Liên quan đến vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 19/3 trước cửa số nhà 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội), hôm qua (20/3), Công an TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả điều tra ban đầu.
Theo tài liệu điều tra, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.
Chiều ngày 19/3, anh Cường dùng đèn khò để cắt phá khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg.
Tuy nhiên, trong quá trình cắt phá, khối kim loại đã phát nổ, gây ra hậu quả thảm khốc làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.
Danh tính các nạn nhân tử vong được công bố gồm: Phạm Văn Cường (người gây ra vụ nổ), Bùi Chí Quân (53 tuổi, Chương Mỹ), Đào Thị Soản (32 tuổi, Châu Mai, Liên Châu, Thanh Oai), Đào Thị Quỳnh (8 tuổi, Châu Mai, Liên Châu, Thanh Oai).
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Sẽ không khởi tố bị can
Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo tài liệu điều tra ban đầu thì hành vi của Phạm Văn Cường đã có dấu hiệu vi phạm Điều 232 Bộ luật Hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.
Ngoài ra, theo quy định tại Chương XXI của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Điều 623 của Bộ luật này (về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) thì anh Cường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Tuy nhiên, trong vụ nổ trên, bản thân anh Cường cũng đã trả giá bằng tính mạng của mình, do vậy cơ quan chức năng sẽ không khởi tố bị can, đồng thời cũng không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại đối với anh Cường.
“Nhưng vụ việc trên cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý vật liệu nổ nói chung cũng như việc thu mua phế liệu nói riêng.
Theo quy định của pháp luật, tất cả mọi ngành nghề có lợi nhuận đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Nhưng lâu nay ở nước ta hầu như những tổ chức và cá nhân mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu không làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, đặc thù của nước ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chưa lâu, những tàn dư của vũ khí, vật liệu nổ còn tồn tại khá nhiều. Và trên thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ việc đau lòng do người dân tự ý cưa, cắt bom, mìn mà họ có được trong quá trình thu mua phế liệu, nhưng cơ quan chức năng dường như chưa kiểm soát chặt vấn đề này”- Luật sư Hà chia sẻ.
Hiện trường vụ nổ |
Buông lỏng quản lý?
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) không phải mới xảy ra lần đầu, trong vòng vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ nổ từ vũ khí còn sót lại sau chiến tranh mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan và thiếu hiểu biết.
Nhưng vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước việc có hàng trăm nghìn “lò” thu mua phế liệu vẫn ngày ngày hoạt động và nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc mà không có bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào?
Bởi trong số các “lò” phế liệu đó có không ít những đồ vật chứa chất gây nổ và có nguy cơ cháy, nổ bất cứ lúc nào. Người dân sống xung quanh dù biết là nguy hiểm, biết không an toàn nhưng cũng chẳng biết kêu ai, bởi lâu nay họ chưa thấy cá nhân nào bị xử lý về hành vi thu mua phế liệu là những vật liệu có chứa chất gây nổ.
Nếu nói là do “lỗ hổng” của luật pháp thì e rằng không phải, bởi tại Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 76/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh này đã quy trách nhiệm khá rõ đối với từng cơ quan cũng như các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, cơ quan sát sao với đời sống của người dân nhất là UBND các cấp đã được giao trách nhiệm: “Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh tiền chất thuốc nổ tại địa phương theo quy định của pháp luật” (Điều 4 Nghị định 76/2014/NĐ-CP).
Tuy nhiên, qua các vụ nổ xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc vừa xảy ra tại Khu đô thị Văn Phú thì người dân đã thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương này đến đâu khi mà điểm thu mua phế liệu nói trên đã tồn tại ở đây khá lâu, hoạt động của họ cũng không phải là bí mật.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, tối 19/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và chia sẻ nỗi đau với thân nhân gia đình các nạn nhân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai công tác khắc phục hậu quả, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng điều tra, làm rõ sự việc và khẩn trương hỗ trợ gia đình các nạn nhân, ổn định cuộc sống người dân trong khu vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điện yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình có người bị chết và người bị thương, ổn định nơi ở cho các gia đình bị ảnh hưởng; chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ nổ này.
Trước đó, nhận được thông tin về vụ nổ, các ban ngành chức năng của Hà Nội gồm: Công an TP Hà Nội, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Sở Y tế… đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để khắc phục hậu quả. Trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và tân Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cũng đã đến thị sát tình hình và chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.