Ông Năng mới nhận nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc Vinafood 2 vào trung tuần tháng Tư vừa qua. Trước đó, ông là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang, vựa lúa của cả nước. Gần như trùng hợp, thời điểm ông ngồi lên “ghế nóng” cũng là khi Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) công bố Việt Nam trúng thầu bán cho nước này 800.000 tấn gạo (ngày 15/4). Nghĩa vụ của ông bây giờ là thực hiện hợp đồng.
“Áp lực một cách không công bằng”
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinafood 1 và 2 dự thầu cung cấp gạo cho Philippines. Kết quả, cả hai trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo 15% tấm cho Philippines, trong đó Vinafood 2 trúng thầu 600.000 tấn. Hiện có khoảng 140.000 tấn gạo theo chỉ tiêu bị một số DN từ chối với lý do: sợ lỗ, quy định nghiêm ngặt trong hợp đồng và vấn đề bao bì” – tân Tổng Giám đốc chia sẻ sau gần 2 tháng tại vị.
Theo điều khoản đã ký kết, từ tháng 5 đến tháng 8/2014, mỗi tháng hai DN lương thực nói trên sẽ phải giao cho phía Philippines 200.000 tấn gạo.Tuy nhiên, sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ chỉ tiêu hợp đồng ủy thác, phần lớn các DN gạo thành viên đều lắc đầu từ chối thực hiện, bởi giá trúng thầu quá thấp so với giá thị trường hiện tại.
Nhiều DN cho biết, nhận được hợp đồng ủy thác từ hai đơn vị nói trên với giá chỉ là 370,05 USD/tấn, thậm chí có trường hợp chỉ ở mức 367 USD/tấn, so với mức giá thị trường của gạo 15% tấm hiện nay (khoảng 390 USD/tấn), nếu thực hiện các hợp đồng ủy thác nói trên, những công ty này sẽ bị lỗ nặng.
“Tôi nghĩ còn các lý do khác chưa được đề cập như: giao chỉ tiêu cho đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh gạo cao cấp, gạo thơm; sự “thấm đòn” của hầu hết DN do suy thoái kinh tế nói chung cũng như khó khăn khách quan của ngành gạo. Vấn đề phạt, các điều kiện dự thầu và ký kết hợp đồng sau khi trúng thầu với Philippines của 2 Tổng Công ty là giống nhau” - ông Năng nói.
Tân Tổng Giám đốc cho biết rõ hơn: Việc Vinafood 2 có phụ lục kèm theo hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo đi Philippines ghi rõ các khoản phạt cụ thể nếu gạo không đạt chất lượng theo điều kiện thầu đã ký là nhằm công khai các quy định ràng buộc về trách nhiệm của các bên để tránh sự cố đáng tiếc nếu có tranh chấp về chất lượng sau này. Trong hợp đồng của Vinafood 2 có phụ lục phạt, nhưng thực chất đã đưa ra từ ban đầu. Vì phải vận chuyển xa với điều kiện đảm bảo chất lượng đến kho nhận nên bao bì đòi hỏi phải chất lượng.
“Các đơn vị đã được VFA phân bổ chỉ tiêu nhưng không thực hiện sẽ làm việc giao hàng không đạt tiến độ, làm mất uy tín của phía Việt Nam và tạo áp lực lên Vinafood 2 một cách không công bằng” - cựu Phó Chủ tịch An Giang trần tình với báo giới.
Ông Huỳnh Thế Năng trả lời báo chí |
Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo đối với Philippines chỉ là một trong những gánh nặng đối với ông Huỳnh Thế Năng.
Ngày 20/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Vinafood 2 và một số đơn vị thành viên. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2013, nếu cần thiết sẽ mở rộng thời kỳ thanh tra để làm rõ hơn quy định quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.
Cho đến trước khi ông Năng nhận “ghế nóng”, Vinafood 2 từ một thương hiệu hàng đầu về lương thực lại đã nổi lên như một “thương hiệu” về bê bối với thua lỗ kéo dài và nợ khó đòi.
“Đây là câu chuyện của năm 2013. Tôi mới nhận nhiệm vụ và làm việc chính thức từ tháng 4/2014. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số lỗ năm 2013 là xấp xỉ 210 tỷ, thay vì con số báo chí nêu là khoảng hơn 400 tỷ. Con số nữa, đó là số nợ khó đòi 623 tỷ, quí I tiếp tục lỗ khoảng hơn 20 tỷ. Đối mặt với một câu chuyện là đầu tư khá đồng bộ nhưng quản lý và thị trường không được quan tâm đúng mức, cho nên mỗi ngày trong thời gian sắp tới là mỗi ngày lỗ” - ông Năng thừa nhận với phóng viên VTV.
DN làm ăn bết bát, đời sống người trực tiếp làm ra hạt lúa thì còn quá bấp bênh, vậy mà theo một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp này lại được nhận những khoản thu nhập “phản cảm”. Theo Kiểm toán, thu nhập của lãnh đạo Vinafood 2 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng...
Với kinh nghiệm quản lý của một Phó Chủ tịch thường trực của một tỉnh nhưng những thách thức trước mắt ông Năng không dễ vượt qua. "Những vấn đề khó khăn nội tại của Tổng Công ty, Ban lãnh đạo hiện nay có những giải pháp quyết liệt để khắc phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước đầu chúng tôi đạt được những đồng thuận quan trọng. Đó là củng cố chất lượng thông tin gắn với cải thiện quản trị. Tôi đã phê duyệt lộ trình 2 giai đoạn trong 6 tháng với một Phó Tổng Giám đốc phụ trách. Tiếp đó rà soát và tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu lại Tổng Công ty, định ra cơ chế kiểm tra và thu hồi công nợ, có Ban Chỉ đạo kiểm tra và theo dõi xử lý. Một Phó Tổng Giám đốc phụ trách xử lý, trong đó hướng tới việc khởi kiện để thu hồi nợ và có giải pháp xử lý những cá nhân liên quan.
Ban Chỉ đạo thứ hai phụ trách việc cắt giảm lỗ phần kinh doanh thủy sản và lành mạnh hóa tài chính ngành kinh doanh lương thực do tôi làm Trưởng ban. Song song với đó là định ra lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn” - ông Huỳnh Thế Năng cho biết về các giải pháp.