Ghi nhận những cố gắng của ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát, trong công cuộc đấu tranh tội phạm, tuy nhiên, tuy nhiên ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) vẫn thẳng thắn cho rằng công tác khởi tố, điều tra vẫn còn yếu. Theo ông: “Nguyên nhân nằm ở các điều tra viên trực tiếp, các thẩm phán xét xử. Đáng suy nghĩ, có những thẩm phán, điều tra viên có trình độ cao nhưng họ vẫn để xẩy ra oan sai, án kéo dài, bức cung, nhục hình… Như vậy, vấn đề không phải là trình độ, mà là đạo đức, hay là sự vô cảm, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm."
ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị các ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án báo cáo rõ ràng rằng đã xử lý các cán bộ này như thế nào? Phải cho dân thấy được những sai phạm đã được xử lý. Và phải có báo cáo trước dân về những phương hướng quản lý cán bộ ngành mình ra sao.
Cũng đặt câu hỏi về sự vô cảm hay trình độ của cán bộ điều tra, truy tố, xét xử, ĐBQH tỉnh Bình Phước - ông Bùi Mạnh Hùng - lấy dẫn chứng về sự kéo 10 năm của một vụ án trên địa phương ông. Mới đây, đã có bản án tuyên phạt tù treo, nhưng theo ông, án treo này đã kéo dài 10 năm. trong 10 năm ấy, con gái của bị an không được kết nạp Đảng, con trai muốn thi vào ĐHAN không được xét duyệt, chỉ bởi người bố đang là nghi can một vụ án.
ĐB bức xúc: “Cử tri hỏi, đó là do trình độ của cán bộ điều tra, cán bộ xét xử yếu kém, hay là sự thiếu bản lĩnh, thiếu trách, sự vô cảm trước sinh mạng chính trị của nhân dân?”
ĐB tỉnh Bình Phước cũng nêu lại vụ án Lê bá Mai: Tôi đề nghị ngành Tòa án nên giải quyết dứt điểm vụ những vụ án kéo dài. Như vụ án Lê bá Mai, phát sinh từ năm 2003, đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Lê bá Mai đã nhận 2 bản án tử hình, 1 bản án tuyên vô tội, và hiện là án chung thân. Dư luận rất bức xúc, quan tâm, theo dõi, đặt tên là “kỳ án vườn mít”. Kỳ án bởi vì nó kéo dài quá lâu, các mức án quá khác biệt, nhiều tình tiết kết tội chưa thuyết phục.
"Với tình hình trên, tôi thiết tha đề nghị ông CATANDTC cùng TAND tối cao xem xét lại bản án, với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, không sợ bồi thường trách nhiệm do oan." - ĐB nói.
Đặt một câu hỏi khá nhức nhối trước Hội trường Diên Hồng, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói: “Tôi đề nghị CP, các cơ quan quản lý các cấp, cần xem xét, đánh giá trên đất nước còn có bao nhiêu vụ việc mà cơ quan chức năng không biết?”
Câu hỏi tưởng chừng như không thể tìm được câu trả lời của ĐB tỉnh Trà Vinh xuất phát từ thực tế có nhiều vụ án mà chỉ khi được phanh phui, các cơ quan chức năng mới ngỡ ngàng đổ lỗi cho “không biết”. “Ví dụ một vụ án đổ rác thải gần đây gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, hay những vụ án lâm tặc chở gỗ lậu ngang nhiên đi qua 3, 4 trạm mới phát hiện; vụ đem điện thoại vào trại giam; vụ tự sát trong trại giam… Có sự thông đồng hay không? Hay chỉ là sự vô trách nhiệm? Chỉ đổ thừa không biết thì mọi sự bình an vô sự?” – ĐB Khá nói.
Theo bà, nguyên nhân của tình trạng tội phạm gia tăng là do chúng ta đang hoàn thiện trong việc xây dựng pháp luật , nhưng việc thi hành đến đâu, nhân dân thực hiện đến như thế nào, còn chưa rõ. Bà đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp để việc xây dựng pháp luật phải đi đôi với triển khai. Đồng thời, cần ban hành chính sách khuyến khích tố giác tội phạm, có cơ chế rõ ràng bảo vệ người tố giác tội phạm. Tất nhiên, phải đi đôi với việc xử lý nghiêm những đối tượng thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, trục lợi, lợi ích nhóm, ép cung, nhục hình, gây mất lòng tin với nhân dân, phải đảm bảo phát triển kinh tế đi cùng với ổn xã hội. Có như vậy mới xây dựng được lòng tin của nhân dân.
Cũng đặt yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cán bộ trước dân, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng tình trạng này biểu hiện rất rõ việc thi hành luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Đó là những thủ tục hành chính nhiêu khê, những yêu cầu khắt khe trong chứng cứ, hay sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cán bộ, giữa các cơ quan…
“Trách nhiệm của cán bộ công chức, chưa cao, còn thờ ơ, thậm chí là vô cảm trước thiệt hại của người dân, chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong những mất mát của người dân.” – ĐB tỉnh Thái Bình bức xúc nói về một trong những lý do khiến người dân rất khó khăn trong việc đòi bồi thường./.