẳm, xen lẫn những lạch nhỏ nước trong vắt chảy róc rách len qua muôn ngàn phiến đá thiên hình vạn trạng. Xen giữa đá núi, cây rừng hoang dại là những vùng cây ăn trái như cây xoài, điều, mít, chuối xanh mướt.
Cách Ô Tà Sóc chừng 01 km là đồi Ma Thiên Lãnh, còn gọi là núi Dài lớn, cao khoảng 80 mét. Đây là một đồi đá chỉ có một con đường độc đạo dẫn lên từ phía Tây. Từ trên đỉnh đồi Ma Thiên Lãnh có thể quan sát một vùng rộng lớn từ Ô Tà Sóc vòng qua xóm Mới, lên xóm Thúng của xã Lương Phi. Trên đồi, có nhiều cổ thụ như bằng lăng, sao, dầu, vông rừng, sung núi… và rất nhiều cây thuộc họ dây leo mọc chằng chịt, bám vào các vồ đá núi khổng lồ.
Cũng giống như lịch sử của thung lũng Ma Thiên Lãnh dưới chân núi Bà Đen Tây Ninh, đồi đá Ma Thiên Lãnh ở đây là chiến địa khốc liệt thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa hình tự nhiên hiểm trở của Ma Thiên Lãnh được tận dụng để xây dựng trận địa chiến đấu, nơi có thể hạn chế những lợi thế của địch về khí tài hiện đại, hỏa lực hùng hậu nhưng lại tăng lợi thế chiến đấu cho quân cách mạng. Lịch sử Ô Tà Sóc - Ma Thiên Lãnh vừa là niềm tự hào của quân - dân An Giang, cũng vừa mang ký ức bi hùng của một thời chiến tranh ác liệt.
Nơi các chiến sĩ nằm lại
Tại đồi Ma Thiên Lãnh có hang rộng, nhiều lối dẫn sâu vào lòng núi, có thể chứa được hàng nghìn người. Thời chiến, đây chính là nơi trú ẩn, hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Mỗi vách đá, lối mòn nơi này là đều là chứng nhân của một thời lửa đạn. Nơi đây cũng gắn liền với câu chuyện cảm động về 07 chiến sĩ cách mạng đều là những người con ưu tú miền Bắc hi sinh, vĩnh viễn nằm lại trong hang sâu.
Theo đó, vào năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang đã rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền Nam trú đóng. Đơn vị chọn địa điểm này là bởi địa thế thích hợp làm chốt tiền tiêu, có thể quan sát hoạt động của địch trên không và đi lại bằng đường bộ. Tuy nhiên, phía địch cũng biết được điều này, mở chiến dịch đánh phá khu vực bằng không quân nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng còn đồn trú tại đây.
Tháng 9/1970, nơi đây diễn ra trận chiến đấu ác liệt. Ngày 22/9/1970, máy bay địch ném bom oanh tạc vùng rừng núi này, làm khối đá lớn rơi lấp miệng hang Ma Thiên Lãnh, 07 chiến sĩ bị kẹt lại trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị bên ngoài tìm cách mở miệng hang nhưng đá núi lấp kín cửa hang nên lực bất tòng tâm. Để giúp các chiến sĩ trong hang cầm cự chờ phương án cứu thoát, anh em chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Đoàn 61 vừa chiến đấu, vừa tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo loãng và sữa vào hang.
Mấy ngày sau, những tiếng động trong hang yếu ớt rồi tắt hẳn, phía bên ngoài thì địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh một cách ác liệt, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đã có người hi sinh trong lúc bám trụ để cứu đồng đội. Không còn lựa chọn nào khác, đơn vị giải cứu buộc phải dừng việc đào bới cửa hang và rút đi để bảo toàn lực lượng. Các anh ngậm ngùi chia tay để đồng chí, đồng đội mình ở lại vĩnh viễn.
Các chiến sĩ của tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61 đã vĩnh viễn nằm lại trong hang trên đồi Ma Thiên Lãnh, đều là những người con ưu tú của miền Bắc, gồm: Đỗ Văn Tứ (Trung đội trưởng, quê Thái Nguyên), Đào Ngọc Kính và Nguyễn Văn Hào (quê Hưng Yên), Nguyễn Văn Thuấn và Nguyễn Văn Thể (quê Hà Nam), Nguyễn Văn Thạo và đồng chí Tuấn (quê Hải Phòng).
Tưởng nhớ sự hy sinh đó, năm 1997, tỉnh An Giang quyết định dựng Bia tưởng niệm trên đồi Ma Thiên Lãnh, ghi nhận công lao những người con ưu tú miền Bắc với quân và dân vùng Bảy Núi. Còn căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc sau đó được công nhận “Di tích Lịch sử” cấp quốc gia vào ngày 19/3/2004. Và phải đến gần 40 năm sau ngày gửi thân ở Ma Thiên Lãnh, 7 chiến sĩ đã được tìm thấy, đưa về an táng nơi quê nhà.
Năm 2007, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tiến hành cho phá cửa hang để tìm hài cốt các anh. Việc mở cửa hang được thực hiện thủ công, không sử dụng mìn phá đá để tránh đá rơi xuống các hài cốt. Chiều ngày 8/7/2007, sau 24 ngày đục đẽo, chẻ đá núi bằng tay, bốc dỡ hàng trăm mét khối đá, với sự chứng kiến của gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Tứ, Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) đã tiến hành phá cửa hang thành công.
Cuối cùng, vị trí 07 liệt sĩ hy sinh được xác định chỉ cách Bia tưởng niệm vài mét, khi miệng hang được khơi hé, thấy những di vật và các mảnh xương vụn lộ ra, mọi người không khỏi xúc động. Tất cả hài cốt các liệt sĩ được đưa về quê hương hương an táng. Ngày nay, trên ngọn đồi cao 80m này, bên dưới tấm bia kỷ niệm là bàn thờ 07 liệt sĩ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng huyền thoại đồi Ma Thiên Lãnh gắn liền với sự hi sinh của 07 chiến sĩ vẫn sống mãi với thời gian. Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc hàng năm thu hút đông đảo khách tham quan. Bất cứ ai đến đây, được nghe câu chuyện cảm động về các anh cũng bùi ngùi, tiếc thương. Đây cũng là nơi giáo dục và nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời bi hùng của dân tộc, lòng biết ơn đối với những người nằm xuống vì nền hòa bình, thống nhất đất nước.