Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng gạo xuất khẩu Việt Nam đang bị bán rẻ, khiến thu nhập của bà con nông dân nước ta thấp nhất so với các quốc gia sản xuất thâm canh lúa gạo tương đồng. Với kinh nghiệm của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang, nơi được coi là vựa lúa của cả nước, và nay là Tổng Giám đốc Vinafood 2, ý kiến của ông như thế nào?
- Tôi rất khó để nói nhiều với tư cách mới, vì mình vẫn còn “chân ướt, chân ráo” lắm. Nhưng ý kiến nêu trên của nhiều chuyên gia theo tôi là có có cơ sở và có nhiều điểm khá đúng. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu rõ 3 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, điểm xuất phát và chất lượng gạo của Việt Nam hiện tại còn thấp so với các sản phẩm tương đồng:
Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn manh mún do tập quán của nông dân cũng như chịu ảnh hưởng của các cơ chế trước đây.
Quy mô diện tích của mỗi hộ nông dân Việt Nam quá nhỏ (0,6 ha/hộ). Vì vậy, rất khó khăn trong việc sản xuất hàng hóa với số lượng lớn cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình chúng ta hướng tới cánh đồng lớn thì bản chất vẫn là nông hộ nhỏ trong cánh đồng lớn.
Chưa kể Việt Nam thường trồng nhiều loại giống lúa chất lượng thấp, ngắn ngày, một số vùng nông dân Việt Nam không theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ sau thu hoạch thích ứng với đòi hỏi của thị trường...
Thứ hai, tính cạnh tranh của gạo Việt Nam thấp:
Việt Nam tham gia trở lại thị trường xuất khẩu gạo rất muộn, trong bối cảnh phân khúc thị trường gạo chất lượng cao gần như đã phủ kín bởi Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.
Việc sản xuất lúa, gạo của Việt Nam hiện nay đang có vấn đề là chưa kết hợp được giữa khâu sản xuất với khâu thu mua, lưu thông, chế biến và xuất khẩu. Giữa các khâu này chưa liên kết chặt chẽ, hạt gạo Việt Nam phải qua nhiều trung gian mới xuất khẩu được, từ nền tảng như vậy, ít có cơ hội và gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu.
Một phần gạo của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường phân khúc cao như đòi hỏi về rào cản kỹ thuật của các nước và thị trường: dư lượng thuốc trừ sâu, các côn trùng cấm,...
Cũng phải thẳng thắn, doanh nghiệp thiếu đầu tư trong công tác quảng bá sản phẩm, chưa có sức ép để chú trọng xây dựng thương hiệu mà chỉ chú trọng đến việc thu gom, chế biến và xuất khẩu.
Thứ ba, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo:
Chúng ta đang ở trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt, đặc biệt là các loại gạo giá thấp của Ấn Độ, Myanmar, gạo tồn kho của Thái Lan, các nước này tuyên bố sẽ tăng cường xuất khẩu các loại gạo này.
Không chỉ vậy, các nước xuất khẩu gạo có xu hướng giảm giá bán do cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần loại gạo thông thường này.
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo hơn một thập niên qua, nhưng ai cũng thấy, đến nay gạo của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thế giới. Trên cương vị mới, ông có kế hoạch nào để giải quyết câu chuyện này?
- Gần đây, Chính phủ trong chương trình tổng thể tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, và công bố danh mục các sản phẩm quốc gia thì lúa gạo là một trong những sản phẩm quốc gia. Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT đã được giao chủ trì xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Vinafood 2 đã và đang tham gia tích cực quá trình này, từ đồng thuận về đổi mới tư duy tiếp cận thị trường, với bước ban đầu là triển khai xây dựng mô hình liên kết cánh đồng lớn theo tinh thần chính sách khuyến khích của Chính phủ bởi Quyết định 62, xem là bước ban đầu có tính nền tảng. Song song đó, Vinafood 2 triển khai chiến lược 3 cấp tiếp cận hướng tới thương hiệu: tiếp cận cấp công ty thành viên, tiếp cận cấp tổng công ty và tiếp cận toàn cục bằng cách tham gia tích cực và thiết thực chương trình định hướng thương hiệu quốc gia.
