Là một trong các dân tộc sinh sống lâu đời tại huyện Mường Nhé - Điện Biên, người Hà Nhì sinh sống tại 4 xã vùng giáp biên gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Người Hà Nhì có khá nhiều lễ hội được bảo tồn, lưu giữ, mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, trong đó tết cổ truyền “Hồ Sự Chà” là một nét văn hóa vô cùng độc đáo.
Người Hà Nhì ăn Tết bắt đầu từ ngày Thìn (con Rồng) của tháng 12 dương lịch hàng năm. Trước đây, người Hà Nhì ăn Tết cổ truyền trong 5 ngày, còn hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày, các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn.
Người Hà Nhì sống cởi mở dễ gần và rất coi trọng tình cảm, vì vậy vào những ngày Tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong họ, trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái.
Một góc bản làng Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên). Để đón Tết cổ truyền, trước đó nhiều ngày, cộng đồng dân bản đã dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bản làng thêm sạch đẹp, khang trang. |
Xã Sín Thầu có 7 bản, với 100% là người Hà Nhì. Đến với người Hà Nhì ở Sín Thầu trong những ngày tết cổ truyền, không khí khẩn trương của mỗi gia đình chuẩn bị đón tết, đón con cháu đi xa về sum họp đầu xuân.
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn để đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo của các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg, vì theo quan niệm của người Hà Nhì trong ngày Tết cổ truyền nhà nào có lợn to để mổ thì năm đó làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu, con cháu sum vầy.
Trong Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, việc xem gan lợn rất quan trọng. Sau khi thịt lợn xong, những người già trong gia đình sẽ cùng nhau xem gan lợn để dự báo xem mùa màng năm sau sẽ như thế nào, gia đình có được suôn sẻ, chăn nuôi có được hay không. Già làng Sừng Sừng Sinh, bản Tả Kố Khừ lý giải: “Xem gan lợn là phong tục đã có từ thời tổ tiên. Năm nay miếng gan lợn rất bằng phẳng, mịn, đó là điềm báo cho năm tiếp theo mùa màng sẽ được bội thu hơn năm ngoái, người dân trong bản làng được bình yên”.
Người Hà Nhì sôi nổi, hào hứng với các trò chơi dân gian như chơi đu, bập bênh, thi đấu các môn thể thao dân tộc như tù lu, đẩy gậy, kéo co... |
Mâm cúng tổ tiên của người Hà Nhì có những vật phẩm riêng không thể thiếu đó là hai bát rượu, hai bát nước sạch bỏ lá chè cùng hai bát cơm thịt. Theo phong tục của người Hà Nhì khi bố mẹ đẻ còn sống thì con cháu phải về nhà bố mẹ để cúng tổ tiên chứ không cúng riêng ở gia đình nhà mình. Đó là một phong tục truyền thống cho đến nay người Hà Nhì vẫn còn giữ nguyên vẹn để nhắc nhở con cháu dù đi đâu cũng phải nhớ về cội nguồn, nhớ về nơi đã sinh dưỡng mình.
Suốt mấy ngày Tết, mâm cỗ của người Hà Nhì được thay đổi liên tục, có đủ các món ăn truyền thống. Nhưng dù thay đổi các món thì vẫn có sự hiện diện của đĩa bánh trôi và cặp bánh giầy. Những chiếc bánh trôi, bánh giầy không chỉ dùng để dâng lên tổ tiên, mà đó còn là lễ vật để người Hà Nhì đem biếu ông bà, bố mẹ trong ngày tết. Sau lễ cúng bánh trôi, các thành viên trong gia đình mới được ăn bánh.
Sang ngày tết thứ hai, ngay từ sáng sớm các gia đình tổ chức giã bánh giầy (Gạ bạ). Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Trong ngày này, ngoài việc giã bánh giầy, các gia đình vẫn tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc tết, những người đàn ông thường nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc. Các bà các chị say sưa trong điệu múa, còn các em nhỏ mải mê với trò chơi dân gian truyền thống. Tất cả tạo nên bức tranh tết nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc.
Dịp Tết, người Hà Nhì thường diện những bộ váy áo đẹp nhất, mới nhất. |
Ngày Tết thứ ba cũng là ngày cuối cùng, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc Tết, không khí vui tươi của ngày Tết vẫn không hề giảm, những canh hát trao duyên còn dở dang, những điệu múa còn chưa đến hồi kết. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người chở về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón Tết, họ không quên hẹn hò nhau đến tết sau lại cùng vui hát múa. Ăn trọn vẹn cái Tết của người Hà Nhì mới thấy hết tài chế biến của người phụ nữ nơi đây.
Trong 3 ngày Tết, bà con Hà Nhì cùng nhau ăn uống, sum vầy và đi chúc Tết lẫn nhau với những lời chúc tốt đẹp nhất. Trong bữa cơm thân mật, họ cùng nhau ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc hoặc công việc trong năm tới và chia sẻ kinh nghiệm mùa màng.
Những ngày Tết cổ truyền của người Hà Nhì, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng diện quần áo mới rực rỡ sắc màu để đi chơi. Người dân Hà Nhì còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu vực nhà văn hóa bản.
Không khí diễn ra rất sôi động với tiếng sáo bay bổng, tiếng chiêng rộn rã và các trò chơi dân gian như đánh cù, đá cầu lông gà... được các chàng trai, cô gái thể hiện say sưa nhiệt tình. Đây là dịp để những chàng trai, cô gái đua tài khoe sắc và cơ hội để các chàng trai, cô gái tìm hiểu kết duyên vợ chồng.
Bên ánh lửa bập bùng, các loại trống, chiêng, đàn, sáo cùng rộn rã vang lên. Niềm vui hiện rõ trên đôi mắt của người già, nụ cười bừng sáng của trẻ thơ, tất cả đều ngập tràn hạnh phúc trong một mùa xuân mới.
Tết Hồ Sự Chà là tổ hợp các lễ thức tín ngưỡng tâm linh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Giá trị nền tảng, cốt lõi được biểu đạt trong Tết là sự tri ân, tấm lòng hiếu thuận của con cháu Hà Nhì với tiên tổ. Tết Hồ Sự Chà đến nay vẫn hiệu hữu trong từng nhà, bản làng và từng con người Hà Nhì nơi miền biên cương cực Tây Tổ quốc.