Vươn mình ra thế giới
Những năm cuối cùng của thập niên 1960, kỹ sư nông nghiệp Marcel Coronel, quốc tịch Pháp và vợ là bà Trần Thị Khánh khởi công xây dựng Nhà máy Cà phê CORONEL tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1), tỉnh Đồng Nai với mục đích giảm thiểu chi phí vận chuyển cà phê về Pháp. Nhà máy Cà phê CORONEL có công suất thiết kế 80 tấn cà phê hòa tan mỗi năm, với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức.
Nhà máy Cà phê CORONEL tự hào là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương. Tuy nhiên, cho đến tận năm 1975, Nhà máy vẫn chưa chạy thử thành công do ông Marcel Coronel chưa tìm được cách “thuần phục” hệ thống dây chuyền phức tạp gồm rất nhiều máy móc, thiết bị chế biến cà phê hòa tan, lao động kỹ thuật tại Việt Nam còn thiếu và hoàn cảnh chiến tranh đang đến hồi ác liệt.
Từ một nhà máy chưa kịp chạy thử thành công đến nay đã qua hơn 50 năm phát triển, Vinacafe gây dựng được một thương hiệu mạnh, được tôn vinh bằng nhiều phần thưởng xứng đáng và cũng trải qua vài lần thay đổi mô hình hoạt động. Năm 1982, Nhà máy Cà phê Biên Hòa được chuyển cho Bộ Công nghiệp Thực phẩm quản lý, là thành viên của Liên hiệp các xí nghiệp sữa - cà phê - bánh kẹo.
Đến năm 1992, Nhà máy lại tách khỏi Liên hiệp các xí nghiệp sữa - cà phê - bánh kẹo, trở thành doanh nghiệp nhà nước độc lập, do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) trực tiếp quản lý.
Năm 1998 đánh dấu một cột mốc quan trọng về sự lớn mạnh vượt bậc của Vinacafe. Nhà máy chế biến cà phê hòa tan thứ hai được khởi công xây dựng ngay trong khuôn viên của nhà máy cũ. Nhà máy mới sử dụng công nghệ sấy phun, có công suất thiết kế 800 tấn cà phê hòa tan một năm, lớn gấp 10 lần nhà máy cũ. Chỉ sau đó 2 năm, Nhà máy mới đã chính thức được đưa vào vận hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ngày 29/12/2004, Nhà máy Cà phê Biên Hòa chuyển đổi loại hình doanh nghiệp - từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Do thương hiệu Vinacafé đã nổi tiếng tại Việt Nam và được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến, các cổ đông sáng lập (hầu hết là người của Nhà máy Cà phê Biên Hòa) đã đặt tên mới cho Công ty là: Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Vinacafé BH).
Đây cũng là thời điểm mở ra một chương mới cho lịch sử Công ty – thời điểm hoạch định lại chiến lược phát triển, viết lại sứ mệnh, tầm nhìn mới và xác định những giá trị cốt lõi của mình, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Cuối năm 2013, Tổng công ty Cà phê Việt Nam - cổ đông Nhà nước lớn nhất tại Vinacafe đã bán lại phần lớn cổ phiếu tại Vinacafe của mình. Hiện nay, 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan với 53,2%, sau đó là Quỹ Gaoling (23,3%) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (12,8%).
Trong số cổ đông lớn nhất của Vinacafe Biên Hòa, Tổng công ty Cà phê Việt Nam có các đơn vị đặt trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trong nước, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên. Tổng công ty là nhà cung cấp hàng đầu của Việt Nam về cà phê nhân – chiếm 30% thị phần xuất khẩu cà phê nhân cả nước.
Để thúc đẩy thương mại và quảng bá thương hiệu Vinacafe, Tổng công ty có hệ thống các Trung tâm Thương mại dịch vụ Vinacafe trong các vùng sản xuất, tiêu thụ cà phê lớn, các đô thị lớn trên cả nước.
Khai mở thị trường cà phê hòa tan
Trở lại với Nhà máy của ông Marcel, sau khi hai miền Nam – Bắc Việt Nam thống nhất năm 1975 thì gia đình ông trở về Pháp. Họ bàn giao Nhà máy cho Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Nhà máy Cà phê Coronel được đổi tên thành Nhà máy Cà phê Biên Hòa và được giao cho Tổng cục Công nghệ Thực phẩm quản lý.
Sau khi tiếp nhận nhà máy, các kỹ sư Việt Nam đã tìm cách khắc phục sự thiếu đồng bộ và đưa vào vận hành thành công dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan. Tháng 4 năm 1977, mẻ cà phê hòa tan đầu tiên ra lò, đánh dấu cột mốc quan trọng: Việt Nam sản xuất thành công cà phê hòa tan. Một năm sau đó, theo Nghị định thư Việt Nam ký kết với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa về hàng đổi hàng, từ 1978, Nhà máy Cà phê Biên Hòa bắt đầu xuất khẩu cà phê hòa tan đến Liên Xô và các nước Đông Âu.
Vào đúng dịp kỷ niệm 2 năm ngày Việt Nam thống nhất, mẻ cà phê hòa tan đầu tiên ra lò trước sự vui mừng của toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà máy. Trong suốt hai năm trước đó, tập thể các kỹ sư, công nhân đã ngày đêm cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu để có thể vận hành thành công nhà máy. Năm 1978, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Nhà máy Cà phê Biên Hòa và cũng là của ngành cà phê Việt Nam: lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan sang các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu theo Nghị định thư Việt Nam ký kết với các nước trong hệ thống XHCN về hàng đổi hàng.
Trong suốt những năm 1980, Nhà máy Cà phê Biên Hòa vừa nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để xây dựng quy trình sản xuất chuẩn, vừa sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Cùng với địa chỉ sản xuất được ghi trên từng bao bì sản phẩm, tên “Vinacafé” bắt đầu xuất hiện ở thị trường Đông Âu bắt đầu từ 1983, đánh dấu thời điểm ra đời của thương hiệu Vinacafé.
Vào cuối những năm 1980, các đơn đặt hàng cà phê hòa tan Vinacafé ngày càng giảm, theo cùng với diễn biến bất lợi của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Năm 1990, Vinacafé chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam dù trước đó một số sản phẩm của Nhà máy Cà phê Biên Hòa đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước dưới các nhãn hiệu của Liên hiệp các xí nghiệp sữa-cà phê-bánh kẹo.
Khi quay lại Việt Nam, các sản phẩm của Nhà máy cà phê Biên Hòa rất khó tìm được chỗ đứng do trước đó thị trường cà phê Việt Nam đã được định hình bởi thói quen uống cà phê rang xay pha tạp.
Cùng với những bước “chập chững” của Vinacafé khi trở lại thị trường trong nước, Vinacafé cho ra đời cà phê hòa tan 3 trong 1. Giải pháp đưa đường và bột kem vào cà phê đóng sẵn từng gói nhỏ đã giúp người Việt Nam lần đầu tiên được uống cà phê với sữa mà không phải chờ cà phê nhỏ giọt qua phin. Nhờ vậy, người Việt hồ hởi đón nhận cà phê hòa tan đầu tiên này.
Sự thành công của sản phẩm, trong đó nhờ một phần vào sự truyền bá từ những người đã từng lao động và học tập tại Đông Âu về nước, đã giúp nhãn hiệu Vinacafé nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường cà phê hòa tan trong nước và ngày càng trở nên phổ biến. Từ thành công này và trong giai đoạn hội nhập quốc tế, thương hiệu Vinacafé ngay lập tức được Nhà máy Cà phê Biên Hòa đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.