Thả neo, vận động địa chất đều có thể làm đứt cáp
Có thể nói từ năm 2015 đến nay, các tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (AAG), Liên Á, (IA), SMW3 liên tục bị đứt cáp, trong đó cáp AAG thường xuyên bị sự cố. Riêng trong ngày 27/8 vừa qua, cả 3 tuyến AAG, IA và SMW3 cùng bị đứt cáp và sự cố... Mà mỗi lần tuyến cáp bị sự cố, để sửa chữa, đơn vị quản lý tuyến cáp phải làm thủ tục xin phép nước sở tại (nơi quản lý vùng biển có vị trí cáp bị sự cố) và quá trình này phải mất vài ngày, sau đó mới được phép đưa phương tiện vào sửa chữa.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - cho biết, để phục vụ sự phát triển và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà đầu tư (với sự tham gia của các hãng viễn thông quốc tế và trong nước) đã phát triển nhiều tuyến cáp quang biển. Đáng chú ý hầu hết các điểm nối đều nằm ở các vị trí cập bờ tại những điểm được coi là trung tâm (hub) hàng hải quốc tế và khu vực như Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore – nơi có lượng lớn tàu thuyền qua lại. Dù các tuyến cáp quang biển được chôn sâu từ 1,5 đến 2m, được bọc thép hai lớp, nhưng do là sợi quang, lại nằm ngầm ở những khu vực cảng biển có hoạt động hàng hải nhộn nhịp, nên cáp quang biển chịu sự rủi ro lớn khi các tàu trọng tải lớn thả neo, và nếu không may neo rơi vào thì cáp biển có thể bị đứt bất cứ lúc nào.
Một số tuyến có điểm cập bờ tại Việt Nam cũng hay bị sự cố do thềm lục địa của nước ta nông nên khi tàu bè nhổ neo dễ gây ảnh hưởng đến cáp quang biển. Hơn thế nữa, các tuyến cáp quang biển có vị trí nằm ở những khu vực thuộc đứt gãy của thềm lục địa, nên những biến động trong lòng đất, dưới đại dương đều có thể tác động gây hỏng, đứt cáp và đó là những điều bất khả kháng.
Tăng cường công tác bảo vệ các tuyến cáp quang biển quốc tế
Theo các chuyên gia, một suất đầu tư cho tuyến cáp quang biển cần vốn không nhỏ. Hiện có Viettel chi 50 triệu USD đầu tư khai thác tuyến cáp quang biển AAE-1, VNPT chi 44 triệu USD cho tuyến APG, đầu tư 12 triệu USD cho tuyến AAE-1... Dù phải chi đầu tư lớn, song các doanh nghiệp vẫn phải đầu tư để bảo đảm phục vụ khách hàng. Để duy trì bảo dưỡng hàng năm, các doanh nghiệp trong nước đều phải nộp phí cho đơn vị quốc tế chuyển quản lý tuyến cáp (trong đó, VNPT chi 2 triệu USD cho việc bảo dưỡng). Ngoài ra, mỗi lần bị đứt cáp, sự cố, các doanh nghiệp khai thác trên tuyến này đều phải nộp phí sửa chữa.
Để giảm thiểu tình trạng xảy ra sự cố trên các tuyến cáp quang biển, trong thời gian qua, VNPT đã rất chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân. Bên cạnh việc tự triển khai thực hiện, VNPT còn phối hợp với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả. Mới đây nhất, VNPT đã cùng phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, lực lượng Công an, Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy quân sự quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tăng cường công tác tuần tra, giám sát bảo vệ tuyến cáp quang biển và trạm cáp biển tại trạm cáp biển Hòa Hải. Đây là trạm cập bờ của SMW-3 và APG - hai tuyến cáp quang biển lớn mà VNPT đang quản lý, khai thác.
Các bên đã cùng phối hợp dùng ca nô đi phát tờ rơi, tuyên truyền cho các tàu đánh cá, tàu hàng và bà con ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm và các tàu khác về các tọa độ trọng điểm tuyến cáp quang biển quốc gia, các hành vi có thể ảnh hưởng đến tuyến cáp quang; phát loa tuyên truyền nâng cao ý thức cho các tàu đánh cá, tàu hàng đang đi gần khu vực có tuyến cáp quang biển đi qua…
Tại các trạm quản lý trên mặt đất, ngoài lực lượng bảo vệ có mặt 24/24h, VNPT còn tuyên truyền vận động người dân xung quanh trạm cùng tham gia bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng.