Động thái được cho là cố ý này của nhà sản xuất được luật sư phân tích rằng nếu đủ căn cứ có thể khởi tố hình sự.
Trong trường hợp đã có căn cứ khoa học chứng minh sản phẩm nước C2, nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì, cơ quan hữu trách Bộ Y tế đã yêu cầu nhà sản xuất buộc phải thu hồi, tiêu hủy sản phẩm nhiễm độc có thể đe dọa đến sức khỏe người dân, nhưng nhà sản xuất vẫn để sản phẩm này được bày bán trên thị trường, như tại tỉnh Phú Yên, gần đây dư luận cho rằng các sản phẩm C2, Rồng đỏ nằm trong lô nhiễm độc chì đã bị Bộ Y tế buộc thu hồi nhưng vẫn được bày bán tại địa phương này; Với động thái trên của nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối sản phẩm có thể xử lý hình sự được không? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có trao đổi với luật sư Lê Văn Khương- Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Việc để sản phẩm được khẳng định là có nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng trách nhiệm nhà sản xuất, ở đây là Cty TNHH URC Việt Nam phải được xem xét như thế nào?
Luật sư Lê Văn Khương: Về trách nhiệm của Cty URC là ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện lô hàng C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì, thì công ty phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm, xin lỗi, khắc phục hậu quả và bồi thường. Tuy nhiên, việc này Cty URC đã không thực hiện. Chính vì lẽ đó, Cty URC đã bị xử phạt hành chính số tiền gần 6 tỉ đồng. Nhưng quan trọng hơn, hành động đó của Cty URC là xem thường sức khỏe, an nguy tính mạng của người tiêu dùng.
Sau khi đã bị xử lý vi phạm hành chính, mà công ty URC vẫn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thi hành. Chi phí cưỡng chế do Cty URC chịu. Trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính rồi mà Cty URC vẫn tái phạm, tiếp tục cung cấp ra thị trường sản phẩm bị lỗi thì cơ quan điều tra có thể xem xét truy tố hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về hành vi, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nếu có đủ căn cứ.
Về trách nhiệm bồi thường thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu Cty URC bồi thường thiệt hại, nếu chứng minh được việc do uống nước C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì gây ra các chứng bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, đối với các đơn vị phân phối, nếu họ bỏ tiền ra mua lô hàng, giờ bị thu hồi thì có thể kiện Cty URC. Việc này tuân theo Luật Thương mại. Tuy nhiên, để có cơ sở khởi kiện thì phải xem hợp đồng phân phối sản phẩm quy định như thế nào.
Trong trường hợp tại tỉnh Phú yên, thời gian gần đây người dân phát hiện trên thị trường vẫn bày bán các sản phẩm nước trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ được cho là nằm trong lô sản phẩm mà cơ quan hữu trách khẳng định bị nhiễm độc chì, buộc phải thu hồi, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc này như thế nào?
Luật sư Lê Văn Khương: Từ ngày 20/5 Bộ Y tế đã tạm dừng việc lưu thông đối với 3 lô sản phẩm thực phẩm của Cty TNHH URC Hà Nội, địa chỉ tại Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội vì hàm lượng chì không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, gồm: Lô trà xanh hương chanh C2 sản xuất ngày 4/2/2016, có hạn sử dụng đến 4/2/2017 do kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,085 mg/L.
Lô hàng thứ hai là nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ sn ngày 19/2/2016, có hạn sử dụng đến 19/2/2015 cũng có hàm lượng chì là: 0,053 mg/L. Lô hàng thứ 3 bị dừng lưu hành là nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ sản xuất ngày 10/11/2015, có hạn sử dụng đến 10/8/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/L. C 3 lô hàng trên đều có mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.
Bộ Y tế yêu cầu Cty TNHH URC có trách nhiệm: Tạm dừng lưu thông các lô hàng hóa không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng nói trên; tiến hành thu hồi, bảo quản các lô hàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng để chờ xử lý tiếp theo, theo quy định của pháp luật; báo cáo cụ thể số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, địa bàn bán và còn tồn của từng lô hàng có kết quả kiểm nghiệm không đạt; Số lượng cụ thể của từng lô nguyên liệu đã được sử dụng để sản xuất ra các lô sản phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt như đã thông báo, gửi về Thanh tra Bộ Y tế trong ngày 23/5/2016.
Nếu phát hiện các sản phẩm này được bán trên thị trường, cụ thể là tại tỉnh Phú Yên thì rõ ràng là vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có tính chất cố ý thì hoàn toàn có thể xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Trách nhiệm giám sát việc này có liên quan đến Sở Y tế Phú Yên, Quản lý thị trường Phú Yên. Nếu có thể, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Yên hoàn toàn có thể vào cuộc kiểm tra làm rõ.
Khi có văn bản buộc nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm lỗi, có thể gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, cơ quan hữu trách cần phải có trách nhiệm như thế nào đối với việc thu hồi sản phẩm lỗi này?
Luật sư Lê Văn Khương: Bộ Y tế là đơn vị phát hiện lỗi sản phẩm có thể gây nguy hại đến sức khỏe người dân và buộc nhà sản xuất là Cty URC phải thu hồi sản phẩm, đồng thời phải chịu xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu bàn về trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm lỗi của nhà sản xuất thì rõ ràng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây có trách nhiệm của Bộ Y tế, ở địa phương thì có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Chúng ta có bộ máy, có các văn bản pháp luật hiện hành quy định rõ về việc này.
Vậy không có lý do gì mà có thể nói là không biết, hay không nắm được thông tin khi sản phẩm lỗi, nhiễm độc chì vẫn lưu hành ngoài thị trường và tiếp tục đe dọa đến sức khỏe người sử dụng. Cách tốt nhất để đảm bảo cho sức khỏe, người tiêu dùng nên sử dụng quyền “tẩy chay” đối với sản phẩm độc hại. Như vậy mới là người tiêu dùng thông thái../.