Khám sức khỏe tiền hôn nhân - Chỉ tình yêu thôi chưa đủ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám... Đó là những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng hiện nay vẫn xa lạ với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Để đến khi kết hôn rồi, không ít trong số họ thấy ân hận vì trước đó đã không tìm hiểu về sức khỏe của bạn đời...

Những sự “giá như” muộn màng

Trong buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Tiền hôn nhân thuộc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM, một cô gái trẻ kể câu chuyện của mình. Cô và người yêu trước khi cưới quyết định đưa nhau đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và phát hiện chàng trai bị bệnh tim. Chàng được chữa bệnh khẩn cấp, nhưng ngày cưới chưa đến thì đã qua đời.

Cô gái bày tỏ ân hận rằng, ước gì không khám, không chữa và cứ cưới thì người yêu còn biết được cảm giác của ngày thành hôn. Tuy nhiên, theo vị bác sĩ có mặt tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ hôm đó thì tình huống có thể còn xấu hơn nếu như bệnh tim khiến chàng trai chết đúng vào đêm tân hôn. Lúc này cô gái có thể cả đời sẽ mang nỗi day dứt vì tưởng mình là nguyên nhân gây ra cái chết cho chồng, hoặc cũng có thể cô sẽ bị gia đình chàng trai buộc tội sát phu.

Ở một câu chuyện khác, có trường hợp cặp vợ chồng đến bệnh viện khám với hy vọng tìm được nguyên nhân vì sao lấy nhau hơn một năm mà chưa có con. Sự thật bất ngờ với cả hai người khi làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ mới phát hiện ra người vợ mang cặp nhiễm sắc thể XY.

Bên cạnh đó, kết quả siêu âm cũng cho thấy đường âm đạo rất ngắn, không có một bên buồng trứng và tử cung, tìm mãi cũng chỉ có một buồng trứng nhỏ treo phía trên ổ bụng. Sau khi trao đổi với người nhà, bác sĩ lúc này mới biết khi lên 6 tuổi, bạn nữ này đã từng phẫu thuật tinh hoàn thoát vị bẹn, gia đình biết mang nhiễm sắc thể XY nhưng quyết giấu.

Chính bạn nữ này cũng không biết, bởi cơ thể phát triển rất nữ tính, tóc mượt, da mịn, ngực nở và vô cùng xinh đẹp. Theo bác sĩ, nếu như trước khi kết hôn, cả hai cùng đi khám tiền hôn nhân thì sẽ chủ động hơn, được tư vấn, lựa chọn cho mình biện pháp hỗ trợ khác mà vẫn hạnh phúc. 

Mỗi lần nhắc lại câu chuyện đi khám tiền hôn nhân của mình chị Nguyễn Minh Loan ở Hoàng Mai, Hà Nội vẫn thấy ngày ấy mình thật sáng suốt. Yêu nhau 4 năm, khi chị Loan đề nghị chồng đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để chuẩn bị cưới thì bị phản ứng. 

“Ngày ấy, hai đứa suýt chia tay nhau dù đã yêu nhau bốn năm. Khi mình bắt phải đi khám trước khi kết hôn, anh ấy giận mình một thì cha mẹ chồng giận mình mười. Có lần bà còn nói thẳng với mình nếu không tin nhau thì hai đứa đừng cưới nhau nữa nhưng mình vẫn kiên quyết đi khám sức khỏe tiền hôn nhân mới đồng ý cưới”, chị Loan cho hay. Nhờ khám lần đó mới biết chồng mình mắc viêm gan B, nhưng được các bác sĩ tư vấn, nên giờ có hai đứa con nhưng ba mẹ con mình đều khỏe mạnh và không ai lây căn bệnh này. 

Một phụ nữ mới lấy chồng 5 tháng đã phải tự tìm đến cái chết vì bị lây nhiễm HIV từ chồng. Một cặp vợ chồng chia tay nhau chỉ sau 2 tháng hôn nhân mà gia đình không thể hiểu nổi nguyên nhân. Sau này tìm hiểu ra, mới biết họ chia tay nhau bởi người vợ có dị tật ở bộ phận sinh dục, không thể giao hợp được…

Những câu chuyện như vậy không hiếm gặp trong đời thực. Tất cả đều có thể tránh được, nếu các cặp vợ chồng được khám sức khỏe tiền hôn nhân. Qua những câu chuyện trên thiết nghĩ, không cần phải nói dài dòng về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nữa, vì điều đó không chỉ giúp giữ gìn hạnh phúc vợ chồng, mà còn góp phần duy trì dân số, giống nòi khỏe mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Pháp luật không bắt buộc nhưng vẫn cần thực hiện

Đối với công tác y tế cộng đồng, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, để bảo đảm hạnh phúc gia đình cho một đời sống hôn nhân kéo dài cả đời người. Do đó, ở nhiều nước, luật pháp quy định rất rõ ràng việc bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, coi đó như là một điều kiện phải có trước khi được cho phép đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong các quy định về thủ tục đăng ký kết hôn, không có quy định nào bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân. Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ quy định cấm kết hôn với người mất “năng lực hành vi dân sự”, tức những người bị bệnh tâm thần hoặc mắc một số bệnh như không thể làm chủ hành vi, nhận thức...

