Xã hội càng phát triển, thì một vấn đề rất hệ trọng khiến ai cũng quan tâm, đó là người sống lo nơi an nghỉ cho người chết làm sao cho được văn minh, hiện đại, vừa tiết kiệm đất đai, tiền bạc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa thỏa mãn đầy đủ nhu cầu tâm linh truyền thống mà vẫn phù hợp với thời đại.
Áp lực
Ở khu vực nông thôn Vĩnh Phúc, đa phần các nghĩa địa phát triển tự phát, nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu của nếp sống mới. Mọi việc từ bố trí nơi chôn cất, chọn vị trí đặt mộ, hướng mộ đều do thân nhân người mất lựa chọn; việc sử dụng đất nghĩa địa phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu là địa táng. Có nơi, nghĩa địa và khu dân cư chưa phân định rõ ràng, nhiều hộ gia đình sinh sống gần sát nghĩa địa, giếng nước, nhà vệ sinh nằm cận kề khu mai táng. Đặc biệt, địa táng còn ảnh hưởng đến môi trường đất, không khí, nước ngầm trong quá trình phân hủy chất hữu cơ trong mộ táng.
Riêng tại TP Vĩnh Yên, khu nghĩa trang rộng tới 12 ha nhưng hiện lâm vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh. Mặc dù UBND thành phố đã có chủ trương đóng cửa nghĩa trang này nhưng do nhu cầu bức thiết về nơi chôn cất, người dân vẫn tiếp tục đặt mồ mả khiến nghĩa trang càng trở nên chật chội.
Nghĩa địa TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tại phường Khai Quang vừa quá tải vừa lộn xộn |
Yên lòng người
Nhằm giải tỏa áp lực trên, theo Quy hoạch chung về việc xây dựng đô thị Vĩnh Phúc năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011, đã xác định 2 vị trí xây dựng “công viên nghĩa trang” tập trung của tỉnh tại xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên) và xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) với quy mô mỗi vị trí khoảng 100 ha. Theo quy hoạch, công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) chỉ hơn 100 ha (chỉ bằng 1/7 Công viên nghĩa trang Khoang Diệu trên địa bàn huyện Thạch Thất – Hà Nội quy mô 700 ha, chưa bằng 1/3 diện tích nghĩa trang Yên Kỳ thuộc huyện Ba Vì - Hà Nội rộng 384 ha...) với hơn 70 nghìn mộ cải táng và 8 toà tháp với 2 triệu ngăn đựng tro cốt người sau hoả táng. Việc xây dựng nghĩa trang nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu “người sống lo nơi an nghỉ cho người chết” theo hướng văn minh của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - thì “kết cấu hạ tầng ở Vĩnh Phúc chưa đồng bộ, đơn cử như tỉnh chưa có lò hóa thân hoàn vũ. Bây giờ, người chết muốn hỏa táng thì phải mang sang tỉnh khác để làm. Công viên nghĩa trang được quy hoạch ở tỉnh không có hung tán mà chỉ hỏa táng và cát táng”. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, trong thuyết minh đã có vị trí này, và bây giờ đã có điều kiện để thực hiện.
Điều khó khăn đối với Vĩnh Phúc chính là cứ nói đến xây dựng nghĩa trang lo nơi an nghỉ cho người chết theo hướng hiện đại, văn minh thì một bộ phận người dân lại chưa đồng tình. Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, Vĩnh Phúc mới xin chủ trương quy hoạch công viên nghĩa trang chứ chưa cụ thể sử dụng bao nhiêu diện tích đất rừng song đã có những thông tin phản hồi vô căn cứ, thiếu tính xây dựng, gây khó khăn cho việc triển khai một chủ trương đúng đắn, thiết lập một trong những tiêu chí cần thiết của bất cứ đô thị văn minh nào.
Rõ ràng, với đà phát triển rất nhanh của tỉnh Vĩnh Phúc như hiện nay, tỉnh cần sớm cùng các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc kỹ, xác định đâu là rừng đặc dụng, đâu là phòng hộ để tìm ra phần đất hợp lý nhất để xây dựng công viên nghĩa trang. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc cần có một kế hoạch cụ thể, thống nhất để thông tin đến cán bộ, người dân từ tỉnh đến xã, thôn về quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại Núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) để tạo sự thông suốt, thấu hiểu, đồng thuận cao; giải đáp và giải quyết kịp thời thắc mắc, vướng mắc cho những người dân liên quan đến dự án nêu trên. Có như vậy, mới sớm biến chủ trương đúng đắn, nhân văn của tỉnh “xây dựng công viên nghĩa trang, lo chu đáo nơi an nghỉ cho người chết phù hợp với xu thế chung” sớm thành hiện thực...