Không gục ngã
Hoa khôi Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng mất đi một chân sau tai nạn, không gục ngã trước nghịch cảnh, chị đứng lên bằng một chân còn lại với nghị lực sống mạnh mẽ, múa hát, khởi nghiệp, góp sức cho cộng đồng. Và đó là nữ nhà văn Trần Trà My xuất hiện vô cùng rạng rỡ. Chỉ cao hơn 1,3m, đi lại nói năng rất khó khăn, cô gái khuyết tật đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị một mình vào TP HCM để “tự đứng bằng đôi chân của mình”.
Hay tấm gương anh Lê Thanh Tùng đến từ Yên Bái vượt qua khiếm khuyết về thể chất, hăng say lao động và hỗ trợ nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thủy Tiên, người con của quê hương xứ Nẫu (Phú Yên), bị co rút tứ chi, nhưng chị đã tìm thấy niềm tin, sự lạc quan, yêu đời, thắp lên hi vọng từ những vần thơ…
Nguyễn Thị Ngọc Tâm đến từ Nam Định dù bị căn bệnh xương thủy tinh với những cơn đau nhức dày vò đã không thể ngăn cản khát vọng tử tế là giúp đỡ trẻ em nâng cao kiến thức, tạo điều kiện cho những mảnh đời bất hạnh có cơ hội đến trường, mang tri thức đến với trẻ em nghèo. Lê Thị Thắm đến từ Thanh Hóa đã vẽ ước mơ và tương lai bằng trái tim chứ không phải bằng đôi tay… Lê Thị Thắm (SN 1998) ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn khi sinh ra đã không có hai tay, nhưng Thắm đã nỗ lực học tập, 12 năm học phổ thông, liên tiếp là học sinh giỏi.
Năm 2016, Thắm đỗ vào ĐH Hồng Đức và là sinh viên giỏi của trường. Biết hoàn cảnh của em nhà trường tạo điều kiện từ việc bố trí cho em và mẹ được ở trong ký túc xá tầng một, lên lớp được bố trí bàn học riêng. Đồng thời, sắp xếp việc làm lao công phù hợp cho mẹ Thắm tại trường để có thêm thu nhập và có thời gian đưa đón, phụ trợ giúp em đến lớp. Hiện tại, Thắm mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở quê mình.
MC khiếm thị Đài truyền hình VN Lê Hương Giang. |
Đó là Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1981) ở phường Đông Thọ, TP. Nguyễn Thị Thu Hiền bị khuyết tật lùn tứ chi do căn bệnh loạn sản sụn. Năm nay, chị Hiền 39 tuổi nhưng chỉ cao 88cm, chân tay cong yếu và ngắn, đi lại khó khăn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày nhưng Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn quyết tâm học hết các cấp học và vào đại học. 12 năm học phổ thông Hiền luôn là học sinh khá, giỏi, đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi. Sau đó, Hiền tốt nghiệp Cao đẳng kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường đại học Lao động Xã hội Hà Nội liên kết tại Thanh Hóa năm 2004 và Đại học tài chính kế toán của Trường đại học Vinh năm 2009.
Năm 2010, Nguyễn Thị Thu Hiền đã thành lập doanh nghiệp có tên: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ thương mại Suri (có địa chỉ tại số 39, Đội Cung, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá), chuyên sản xuất bàn, ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, bệnh viện…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động từ năm 2013, thông qua sự kiện diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic đến giao lưu cùng thanh niên Việt Nam. Chương trình nhằm mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội.
Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, chạm đến trái tim của mọi người. Các bạn không chỉ vượt qua bản thân để vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, họ còn là động lực, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người cùng hoàn cảnh và cho cả những thanh niên không giống các bạn.
“Các bạn đã giữ vững quyết tâm, ý chí và nghị lực để vượt qua các giới hạn bình thường của bản thân mình, viết nên câu chuyện của đời mình, theo cách riêng của mình. Chúng tôi hiểu và tin các bạn sẽ không bao giờ cam phận cúi nhìn xuống nơi mình đang đứng; những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau và tổn thương trong cuộc sống sẽ không đủ để khuất phục các bạn. Sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của các bạn là tính cách của những trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước”, ông Tuấn xúc động nói.
Và rào cản nào với “người trong cuộc”?