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp hạnh phúc dài lâu, giống nòi khỏe mạnh.
 Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp hạnh phúc dài lâu, giống nòi khỏe mạnh.

Chính kẽ hở này của pháp luật dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tiền hôn nhân còn bỏ ngỏ. Theo nhiều chuyên gia y tế và pháp lý, trong thời kỳ đất nước ta hội nhập sâu, hôn nhân đa chủng tộc là chuyện bình thường, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân vì thế cần được đặt ra như một quy định bắt buộc.

Cũng tương tự, tình trạng sử dụng ma túy, các chất kích thích, gây nghiện khác đang là vấn đề bức xúc của cả xã hội, đặc biệt là việc lây nhiễm HIV đang báo động, làm cho việc khám sức khỏe tiền hôn nhân càng trở nên quan trọng và cần thiết phải luật hóa.

Ở góc độ pháp luật là vậy, còn ở góc độ xã hội thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là để bảo vệ cho chính mỗi cá nhân và thế hệ hậu sinh của cá nhân đó chứ không ngoài mục đích khác. Chia sẻ với truyền thông, bác sĩ Dương Ngọc Vân - Khoa Sản, Bệnh viện Medlatec cho biết, trong quá trình làm nghề, có nhiều buồn vui và cả những nuối tiếc khi khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ.

“Tôi vẫn ấn tượng với một cặp đôi đến khám. Đó là một bạn nam trẻ tuổi, cơ thể khỏe mạnh, to cao. Tất cả các chỉ số xét nghiệm đều cho kết quả tốt. Tuy nhiên, khi khám nam khoa thì chính chúng tôi cũng giật mình khi phát hiện tinh hoàn của bệnh nhân không phát triển và chỉ nhỏ như người chưa trưởng thành.

Trường hợp tinh hoàn nhỏ thường gọi là teo tinh hoàn và được xác định không có tinh trùng, khả năng có thai tự nhiên là vô cùng khó. Khi biết mình bị teo tinh hoàn, chính bệnh nhân cũng vô cùng bất ngờ và hụt hẫng. Lúc đó, các bác sĩ đã tư vấn cho bạn nam, trước khi trao đổi với bạn nữ xem có nên đến với nhau và khi đến với nhau thì thỏa thuận lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản ra sao…” – theo bác sĩ Vân.

Tại đơn vị Thalassemia của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, phần lớn bệnh nhi buộc phải gắn mình với căn bệnh quái ác này trọn đời với việc truyền máu và thải sắt định kỳ để duy trì sự sống. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Thalassemia là bệnh có đặc thù di truyền trên nhiễm sắc thể.

Thông thường, người mang gen bệnh không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt, nhưng khi hai người cùng mang gen bệnh kết hôn không mà làm xét nghiệm tiền hôn nhân, khi sinh con thì mỗi một lần sinh sẽ có 25% khả năng bị bệnh. Nếu biết trước, y khoa có thể phát hiện bệnh khi thai nhi khoảng 10 - 12 tuần tuổi và có chỉ định can thiệp.

Thể hiện trách nhiệm với bạn đời, với cuộc hôn nhân và với đất nước

Hiện nay, mặc các bạn trẻ đã bắt đầu ý thức việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuy nhiên số người đi khám rất ít so với số đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi gặp những việc đã rồi, họ mới đi khám.

Theo bác sĩ, thay vì có những suy nghĩ sai lệch các bạn nên hiểu rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp phát hiện được những căn bệnh tiềm ẩn để nhanh chóng chữa trị, mang đến cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cho cả hai người mà còn là cách thể hiện tình yêu và ý thức trách nhiệm với chính người bạn đời, với cuộc hôn nhân của mình và với đất nước để có giống nòi thế hệ sau khỏe mạnh.

Theo bác sĩ, các cặp đôi nên khám trước khi kết hôn từ 3 - 6 tháng. Một số mục cần thực hiện như: Đo mạch, huyết áp, chiều cao, cân nặng, thị lực, khám hệ cơ, xương khớp, cơ quan sinh dục; Xét nghiệm công thức máu, các chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu, nước tiểu; Xét nghiệm chẩn đoán những bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục (GSVB/C, HIV, giang mai, rubella); Thực hiện chẩn đoán hình ảnh: X quang tim phổi, siêu âm bụng, siêu âm ngã trực tràng/âm đạo (nếu cần); Đo điện tim. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ về bệnh hoặc di truyền, các bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm tầm soát ung thư, bệnh về máu, khám tâm thần...

Ngoài ra, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho đời sống vợ chồng sau này. Điều này tránh được những sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau trong đêm tân hôn, tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho các bạn trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp, kiểm soát việc sinh con, tránh việc mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai… 

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.