Gửi kiến nghị tới Hội nghị Thủ tướng gặp DN sẽ được tổ chức vào ngày 17/5 tới đây, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người đã mua cổ phần tại Hacinco khẩn thiết kiến nghị nhanh chóng hoàn tất quá trình CPH tại Hacinco theo đúng quy định của pháp luật…
Vi phạm nghiêm trọng quy định về tiến độ
Hacinco (Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội) được UBND TP Hà Nội ra quyết định đồng ý cho CPH vào ngày 29/10/2004. Ngày 29/9/2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết đinh phê duyệt giá trị DN và phương án CPH Hacinco với một số nội dung chính: Thời điểm xác định giá trị DN CPH là 31/12/2004; Giá trị thực tế DN là 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước là 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm chào bán là 10.000 đồng/ cổ phần.
Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco trong phiên đấu giá công khai tại Trung tâm GDCK Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần theo đúng quy định của pháp luật với tổng số tiền đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng.
Ngày 1-2/12/2005, Hacinco đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu, bầu ra Hội đồng quản trị, chờ bước cuối cùng là Quyết định của UBND TP Hà Nội nữa là hoàn tất quá trình CPH… Thế nhưng quá trình CPH Hacinco đã bất ngờ bị dừng lại, không phải 1 năm, 2 năm và đến thời điểm hiện tại đã là 13 năm.
Dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư 126/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP, trong đó quy định việc tiến hành CPH kể từ khi xây dựng phương án đến khi tổ chức bán cổ phần và hoàn tất việc chuyển thành công ty cổ phần phải hoàn tất trong thời gian tối đa 9 tháng, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng quá trình CPH Hacinco đã vi phạm nghiêm trọng về tiến độ và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại Hacinco.
Theo Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, sở dĩ việc CPH của Hacinco bị dừng lại là vì có một số sai phạm như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động... “Mặc dù việc thực hiện CPH có vi phạm nhưng những người mua cổ phần ở Hacinco lúc đó đã tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định tại Quy chế đấu giá, tiến hành mua cổ phần theo đúng trình tự, thủ tục từ khâu đăng ký tham gia đến đặt cọc, đấu giá, thanh toán tiền mua cổ phần. Theo quy định khi đã thanh toán đủ tiền mua cổ phần theo đúng quy trình thủ tục, nhà đầu tư đã chính thức trở thành cổ đông của DN và bắt đầu được hưởng những quyền lợi hợp pháp của cổ đông ở DN CPH”- Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội phân tích.
“Vỏ” nhà nước, “ruột” cổ phần (!?)
Do chưa hoàn tất việc CPH nên Hacinco vẫn là DNNN dù về bản chất Hacinco đã là một công ty cổ phần, theo Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội bởi số cổ phần nhà đầu tư đã mua chiếm khoảng 90% vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn giữ tại Hacinco chỉ còn trên dưới 10%.
Tại thời điểm tháng 9/2005, Hacinco thua lỗ 7,4 tỷ đồng, vượt quá 7,2 tỷ đồng vốn nhà nước hiện có lúc đó nên từ năm 2005, Hacinco đã sử dụng số tiền 23 tỷ đồng (gồm vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi 1,89 tỷ đồng và vốn cổ đông đấu giá 21,88 tỷ đồng) để sản xuất kinh doanh thay vì gửi vào Kho bạc Nhà nước theo quy định về tiền thu từ bán cổ phần nhà nước. Nhờ khoản vốn này, hoạt động của Hacinco dần hồi phục, đứng vững và phát triển tạo nên một thương hiệu Hacinco lớn mạnh ngày nay.
“Hacinco bản chất cũng không phải là DNNN nữa và cũng đã thừa nhận tư cách cổ động của các nhà đầu tư và người lao động khi rút vốn của họ để sử dụng sản xuất kinh doanh suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên sau 10 năm CPH Hacinco vẫn chưa chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại Hacico chưa được hưởng bất cứ quyền lợi nào từ DN CPH.
Không chỉ vậy, sự chậm trễ trong việc CPH Hacinco đã gây ra thiệt hại và rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành công ty, quyền được hưởng cổ tức và cả những rủi ro trong quá trình điều chỉnh chính sách, pháp luật về CPH. Vì vậy cần nhanh chóng hoàn tất quá trình CPH tại Hacinco để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại Hacico”- Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội kiến nghị.
Không những vậy, theo công ty luật này, việc nhanh chóng hoàn tất quá trình CPH Hacinco theo quy định pháp luật là cấp bách, bởi dưới hình thức là DNNN khi bản chất đã là công ty cổ phần có thể sẽ tạo điều kiện cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ không chịu công nhận tư cách cổ đông hợp pháp của người lao động và nhà đầu tư hợp pháp.
Công ty Luật Đông Hà Nội kiến nghị các cơ quan liên quan phải kiên quyết xử lý dứt điểm các tồn tại trong quá trình CPH để dứt điểm quá trình CPH Hacinco. Việc giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại để chính thức chuyển Hacinco thành công ty cổ phần phải giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và chủ trương CPH của Đảng và Nhà nước để đảm bảo lợi ích của cả Nhà nước, DN và nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp của Hacinco.