Chứng chỉ tiền hôn nhân là điều kiện để được kết hôn
Đây là quan điểm được TS. Nguyễn Xuân Thủy - Học viện Cảnh sát nhân dân nêu ra tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức đầu năm 2020. TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và trong cơ sở giáo dục nói riêng thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của gia đình.
“Nhiều phụ huynh mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn nên phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà hoặc những người khác, cho cả các nhà trường”, ông Thủy nêu quan điểm và cho rằng, trẻ em bị xâm hại hoặc phạm tội đều xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, trong các giải pháp được các chuyên gia, bộ, ngành nêu ra chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng cường vai trò của gia đình trong giải quyết vấn đề này.
Từ đó, ông Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội. “Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”, ông Thủy nói và đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải “trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…”.
Bên cạnh đề xuất TS. Thủy cũng viện dẫn quy định này là không mới ở rất nhiều quốc gia. Ví dụ như ở Úc thì một trong những điều kiện đăng ký kết hôn là phải hiểu được kết hôn có ý nghĩa gì và tự do chấp nhận trở thành vợ chồng của nhau; ở Pháp, những người muốn kết hôn phải có một lá thư viết tay thể hiện mong muốn kết hôn và lá thư này cũng có thể nêu các điều kiện về yêu cầu kiến thức lẫn nhau của vợ chồng tương lai, kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn…
Từ góc độ của gia đình, quan điểm của TS. Thủy là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, các nhà xã hội học đều cho rằng, tình yêu là lý do nhưng không phải là điều kiện cần và đủ để duy trì một cuộc hôn nhân. Với tình yêu và sự chia sẻ, người ta có thể chấp nhận sự khác biệt để chung sống với nhau. Nhưng cuộc sống hôn nhân cần nhiều hơn thế.
Những mối quan hệ mới, những chuẩn mực ứng xử của đôi bên cần được tôn trọng, những xung đột và mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến rất nhiều khía cạnh của đời sống gia đình, từ chuyện kinh tế đến chuyện nuôi dạy con, chuyện đối nội, đối ngoại, rồi những biến cố về sức khỏe và công việc…. nếu không tìm được tiếng nói chung sẽ đều là nguy cơ rất lớn gây ra rạn nứt.
Cảm xúc yêu đương sôi nổi rồi sẽ qua đi và nguy cơ sẽ ngày càng đẩy cao nếu động lực và sự gắn kết không đủ để hai bên cùng vượt qua thử thách. Không có sự chuẩn bị về kiến thức, thông tin, sự chuẩn bị về tâm thế, không được trang bị kỹ năng đối mặt và giải quyết xung đột thì các vết nứt sẽ ngày càng rộng ra, cho đến khi không còn khả năng hàn gắn.
Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS. Nguyễn Minh Hòa - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), tỷ lệ ly hôn ở nước ta là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ và hầu hết đã có con.
Ở khía cạnh khác, theo kết quả nghiên cứu của Bộ môn Tâm lý, Học viện Cảnh sát nhân dân về đặc điểm nhân thân của gần 2.600 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự cho thấy việc cha mẹ ly hôn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện, đa số do bố mẹ ly hôn.
Có chứng chỉ đã đủ để giữ tình vợ chồng?
Xung quanh đề xuất của TS. Nguyễn Xuân Thủy, có không ít ý kiến “ném đá” và qua đó phần nào cho thấy sự ăn sâu bám rễ của chủ nghĩa kinh nghiệm trong việc kết hôn và duy trì đời sống gia đình.
Nhưng cũng có nhiều người trẻ quan niệm rằng vấn đề của các gia đình thì muôn hình vạn trạng, mỗi thời mỗi khác. Kinh nghiệm rất quý nhưng không phải “cẩm nang”, thậm chí còn có thể phản tác dụng nếu vận dụng sai tình huống.
Vậy nên, tri thức từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu trên bình diện xã hội, từ tâm lý học, sinh lý học và những kỹ năng mềm được trang bị tại các lớp học tiền hôn nhân sẽ là hành trang để họ bước vào đời sống hôn nhân với sự chủ động tự tin, không bị bỡ ngỡ hoang mang, không bị sốc nặng khi ập vào thực tế.
“Các lớp học tiền hôn nhân rất phổ biến ở các nước trên thế giới bởi việc biết trước những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi kết hôn là một biện pháp văn minh tránh những rủi ro như ly thân, ly hôn trong tương lai” - anh Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1992, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chuẩn bị kết hôn đã cùng bạn gái đăng ký một khóa học trải nghiệm trước hôn nhân cho biết.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, để duy trì hôn nhân và hạnh phúc gia đình cần rất nhiều yếu tố, cả nền tảng vật chất lẫn tinh thần, chứ không riêng gì việc có chứng chỉ tiền hôn nhân hay không. Tình và nghĩa, sự tôn trọng và chia sẻ, sự chấp nhận và dung hòa, sự thấu hiểu và bao dung… luôn là mẫu số chung trong các cuộc hôn nhân bền vững.
Cũng chính vì thế mà trong phần hướng dẫn kỹ năng ứng xử cho các cặp vợ chồng, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đã đặc biệt lưu ý tiêu chí tôn trọng và yêu thương lẫn nhau là nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ vợ chồng, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững.
“Trong cuộc sống vợ chồng có rất nhiều cách thể hiện sự tôn trọng, như: sự coi trọng lời hứa, trong giao tiếp ứng xử hàng ngày dùng những cử chỉ, hành vi, lời nói, thái độ thích hợp, đề cao nhân thân của người kia, không làm tổn thương hay hạ thấp nhân phẩm… đó đều là những cách để mỗi người thể hiện sự tôn trọng đối với nhau đồng thời thể hiện sự tự trọng của chính mình. Mặt khác, bản chất của tôn trọng là sự thừa nhận hay ghi nhận sự tồn tại của bên kia như là chính họ chứ không phải là họ theo kiểu mình hoặc mình mong muốn.
Bên cạnh sự tôn trọng, vợ chồng cần phải biết thương yêu, hiểu biết và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như thuận lợi và khó khăn với nhau trong cuộc sống. Mỗi cặp vợ chồng cần phải biết luôn luôn giữ gìn tình yêu buổi ban đầu, duy trì ngọn lửa đam mê, vun đắp và phát triển nó trong suốt cuộc đời.
Để làm được điều này, mỗi người phải luôn bày tỏ tình cảm của mình với người bạn đời bằng nhiều cách khác nhau, dành thời gian cho nhau và tạo không gian lãng mạn riêng cho hai người. Có thể đó là những lời nói, cử chỉ yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau hàng ngày từ những điều nhỏ nhất” – Bộ tiêu chí nhấn mạnh.