Trong phần phát biểu của mình ĐB Bùi Mạnh Hùng tỏ ý không đồng tình với ý kiến của Viện trưởng VKSND TC khi cho rằng không có điều kiện theo quy định của Luật để tái thẩm, giám đốc thẩm vụ án Lê Bá Mai, bởi từ khi có bản án đến nay, bản thân Lê Bá Mai trong trại không có đơn thư kêu oan.
“Tôi được biết, ngay sau khi bị tuyên án chung thân, vào ngày 30/8/2013, thì ngày 5/9/2013, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan, bố mẹ của Lê Bá Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan đến chủ tịch nước, đến các cơ quan có thẩm quyền. LS bào chữa cũng đã có đơn đề nghị xem xét lại bản án. Tôi thiết nghĩ, nếu đồng chí chưa nhận được đơn kêu oan của bản thân Lê Bá Mai thông qua hệ thống trại giam, thì nên ghi nhận việc kêu oan của Lê Bá Mai đến các cơ quan chức năng.” ông Hùng nói.
ĐB cũng nhắc đến một nhân chứng đã đứng ra cung cấp chứng cứ minh oan cho Lê Bá Mai, và người dân đó biết sự kiện này rất tường tận, có rất nhiều chứng cứ. “Người dân này đã khai với cán bộ điều tra từ đầu vụ án trong giai đoạn điều tra, nhưng suốt thời gian vừa qua, không hiểu vì lý do gì, bà vẫn không được mời làm nhân chứng khi xét xử vụ án?” ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt câu hỏi.
“Việc này chắc cơ quan VKSND, TAND đã biết. Hiện nay bà đã có đơn xin ra làm chứng. Nhưng từ khi bà có đơn, bà liên tục bị đe dọa, và hiện giờ, đã phải về quê sinh sống.”- ông nói thêm.
ĐB tỉnh Bình Phước cho rằng những chứng cứ như trên, đã đủ điều kiện để tái thẩm, giám đốc thẩm vụ án Lê Bá Mai, nhằm trái oan sai.
Trước đó, trong phiên họp ngày 25/10, về công tác phòng chống tội phạm, công tác của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và thi hành án, khi đề cập vấn đề tình trạng thụ lý án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, ĐB QH Bùi Mạnh Hùng đã đưa ra ví dụ bằng vụ án vườn mít hay vụ án Lê Bá Mai.
Trong vụ án này, đương sự Lê Bá Mai bị cáo buộc tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người. Lê Bá Mai đã hai lần bị tuyên án tử hình, một lần tuyên vô tội và nay lại tuyên chung thân.
ĐB Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, dư luận quan tâm tới vụ án này vô cùng bức xúc và đặt tên cho vụ án này là “Kỳ án vườn mít” bởi vì nó kéo dài quá lâu, các mức án quá khác biệt, nhiều chi tiết kết tội chưa thực sự thuyết phục.
ĐB đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét lại bản án theo thẩm quyền của mình với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, nhất thiết không để xảy ra oan sai, đặc biệt không sợ vì bồi thường trách nhiệm mà bỏ qua oan sai./.