Tính nhân văn của bản kiến nghị
Trước đó, ngày 24/7/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với một số sở ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, thống nhất tham mưu, báo cáo UBND tỉnh giải quyết nội dung đề nghị của Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH).
Trao đổi với Báo PLVN sáng 29/8, ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ việc, Sở đã rút lại và chỉ đề xuất lên tỉnh 1 phương án giải quyết kiến nghị của TTBTXH. Theo đó, Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh Thái Nguyên duy nhất 1 phương án là giữ nguyên hiện trạng đất, không quy hoạch đất ở chia lô trên diện tích đất của TTBTXH tỉnh đang sử dụng.
Với đề xuất phương án giữ nguyên hiện trạng đất của TTBTXH của Sở TN&MT, cũng đồng nghĩa việc giải phóng mặt bằng diện tích đất của nhiều hộ dân phía Đông Nam (sát đất TTBTXH hiện tại) để bù lại cho phần đất của TTBTXH bị UBND TP Thái Nguyên thu hồi để phân lô đem bán sẽ không xảy ra. “Lúc đầu chúng tôi định đề xuất 2 phương án nhưng giờ sẽ điều chỉnh không thu hồi nữa, giữ nguyên hiện trạng cho các hộ và TTBTXH”, ông Hà xác nhận.
Như Báo PLVN đã phản ánh: Dù nhận được nhiều kiến nghị xem xét nhưng ngày 7/7/2017, UBND TP. Thái Nguyên vẫn quyết thu hồi 2151 m2 đất của TTBT tỉnh Thái Nguyên đang sử dụng để phân lô, bán nền. Trên phần đất bị thu hồi đã nhanh chóng được chia thành 12 lô đất (diện tích trên dưới 100m2/lô, mặt tiền mỗi lô là 5m) có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên để bán đấu giá cho người giàu.
Việc thu hồi đất để phân lô bán gây bức xúc trong dư luận bởi đây là diện tích đất thuộc dự án an sinh chăm sóc người yếu thế trong xã hội, đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt trước đó không lâu và đang trong giai đoạn thi công, nghiệm thu những hạng mục quan trọng của dự án.
Ai được lợi khi đất được đấu giá?
Cần phải nhắc lại, trong buổi làm việc với Báo PLVN, Trưởng phòng TN&MT TP Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuệ nói rằng việc thu hồi đất vừa để làm đường vừa lấy đất để bán đấu giá nhằm lấy nguồn tài chính chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án Khu dân cư đường Bắc Sơn kéo dài.
Lý giải tại sao trong khi UBND tỉnh đang giao các sở, ngành bàn bạc, tham mưu cho tỉnh về việc kiến nghị của TTBTXH và UBND tỉnh Thái Nguyên chưa có quyết định cuối cùng thì việc đấu giá vẫn được diễn ra?, ông Tuệ cho biết: Việc đấu giá đã được tỉnh phê duyệt và Trung tâm đấu giá của tỉnh là cơ quan thực hiện. Việc xử lý đối với đất đã thu hồi của TTBTXH cũng như với những người đã trúng đấu giá như thế nào thì tỉnh đã giao Sở TN&MT nghiên cứu, không thuộc thẩm quyền của thành phố.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo PLVN, lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định: Việc đấu giá là do UBND TP Thái Nguyên tổ chức. Khi được hỏi, với phương án giữ nguyên hiện trạng đất của TTBTXH vậy các cá nhân đã trúng đấu giá 12 lô đất đã được rao bán trước đó sẽ được xử lý như thế nào?, ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay: UBND thành phố sẽ phải xử lý các nội dung mà thành phố đã làm trước đây.
“Họ tổ chức việc đó nên họ phải tự xử lý. Tới đây thành phố sẽ có báo toàn bộ kể cả phương án xử lý vụ đó nhưng hiện nay vẫn chưa có báo cáo. Muốn xử lý theo phương án 1 thì thành phố phải có báo cáo để sở thống nhất trình với tỉnh. Bởi phương án nào thì thành phố cũng phải có trách nhiệm làm cả”, ông Hà nhấn mạnh.
Một câu hỏi lớn đặt ra ai đã được lợi từ sự việc này? Và tại sao với vai trò tham mưu cho một dự án rất lớn của tỉnh Thái Nguyên, nhưng UBND TP. Thái Nguyên đã không có ý kiến để sự việc được giải quyết một cách có tình có lý mà lại quyết liệt trong việc thu hồi đất và tổ chức phân lô, bán đấu giá thu tiền?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Nơi nương tựa của người sống và người chết
“Về mặt nguyên tắc họ phải chờ quyết định cuối cùng của tỉnh để quyết định tương lai dự án mà Trung tâm đang thực hiện. Nhưng tâm tư, nguyện vọng của những người đang sinh sống và làm việc tại TTBT là không muốn chuyển đi nơi khác. Bởi chỗ này là ngôi nhà, là chốn để người sống cũng như người đã chết nương tựa lâu nay. Người sống thì tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước để không thấy mình rách rưới, phải sống vật vờ đầu đường, xó chợ. Còn với người chết thì qua các năm đã có hơn 100 người từ trẻ sơ sinh cho đến người già đã qua đời ở mảnh đất này và với cái tâm của mình, chúng tôi đã đang thờ cúng họ” - bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc TTBTXH tỉnh Thái Nguyên.