Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thắm, vỗ rung long đờm hay còn gọi là vỗ rung hô hấp, vận động trị liệu hô hấp là những động tác làm bằng tay của kĩ thuật viên trực tiếp lên thành ngực của trẻ nhỏ theo kĩ thuật chuẩn nhằm thoát chất tiết, chống ùn tắc phế quản trả lại sự thông thoáng cho đường thở, đảm bảo thông khí và trao đổi khí được thuận lợi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm- Trưởng khoa phục hồi chức năng |
- Nhiều phụ huynh xót con cho rằng, kiểu vỗ rung long đờm ảnh hưởng đến lồng ngực của trẻ, ý kiến bác sĩ thế nào?
Bình thường đối với khoa phục hồi chức năng khi vỗ rung cho trẻ em, người thân cần ở gần trẻ để trẻ đỡ sợ.
Khi vỗ rung long đờm người mẹ nhìn và rất xót con vì lý do, kỹ thuật viên dùng tay ép rung lên thành ngực của trẻ, khiến trẻ khóc to và ho. Mẹ của trẻ có thể lo kỹ thuật viên làm mạnh gẫy xương sườn, gây đau, gây khó thở cho trẻ.
Thực tế, khi thao tác, kỹ thuật này trẻ không hề đau và ngược lại vừa có tác dụng điều trị vừa có tác dụng phòng bệnh. Vì tác dụng đẩy dịch tích từ phế nang, tiểu phế quản ra ngoài giúp thông thoáng đường thở.
Cần hiểu rõ cơ chế đào thải dịch tiết và dị vật của phổi:
Thứ 1, vai trò của hệ thống lông rung ở tiểu phế quản và phế quản.
Trong lòng các phế quản và tiểu phế quản các tế bào có biểu mô có hệ thống long như bàn chải răng các long này nằm trong lớp dịch nhày tạo thành “tấm thảm” khi các lông rung tạo nêm “thảm chuyển động” đẩy các dịch tiết về phía phế quản rồi khí quản.
Trong lòng phế nang và ống phế nang không có lông rung. Các dịch tiết trong phế nang tới được tiểu phế quản nhờ áp lực và tốc độ luồng khí thở vào, áp lực của lồng ngực thì thở ra, tốc độ của luồng khí thở ra kéo dịch theo nhờ ho, nhờ vỗ và rung trên thành ngực.
Thứ 2, vai trò trong của ho trong quá trình đào thải dịch tiết và dị vật của phổi:
Ho là hoạt động tự vệ nhằm đẩy các “chướng ngại”, các dị vật, các chất lạ ra khỏi đường hô hấp.
Các thì của ho:
1. Thở vào sâu và nhanh 1-2 giây,
2. Thì tăng áp lực lồng ngực khoảng ¼ giây như đóng thanh môn; Co các cơ hô hấp, (cơ bụng, cơ liên sườn, cơ thanh môn, cơ hoành); Áp lực trong thành ngực tăng cao.
3. Thở ra đột ngột
Dưới sức co của các cơ trên, áp lực trong lồng ngực tăng rất cao và đẩy luồng không khí đẩy ra rất lớn làm thanh môn mở ra đột ngột, kéo theo dịch tiết, dị vật, khí lạ ra khỏi đường thở. Vận động trị liệu hô hấp làm tăng áp lực lồng ngực trong thì thở ra, nhờ thu hẹp các kẽ sườn và dung tích lồng ngực.
Vỗ rung long đờm được áp dụng cho những đối tượng nào, khoảng bao nhiêu tuổi, thưa bác sĩ?
- Vỗ rung long đờm hay còn gọi là vận động trị liệu hô hấp vừa có vai trò điều trị bệnh và phòng bệnh nên được chỉ định rất rộng rãi, trong trường hợp khi có ùn tắc phế quản, có tiết dịch phổi và phế quản trừ những trường hợp chống chỉ định như bệnh phổi cấp tính: phù phổi cấp, tràn khí, tràn dịch màng phổi nhiều…
Bệnh tim: suy tim, rối loạn nhịp tim,…
Bệnh sau phẫu thuật thần kinh sớm: sau mổ não…
Áp dụng cho những bệnh nhân từ 3 ngày tuổi trở lên thậm chí có những bệnh nhân đẻ non 800g.
Vỗ rung long đờm nên chú ý những thao tác gì?
- Có 4 bước quan trọng:
Bước 1: Thông rửa mũi, đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên trên giường nhỏ nước muối sinh lý vào lỗ mũi giúp dịch mũi thông từ khoang mũi trên xuống khoang mũi dưới nhằm làm đờm nhớt loãng ra và dễ dàng đưa đờm nhớt ra ngoài.
Bước 2: Kỹ thuật "hỉ mũi" thực hiện trong thì thở giúp tống xuất đờm nhớt tại vùng mũi- trên hầu họng ra ngoài.
Bước 3: Kỹ thuật "Chặn gốc lưỡi" giúp đẩy đờm từ vùng hầu họng ra khỏi miệng. Khi quan sát thấy chuẩn bị trẻ thở ra, nhân viên y tế dùng ngón tay đặt dưới gốc lưỡi rồi dùng lực nhẹ nhàng di chuyển ngón cái để đưa đờm nhớt và các chất tiết nhầy họng ra khỏi miệng nhờ lực đẩy của không khí đang thở ra.
Theo Trưởng khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, gia đình không nên thực hiện vỗ rung tại nhà cho trẻ vì vận động trị liệu hô hấp đòi hỏi kỹ thuật viên phải nắm chắc các bước đặc biệt là bước 4. Gia đình chỉ nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho các con.
Đặc biệt liệu trình vỗ rung long đờm đã được BHYT chi trả. Những bệnh nhân không có BHYT phải đóng 100.000 đồng/lần điều trị.
Để hạn chế bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là buổi lạnh và buổi tối. Cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi; dinh dưỡng đầy đủ, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Đồng thời nhà cửa sạch sẽ tránh bụi, khói thuốc.
Hạn chế trẻ đến nơi đông người phát hiện sớm những bệnh hô hấp trên để được bác sĩ tư vấn kịp thời.