Miễn truy cứu cho người “ở giữa”
Như PLVN đã thông tin, ngày 23/11/2016, sau 1 ngày làm việc, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định dừng phiên tòa xét xử vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra ở Cty CP phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) để triệu tập nhân chứng Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Phó phòng Phòng Phát triển thị trường của Halico) nhằm làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc kêu oan của bị cáo Hồ Văn Hải - nguyên Giám đốc Halico.
Trong vụ án này, bị cáo Hải bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với cáo buộc rằng: với tư cách là Giám đốc Halico (từ năm 2006), tuy biết Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (Cty Hoàng Lân) tiêu thụ rượu xuất khẩu ở trong nước nhưng vì mục đích tư lợi nên bị cáo Hải vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Cty này mua rượu xuất khẩu của Halico (loại rượu chuyên xuất khẩu sang Lào) để bán trong nước nhằm trốn thuế. Trong vụ việc này, bị cáo Hải bị quy kết được hưởng lợi bất chính 300 triệu đồng- là số tiền do Cty Hoàng Ngân đưa trực tiếp hoặc đưa qua người khác.
Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có 4 bị cáo khác bị truy tố về tội “Trốn thuế” gồm Hoàng Văn Xưởng (Giám đốc Cty Hoàng Lân); Định Thị Minh Hoa (vợ Xưởng); Nguyễn Thị Thủy (nhân viên Agribank); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (chuyên viên Phòng phát triển thị thường Halico) và 1 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội)
Riêng ông Nguyễn Hồng Tiến (là cấp dưới của bị cáo Hải và là “sếp” của bị cáo Trang), tuy từng bị khởi tố về tội “Trốn thuế” nhưng đã được CQĐT “đình chỉ điều tra” (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) vì cho rằng anh này tham gia thực hiện tội phạm ở giai đoạn sau, do có sự tác động, chỉ đạo của bị cáo Hải và thái độ khai báo thành khẩn, nộp lại 450 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính. Trước đó, CQĐT đã khẳng định rõ ông này cùng bị cáo Trang và bị cáo Xưởng bàn bạc thống nhất cùng lo thủ tục giấy tờ xuất khẩu rượu cho Cty Hoàng Lân và được chia 22.000 đồng/thùng.
Không ai nhận chỉ đạo hoặc bàn bạc với Giám đốc Cty
Có mặt tại phiên tòa với tư cách là nhân chứng, ông Tiến cho rằng: “Tôi không hề báo cáo hoặc bàn bạc ăn chia với Giám đốc Hải về việc để Cty Hoàng Lân tiêu thụ rượu xuất khẩu ở trong nước. Tôi cũng không rõ bị cáo Hải có biết việc Hoàng Lân bán rượu ở trong nước hay không”.
Ngoài ra, ông Tiến còn cho biết, khi biết Cty Hoàng Lân có ý định ký hợp đồng mua rượu bán sang Lào thì Giám đốc Hải chỉ nói, “nếu họ làm đúng thì phải để cho họ bán… Họ phát triển thị trường sang Lào thì để cho họ phát triển. Anh Hải còn nói, cần chỉ đạo chặt để Hoàng Lân không bán rượu trong hệ thống của Cty”.
Nhân viên của ông Tiến là bị cáo Trang cũng đã nhiều khai nhận việc “không hề báo cáo với bị cáo Hải về việc cho Cty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu ở trong nước. Bị cáo Hải chỉ đạo bán hàng sang Lào, không chỉ đạo bán trong nước”.
Về số tiền đưa cho bị cáo Hải, bị cáo Trang khai “tôi biếu anh Hải 100 triệu và nói là do Cty Hoàng Lân bán được hàng ở bên Lào tốt”.
Thừa nhận nội dung này, bị cáo Xưởng (Giám đốc Cty Hoàng Lân) cũng cho biết, tiền đưa cho bị cáo Hải là do bị cáo buôn bán được thì biếu chứ không hề có thỏa thuận ăn chia gì từ việc bán rượu xuất khẩu ở trong nước. Khi đưa tiền cho bị cáo Hải, bị cáo chỉ nói “em đi nước ngoài về thì biếu quà sếp”.
Cũng như bị cáo Trang và nhân chứng Tiến, bị cáo Xưởng khẳng định không bàn bạc, không nói gì với bị cáo Hải về việc bán rượu xuất khẩu ở trong nước và “bị cáo nghĩ một Giám đốc lãnh đạo Cty có doanh thu cả nghìn tỷ một năm thì cũng không chỉ đạo cụ thể việc bán hàng hơn 40 tỷ/năm như Cty Hoàng Lân làm gì”.
Xuất hiện chứng cứ mới
Để chứng minh cho sự vô can của mình, bị cáo Hải đã cung cấp cho HĐXX “Giấy cam đoan” của Cty Hoàng Lân ngày 22/11/2010 và cho biết, trước khi ký hợp đồng bán rượu, bị cáo đã yêu cầu Cty Hoàng Lân phải có cam đoan về việc sẽ bán hàng đúng quy định là chỉ bán rượu của Halico trên đất nước Lào. Nếu sai thì Cty Hoàng Lân phải chịu trách nhiệm.
Ngay sau đó, bị cáo Hoa đã khẳng định, trước khi được Halico ký hợp đồng thì Cty đã được gọi đến để nhắc nhở việc bán hàng đúng quy định và làm Giấy cam kết.
Khi được HĐXX hỏi về chứng cứ này, bị cáo Hải cho biết, Giấy cam đoan này được lưu giữ tại Cty Halico và đã từng được bị cáo phô tô để cung cấp cho cơ quan điều tra nhưng không hiểu sao đến nay, hồ sơ vụ án lại không có tài liệu này.
Cho rằng bị cáo đã làm hết trách nhiệm và đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn rượu xuất khẩu bị bán ở trong nước (như tổ chức họp giữa Cty và khách hàng; yêu cầu làm cam kết, tiến hành đánh dấu nắp chai, đánh dấu vỏ thùng…), bị cáo Hải còn cho biết, để ràng buộc Cty Hoàng Lân, bị cáo còn yêu cầu Cty này phải đặt cọc tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Khi nào Cty Hoàng Lân xuất trình đầy đủ hồ sơ xuất khẩu thì mới được hoàn thuế. Tức là số tiền ghi trong hóa đơn bán hàng cho Cty Hoàng Lân đã bao gồm cả hai loại thuế này. Như vậy thì việc tính toán và cho rằng Cty Hoàng Lân trốn thuế như trong Kết luận điều tra và Cáo trạng là không đúng vì có một số lô hàng Cty này chưa hoàn thuế.
Liên quan đến vấn đề trên, cả bị cáo Trang và bị cáo Hải đều cho rằng, chênh lệch giữa giá bán rượu ở Lào và trong nước chỉ khoảng 18-20% chứ không lãi 35%-45% như cách tính của CQĐT.
Trước diễn biến này, HĐXX đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa để thẩm tra, đánh giá lại các tài liệu chứng cứ về mức thuế vì số tiền thuế sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo trong vụ án.