Dòng dõi họ Hồ ở Nghệ An
Hồ Tông Thốc sinh năm Giáp Tý (1324) tại làng Kẻ Cuồi hay Trang Cuồi ấp Quỳ Trạch, huyện Thổ Thành, thời Lê đổi là Đông Thành, nay là làng Tam Thọ (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Ông là dòng dõi của họ Hồ ở Quỳnh Lưu, dòng họ sản sinh nhiều nhân vật tài năng từ xưa đến nay, đồng thời là người mở đầu cho nền khoa bảng nổi tiếng đất Quỳnh Lưu nói chung và họ Hồ nói riêng. Ông nội của Hồ Tông Thốc là cụ Hồ Kha, cháu đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
Cùng với Bạch Liêu tại Nguyên Xá, Hồ Tông Thốc mở đầu cho cả nền khoa bảng của đất Hồng Lam, là một nhân tài kiệt xuất nhiều mặt, nổi tiếng thông minh, trác lạc từ lúc tuổi còn nhỏ.
Theo "Quỳnh Đôi hương biên" và "Hồ gia thế phả", ông tổ đầu tiên của dòng họ này tìm vào lập trại ở Bầu Độ, Quỳnh Lưu. Đến sau, Hồ Kha là ông tổ thứ mười hai thì có một người cháu là Hồ Hữu Liêm chuyển ra Thanh Hóa, làm con nuôi cho Lê Huấn nên đổi họ là Lê Liêm, chính Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm.
Cũng theo gia phả họ Hồ tại Nghi Xuân, Hồ Kha sinh vào đời Trần Minh Tông hiệu Khai thứ 2 (1325) trước quê làng Quỳ Trạch sau chuyển cư về thôn Mỹ Liệt, xã Tiên Sinh, tổng Đường Khê, huyện Quỳnh Lưu, tiếp đó lại chuyển về trang Thố Đôi (tức Quỳnh Đôi ngày nay). Ông có hai người con là Hồ Hồng (sau là thủy tổ họ Hồ Quỳnh Đôi) và Hồ Cao. Chính Hồ Cao là thân phụ, sinh ra Hồ Tông Thốc.
Như vậy Hồ Tông Thốc là con của Hồ Cao, gọi Hồ Hồng bằng bác và là họ hàng thân thích, sống đồng thời với Hồ Quý Ly. Ông vốn quê ở làng Mỹ Liệt, xã Tiên Sinh, tổng Đường Khê huyện Quỳnh Lưu, còn Quỳ Trạch chỉ là tổ quán mà thôi.
Đền thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc. |
Lúc bé Hồ Tông Thốc vốn thông minh lại được sống trong một dòng dõi thế phiệt, ông có tài năng từ thuở nhỏ. Sách Cương mục nói rằng: "Thốc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học". Hồ gia thế phả nói rằng lúc bé, ông ở làng, sau ra du học tại xã Võ Ngại thuộc huyện Đường Hào (Hải Dương).
Ở đây có giai thoại về ông mà sách Cương mục nói đến: "Lúc du học tại đất Bắc, ông đã nổi tiếng về hay chữ, giỏi thơ, trí nhớ hơn người. Những sách khó mấy, chỉ xem qua một lần là nhớ hết. Tiếng tăm lan khắp trong xứ. Một lần trên đường ra phố, ông gặp một người con gái nhan sắc tuyệt vời, phong tư rất mực.
Bè bạn đi cùng ông thách ông nếu bắt chuyện được và được người ấy yêu thương, cảm phục thì sẽ phục đến sát đất. Lúc bấy giờ, theo tập tục địa phương dù học trò giỏi đến đâu mà chưa được ra làm quan, cũng không có thể lọt mắt con nhà quyền quý. Vì thế ông bí mật bỏ học, giả làm một viên quan nhỏ đến trú ngụ tại một nhà ở xã Dịch Sứ, nơi có người con gái được gặp mấy hôm trước để có dịp lân la trò chuyện.
Vốn cũng con nhà phế phiệt, ông cũng giữ phong thái tự trọng, chỉ lấy việc bình thơ để thu phục lòng người con gái. Người con gái là con của một viên quan có thần thế tài sắc vẹn toàn. Hai người cảm nhau về tài hoa, về đức độ, về thơ văn. Do vậy về sau cô gái trở thành vợ của Hồ Tông Thốc và là mẹ của Trạng nguyên Hồ Thành, bà nội trạng nguyên Hồ Đốn sau này. Đó là bà Thị Ẩn.
Theo gia phả họ Hồ ở Nghi Xuân, câu chuyện này lại xảy ra tại Chiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Theo tộc phả của Duệ quận công tại Quỳnh Lưu, lúc còn là giám sinh, ông giấu tên họ vào ở ẩn tại nhà quan thị lang huyện Thiên Lộc, giả vờ tòng học tại đó, để thơ ở nhà đại đường, bài thơ hay trong đó có hai câu rất khí khái: "Hàn Mặc tranh vi Vương Bột hậu, văn chương thùy thị Mãi Sinh tiền".
Tạm dịch là: "Nghiên bút có tranh Vương Bột trước, văn chương quyết sánh Mãi Sinh sau". Ý Hồ Tông Thốc nói mình không thua Vương Bột, Mãi Sinh ngày xưa.
Thời gian này có câu chuyện kể rằng vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), ở Kinh đô có một vị quan lớn họ Lê treo đèn, đặt tiệc, mời văn nhân đến nhà bình thơ.
Khách văn chương kéo đến rất đông, những người nổi tiếng về văn thơ đều có mặt. Hồ Tông Thốc bấy giờ còn đi học nhưng cũng đến dự. Khi đề vừa đưa ra, ông làm một mạch liên tiếp trăm bài thơ, trong khi mọi người vẫn còn suy nghĩ mới viết những câu đầu tiên…
Đến lúc bình, cả trăm bài thơ của ông đều hay, không bài nào hơn bài nào, tất cả đều vượt trội so với những bài khác. Từ đó, tiếng tăm của Hồ Tông Thốc vang khắp Kinh kỳ, giới văn nhân ai cũng thán phục.
Khoa Tân Tỵ (1341) đời vua Trần Hiến Tông, Hồ Tông Thốc vừa tròn 17 tuổi dự thi Đình và đậu Trạng nguyên với bài văn được lưu truyền khắp nước.
Mặc dầu còn ít tuổi, nhưng sau đó ông được vua Trần Dụ Tông tin yêu cử giữ chức Trung Thư lệnh. Sách Kiến Văn tiểu lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn có ghi: “Sau khi ông đậu Trạng Nguyên đã được khắc tên vào bia đá và mặc dầu còn rất trẻ nhưng vua đã cho giữ chức Trung Thư lệnh. Ông cũng không sợ mình còn rất ít tuổi mà vâng lệnh vua nhận chức triều đình giao cho”.
"Hổ phụ sinh hổ tử"
Sau khi đỗ Trạng Nguyên, ông trở về lấy cô con gái quan thị lang tên là Thị Ấn làm vợ. Như vậy là người vợ Hồ Tông Thốc là Thị Ẩn, người đã sinh hạ ra nhiều nhân tài kế tiếp không rõ người huyện Đường Hào (Hải Dương) hay người huyện Thiên Lộc (Nghệ An).
Ông sinh hạ được mấy con, gia phả không nói rõ, chỉ ghi rằng ông sinh ra Hồ Thành, cũng kế tiếp đỗ Trạng nguyên. Về sau, cháu nội ông, tức con Hồ Thành là Hồ Đốn (có sách ghi Hồ Lại) cũng đỗ Trạng nguyên.
Vì vậy, người đương thời vô cùng ca ngợi. Có người đề thơ tặng gia đình ông trong đó có những câu "Lũy thế phương danh chiêu Nhạn Tháp. Nhất gia thịnh sự ích Long Môn" và "Phụ Trạng nguyên, tử diệc Trạng nguyên" ý nói cha con nhiều đời đầu kế tiếp nhau đỗ Trạng nguyên cả.
Về việc ba người, ba hệ liên tiếp nhau đỗ Trạng nguyên này, nhiều sách, nhiều đời nhắc đến, tuy trong Đăng khoa lục và các bia ở Văn Miếu không thấy nói.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng rằng đây là trại Trạng nguyên không phải là kinh Trạng nguyên nên chưa được bia Văn Miếu ghi tên như Trạng nguyên Bạch Liêu trước đó vậy.
Việc này các nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu thêm dù sao tiếng tăm và sách vở (kế cả chính sử) nhắc đến, việc đó đủ có lòng tin và niềm tự hào với quê hương xứ Nghệ, với một dòng họ một thời ba cha, con, ông cháu kế tiếp nhau chiếm tên đầu bảng trong Đại khoa của đất nước.
Theo nhiều tài liệu lịch sử nói thêm rằng Hồ Đốn sau trở về ở làng Hạ Thành, còn gia phả họ Hồ ở Nghi Xuân có ghi rõ: "Trạng nguyên Hồ Thành có về ở làng Thiên Lạc huyện Nghi Xuân".
Hiện nay ở vùng Nghí Xuân Thượng (làng Tam Chế hiện nay) có đồi Trạng Nguyên. Theo tục truyền đó là nhà ở của một Trạng nguyên họ Hồ từ trước, Ngày nay, vùng này họ Hồ Sỹ chiếm đa số cư dân ở đó mà gia phả họ ấy các nhà nghiên cứu lịch sử có sưu tầm được. Đây có thể là người mở đầu cho cánh họ Hồ vùng này vì chính gia phả đó cũng nói Hồ Thành là thủy tố của họ tại Nghi Xuân.
Sau ba Trạng nguyên nói trên, những đời sau cũng xuất hiện liên tục rất nhiều nhà khoa bảng nối tiếng. Không kể hàng trăm người đỗ Đại khoa hàng nghìn người đỗ thị hương.
Chúng ta thấy đời sau của Hồ Tông Thốc có: Hồ Bỉnh Quốc (họ Hồ ở Bình Lạng, Can Lộc) làm đến chức Thị Lang, Hồ Sĩ Dương (họ Hồ ở Quỳnh Lưu) làm đến Thượng thư, Hồ Phi Tích, chức Thượng Thư, Hồ Sĩ Tân chức Thị Chế, Hồ Sĩ Đống, chức Thượng thư...
Tất cả những người thế hệ sau này của Hồ Tông Thốc đều đỗ tiến sĩ cập đệ, đều giỏi nổi tiếng và đều được phong tước Quận công trở lên và đều có trước tác để lại cho đời sau.
Hồ Tông Thốc cùng con cháu ông đễ để lại cho họ Hồ nó riêng và đất Nghệ Tĩnh nói chung một tấm gương học vấn một niềm tự hào hiếm có cho đến ngày nay.
(Đón đọc kỳ tới: Người sửa thơ Hạng Vũ, làm rạng danh đất nước nơi xứ người)