Khi xét xử vụ án, cả hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm có sai sót khi không triệu tập chị Hoàng Hồng Hạnh (vợ anh Hải), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chị này.
Nhiều dữ liệu trong Hợp đồng bị sai lệch
Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Hải, do có nhu cầu vay tiền nên anh có thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Thêm (SN 1970, trú tại số 107A, đường Đầm Vạc, phường Đống Đa) cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại tổ dân phố Cao Sơn. Lợi dụng lúc anh Hải đang cần tiền nên ông Thêm đã đưa cho anh Hải ký khống vào một tờ giấy trắng và nói “ký vào giấy này, anh bảo lãnh cho chú vay".
Vào ngày 06/12/2012, anh Hải đã đến Quỹ tín dụng nhân dân phường Đống Đa trả nợ 200 triệu đồng để lấy lại GCNQSDĐ đang cầm cố tại đây để chuyển sang cầm cố với ông Thêm. Tuy nhiên, ông Thêm yêu cầu anh Hải phải làm Hợp đồng chuyển nhượng đất “giả cách” thì mới cho vay tiền. Tin lời, anh Hải và ông Thêm đã đến Văn phòng công chứng (VPCC) Kim Minh (phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên) để làm thủ tục công chứng Hợp đồng chuyển nhượng đất.
Đinh ninh việc ký Hợp đồng trên chỉ là “làm tin” nhưng một thời gian sau anh Hải mới ngã ngửa vì thấy vợ chồng ông Thêm đã làm thủ tục đứng tên thửa đất.
Sau khi anh Hải nhất quyết không chịu bàn giao nhà đất, ngày 9/10/2014 vợ chồng ông Thêm đã khởi kiện anh Hải ra Tòa để đòi đất.
Ngày 7/9/2015, TAND TP Vĩnh Yên xét xử sơ thẩm vụ kiện và ra Bản án số 09/2015/DSST công nhận Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp pháp; buộc anh Hải phải tháo dỡ nhà mái tôn, di chuyển tài sản để trả lại thửa đất số 1A, tờ bản đồ 17, diện tích 117,2m2 cho nguyên đơn.
Tại phiên tòa, anh Hải một mực khẳng định Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh và nguyên đơn là giả cách và vô hiệu, thể hiện ở việc: ngày tháng năm sinh, ngày cấp chứng minh thư nhân dân của bên chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng không đúng với giấy tờ của anh Hải đang có; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của vợ chồng ông Thêm và bà Mười (vợ công Thêm) ghi không đúng…
Hơn nữa, anh Hải khẳng định, vào ngày 6/12/2012, bà Mười không có mặt tại VPCC Kim Minh để ký vào Hợp đồng chuyển nhượng đất. Vì vậy, cả anh Hải và luật sư (LS) đã đề nghị Tòa triệu tập Công chứng viên đến Tòa để đối chất hoặc giám định chữ ký.
Đối với tờ giấy viết tay thể hiện anh Hải bán đất cho ông Thêm với giá 800 triệu đồng, anh Hải cho rằng đây chính là tờ giấy do anh ký khống và được ông Thêm ghi nội dung “bán đất” vào. Chữ viết và nội dung trong tờ giấy này có nhiều bất thường, mờ ám. Hơn nữa, ông Thêm cũng không có chứng cứ nào về việc giao 800 triệu đồng như trong nội dung Giấy chuyển nhượng đất nêu trên.
Tuy nhiên, những ý kiến trên đều không được Tòa chấp nhận.
Cấp sổ đỏ “siêu tốc”
Về thủ tục cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Thêm, anh Hải cho rằng có nhiều khuất tất như: chữ ký trong tờ khai thu nhập cá nhân của Hải không phải của mình; Ngày 28/12/2012 mới có thông báo nộp thuế cho ông Thêm nhưng GCNQSDĐ lại được UBND TP Vĩnh Yên cấp cho ông Thêm trước đó 2 ngày…
Anh Hải cũng thắc mắc, không hiểu sao, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ cuối ngày 6/12/2012, ông Thêm đã làm được một loạt các thủ tục như: Làm tờ khai lệ phí trước bạ; Tờ khai thu nhập cá nhân của anh Hải; Nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất ở bộ phận “một cửa”.
Ngày 26/12/2012, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vĩnh Yên có Tờ trình về việc thu hồi và cấp GCNQSDĐ đối với vợ chồng ông Thêm. Cùng ngày Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên Lê Đức Dũng ký Quyết định thu hồi đất của ông Hải và cấp GCNQSDĐ cho ông vợ chồng ông Thêm. Vẫn trong ngày 26/12, UBND TP Vĩnh Yên đã chính thức cấp GCNQSDĐ số BN194214 cho vợ chồng ông Thêm.
Anh Hải thắc mắc, tại sao chỉ trong ngày 26/12/2012, hàng loạt cơ quan chức năng đã tích cực làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Thêm một cách “siêu tốc” như trên? Phải chăng việc này đã được lên kế hoạch từ trước?
Cho rằng vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, ngay từ phiên tòa sơ thẩm, anh Hải đã đề nghị hoãn phiên tòa, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ nhưng không được Tòa chấp nhận.
Đáng nói là khi ông Thêm đã khởi kiện đòi đất ra Tòa rồi thì cán bộ địa chính của phường và thành phố mới xuống kiểm tra hiện trạng, đo đạc xác định mốc giới và các hộ liền kề. Việc "chữa cháy" này nhằm mục đích gì?
Ngày 30/9/2015, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm, anh Hải đã có đơn đề nghị TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Không đưa vợ anh Hải tham gia tố tụng là sai luật
Theo LS Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Luật Hòa Lợi), khi làm thủ tục công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công chứng viên phải yêu cầu bên bán cung cấp giấy tờ thể hiện tình trạng hôn nhân của mình. Mục đích của việc này để xác định vợ (hoặc chồng) của bên chuyển nhượng (những người có quyền sở dụng chung đối với thửa đất, sở hữu chung đối với tài sản trên đất) để yêu cầu những người này cùng ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất. Như vậy, nếu Hợp đồng mà không có sự tham gia của vợ anh Hải (bên bán) là không đúng quy định, không đảm bảo quyền lợi của chị này.
Khi xét xử vụ án, Tòa án không đưa vợ anh Hải vào tham gia tố tụng là sai quy định.Tòa còn ra phán quyết buộc anh Hải dỡ mái lợp tôn, di dời tài sản để trả đất cho ông Thêm là ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ anh Hải vì theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình thì tài sản trên đất mà tòa phán quyết tài sản chung của vợ chồng anh Hải. Giả sử, anh Hải có được cho riêng thửa đất thì trên thực tế, vợ chồng anh Hải đã cùng tạo dựng khối tài sản chung trên đất nên có thể hiểu anh Hải đã tự nguyện đưa thửa đất này vào làm tài sản chung của vợ chồng.