Tô Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình bày tỏ: “ Mình có xuất phát là một đứa trẻ bình thường, nhưng khi lên 8 tôi bị vẹo cột sống, chữa chạy không khỏi và trở thành người khuyết tật. Sinh sống ở quê, mọi người có định kiến cho rằng người khuyết tật như chị là người sống phụ thuộc xã hội”. Vì vậy, Phương mong muốn có chính sách giúp người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội việc làm và hòa nhập cộng đồng, để người khuyết tật có thể khẳng định giá trị bản thân.
Là một người đang điều hành một công ty lớn ở Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Đài Trang, Giám đốc Công ty TNHH Trang Đài chia sẻ: Mình bị một cơn sốt bại liệt khi 3 tháng tuổi. Khi đi học, mình thường nhờ bạn cõng đi học, nếu không có ai cõng, Trang sẽ tự bò tới trường. Cho tới nay đầu gối của Trang vẫn còn rất nhiều sẹo do tự mình cố gắng di chuyển. Nhờ nỗ lực, Trang đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và hiện tại là chủ doanh nghiệp. “Người khuyết tật khởi nghiệp sẽ có những chính sách ưu tiên gì và có những hỗ trợ dài lâu như thế nào cho các doanh nghiệp ”?, Trang đặt câu hỏi.
Hoa khôi vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng. |
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật phát triển kinh tế, khởi nghiệp, ông Dương Tiến Lâm, Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Đăk Nông cho rằng: “Vấn đề khó khăn đối với người khuyết tật là vốn để sản xuất, lao động. Nhiều người đi gõ cửa khắp nơi nhưng không vay được vốn. Ngân hàng cũng từ chối cho người khuyết tật vay vốn, cho dù chính bản thân người khuyết tật có khả năng làm việc, làm ra đồng tiền. Đây là khó khăn với người khuyết tật”.
Đồng quan điểm, Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Bản thân là người khuyết tật nhưng tôi nhận được rất nhiều nguồn năng lượng tích cực từ những người bạn khuyết tật khác. Chúng tôi mong muốn được dạy nghề, tạo việc làm một cách bình đẳng, để tham gia lao động, kiếm tiền như tất cả những người bình thường khác”. Bởi Dũng và người khuyết tật tỉnh Hà Nam đã từng đưa ra sáng kiến để người khuyết tật tự khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của họ khó trăm bề.
Bên cạnh đó, các khóa học, đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa có những phương pháp đào tạo phù hợp, đầy đủ để có được tay nghề, để cạnh tranh bình đẳng trong thị trường lao động. “Vì vậy, tôi mong muốn rằng người khuyết tật có thể tham gia vào việc tạo khung chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và thêm vào đó là các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách phù hợp để người khuyết tật được đào tạo nghề bình đẳng”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng trên 2 triệu thanh niên khuyết tật. Hiện đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật, thanh niên khuyết tật còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội còn thấp. Vẫn còn người khuyết tật, thanh niên khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm…. Các trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật còn thiếu. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho chuyên ngành phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập còn rất khó khăn…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho rằng, nhìn lại những hạn chế, thách thức đó để thấy rằng cần nhiều hơn nữa quyết tâm và nỗ lực hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên con đường đồng hành với người khuyết tật, thanh niên khuyết tật. “Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm và tình cảm, chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, giảm bớt rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
64 gương mặt được vinh danh là 64 câu chuyện đẹp vượt qua nghịch cảnh. Người ta ví họ như những “vầng trăng khuyết” với trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước trước khó khăn, truyền cảm hứng đến người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Nhiều thật nhiều những con người không bao giờ gục ngã trước số phận là minh chứng sống động cho nguyên lý: Sức mạnh không đến từ thể chất, nó đến từ ý chí không chịu khuất phục…
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Mỗi chúng ta có quyền tự hào rằng nghị lực sống, ý chí khắc phục hoàn cảnh khó khăn cùng truyền thống “tương thân, tương ái” là nét đẹp làm nên bản sắc văn hóa và cốt cách con người Việt Nam.
“64 thanh niên khuyết tật là đại diện cho hàng ngàn thanh niên từ nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, đang học tập, công tác ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, khoa học… không cam chịu hoàn cảnh của người yếu thế, không chấp nhận những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn của hoàn cảnh sống, bền bỉ vượt qua nỗi buồn, sự bi quan, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.