Việc xây dựng thương hiệu gạo hiện tại cũng như trong tương lai đối với Vinafood 2 là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đang triển khai với mô hình 4 nội dung như sau:
Về hệ thống sản xuất giống và hệ thống canh tác lúa gạo: Phối hợp các viện, trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống để tạo ra giống lúa theo đặt hàng của Tổng Công ty theo các cấp độ nêu trên gắn với trách nhiệm đầy đủ về khai thác tác quyền sở hữu trí tuệ. Đó là một quá trình thực thi bền bỉ, liên tục để đảm bảo tính bền vững của nó.
Thứ nữa, Vinafood 2 cùng các doanh nghiệp khác trong ngành lúa gạo tích cực tham gia quá trình tổ chức lại chuỗi sản xuất và tiêu thụ: Việc tổ chức lại sản xuất cần phải có liên kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi, mà đặc biệt là giữa Tổng Công ty và nông dân. Việc xây dựng cánh đồng lớn hay đặt hàng cho nông dân sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quy trình tổ chức sản xuất chuỗi cần đảm bảo, từ thuốc bảo vệ thực vật đến dịch vụ canh tác, chế biến, công nghệ sau thu hoạch... đáp ứng yêu cầu của công tác xuất khẩu.
Nội dung thứ ba là về đăng ký nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm, hình ảnh: Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bảo đảm và tuân thủ pháp luật trong và ngoài nước về sở hữu trí tuệ. Đồng thời chủ động, tích cực tham gia với Bộ, ngành Trung ương trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại. Mời các nhà nhập khẩu vào Việt Nam nghiên cứu và tìm hiểu sản phẩm của Vinafood 2.
Xây dựng hình ảnh Vinafood 2 là một doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm túc mọi cam kết đối với khách hàng, luôn cung cấp ổn định về số lượng, chất lượng và giá cả cạnh tranh đối với khách hàng.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến sự hài hòa, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành lúa gạo, mà đặc biệt là giữa doanh nghiệp với nông dân: Vinafood 2 chia sẻ với nông dân về mặt lợi nhuận của toàn bộ chuỗi giá trị, xem nông dân như là một cổ đông, tổ chức các hoạt động cùng nông dân vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao hình ảnh của Vinafood 2; dẫn dắt và cùng nông dân đi theo cơ chế thị trường, khuyến khích nông dân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp, cũng như tham gia cổ phiếu bằng mọi hình thức cùng có lợi với Vinafood 2 để hướng đến phát triển thật bền vững, để ngành lúa gạo góp phần quan trọng trong tăng thu nhập của nông dân vùng nông thôn, nhất là vùng nông thôn trồng lúa.
Trở lại hiện trạng Vinafood 2, được biết ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc, ông đã thành lập Ban chỉ đạo về việc theo dõi xử lý công nợ, trong đó hướng tới việc khởi kiện để thu hồi nợ và có giải pháp xử lý những cá nhân liên quan. Điều này được tiến hành ngay hay phải chờ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ?
- Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc, tôi đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra thu hồi công nợ và phân công một đồng chí phó Tổng Giám đốc làm Trưởng ban, nhằm mục tiêu tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu hồi nợ: Vừa xúc tiến nhận các tài sản thế chấp đảm bảo thu hồi nợ, vừa tiến hành khởi kiện ra tòa để đòi nợ theo đúng qui định của pháp luật. Đến nay, các đơn vị có liên quan đã thực hiện việc khởi kiện và bước đầu tiếp nhận một số tài sản là kho tàng, đất đai để đảm bảo thu hồi nợ.
Xin cảm ơn ông!