Năm 2014 là năm phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội của Vĩnh phúc với 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt. Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của ngành Tư pháp trong thành tựu chung đó?
- Năm 2014, lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn Vĩnh Phúc vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Có được kết quả ấy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo kịp thời, chủ động của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong đó có ngành Tư pháp. Với những đóng góp tích cực được đánh giá cao trong năm vừa qua, cấp ủy và chính quyền địa phương xác định: Công tác tư pháp có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những dấu ấn nổi bật đó là:
Ngành đã tập trung toàn lực tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả Hiến pháp 2013; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trên địa bàn dưới nhiều hình thức. Từ đó, nhận được sự quan tâm tìm hiểu của cán bộ và nhân dân, trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng trong năm 2014, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm mục tiêu đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) gắn kết với kiểm soát thủ tục hành chính nên chất lượng văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2014. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, đã góp phần đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Những đóng góp của công tác tư pháp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua, tôi tin tưởng rằng với tinh thần và quyết tâm cao của địa phương, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn trong năm mới 2015, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng ngành Tư pháp “Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại”.
Vẫn còn tình trạng đầu tư chưa tương xứng
Ông từng trăn trở khi vẫn còn một số nơi trên địa bàn tỉnh cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tư pháp, chưa đầu tư xứng tầm về con người, kinh phí cũng như cơ sở vật chất…Vì sao có tình trạng này, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định: Công tác tư pháp, thi hành án dân sự ở địa phương là công tác của cấp ủy, chính quyền địa phương, chính vì vậy, trong những năm qua ngành Tư pháp đã được quan tâm cả về cơ sở vật chất, con người và các điều kiện công tác khác như: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phổ biến Hiến pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL, cải cách thủ tục hành chính và xã hội hóa hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản...
Mặc dù vậy, cũng có nơi, có lúc sự đầu tư chưa tương xứng giữa yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư pháp với tiềm lực của tỉnh, cụ thể: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí của công tác tư pháp trong quản lý nhà nước còn chưa được coi trọng nên chưa có sự vào cuộc tích cực; một số cơ quan tư pháp cũng chưa thực sự tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cơ sở; thể chế trên nhiều lĩnh vực công tác tư pháp còn chưa được hoàn thiện; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, nhất là cán bộ pháp chế và tư pháp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ tư pháp cơ sở chưa được làm thường xuyên; kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số đơn vị cấp huyện và cơ sở còn hạn chế.
Một trong những giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn đối với công tác tư pháp mà UBND tỉnh đưa ra, đó là: Trong năm 2015, công tác tư pháp cần được quan tâm sâu sát hơn, cụ thể hơn cả về cơ sở vật chất và con người, tập trung hướng về cơ sở. Để làm được điều đó, Sở Tư pháp cần tham mưu giúp UBND tỉnh có những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật; làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để có kế hoạch đảm bảo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch; tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp cơ sở ở hai cấp tỉnh, huyện; tăng cường kiểm tra công tác tư pháp cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp, thi hành án dân sự 2014 |
Năm 2015, UBND tỉnh xác định những lĩnh vực nào là đột phá trong công tác tư pháp để tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn?
- Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng: là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015; năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh Vĩnh Phúc và của ngành Tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc xác định là năm “Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới và phục vụ Đại hội Đảng các cấp”.
Do vậy, đối với công tác tư pháp, UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác tư pháp, đảm bảo sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác tư pháp;
Thứ hai, triển khai đồng bộ và hiệu quả kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp và tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng khắp trong nhân dân; tham gia tích cực vào việc đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp;
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL, trong đó chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, thiết lập được môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp;
Thứ tư, tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản QPPL và kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân;
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung nguồn lực tuyên truyền gắn với giáo dục pháp luật, coi giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng đặc thù, địa bàn có nhiều phức tạp; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Báo cáo công tác tư pháp tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2014 tỉnh đã triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác gồm: quản lý xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực mới được phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương như xử lý vi phạm hành chính, thực hiện thí điểm thừa phát lại, bồi thường nhà nước... và đã đạt kết quả khả quan.
Về thi hành án dân sự, năm 2014 trong số việc có điều kiện giải quyết, thi hành án đã thi hành xong 5264 việc, đạt tỷ lệ gần 93%, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Tổng cục Thi hành án dân sự giao.Về tiền, đã thi hành xong 341 tỷ, đạt tỷ lệ gần 77%, tăng gần 120 tỷ đồng so với 2013. Đến nay, Vĩnh phúc đã lập được 3 Văn phòng Thừa phát lại. Hết năm 2014, các cơ quan thi hành án đã chuyển giao gần 1 ngàn văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt.