Du khách nước ngoài đi thăm làng chài trên Vịnh Hạ Long. |
Rất nhiều người đi du lịch nước ngoài, khi đến với bãi biển Pattaya của Thái Lan hay đảo Jeru của Hàn Quốc cũng tự đặt câu hỏi tại sao nơi đó chẳng phải là bãi biển cát trắng trải dài bên hàng dừa xanh ngắt, biển xanh thẳm, hay những ngọn thác hùng vĩ lại thu hút một lượng khách du lịch lớn đến như vậy? Trong khi Việt Nam có một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, có Vịnh Hạ Long được Unesco công nhận di sản thiên nhiên thế giới... nhiều tiềm năng hơn nhưng chẳng kéo nổi du khách quay lại.
Bằng chứng là theo thông tin từ bản tin của Ban quản lý Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) thì lượng khách quốc tế quay lại các điểm du lịch ở Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%. Tương tự, khách nội địa có 39% đến thăm lần đầu, 24% đến thăm lần thứ hai và chỉ có 13% đến thăm lần thứ ba. Câu trả lời suốt bao năm qua vẫn là do sản phẩm du lịch, đặc biệt là dịch vụ giải trí phục vụ du khách chơi, thưởng lãm ở Việt Nam rất thiếu và yếu.
Bài toán đã có đáp án nhưng suốt bao năm qua những nhà lãnh đạo, nhà quản lý du lịch vẫn chưa tìm ra cách giải thỏa đáng nhất cho mình. Trong thực tế hoạt động du lịch hiện nay, “lá bài” thường hay được sử dụng nhất để cạnh tranh chính là... giảm giá tour, đồng nghĩa với việc bớt xén, cắt giảm chất lượng du lịch. Cùng với đó, những chương trình du lịch ở các địa phương vẫn mang mạnh tính vùng miền mà thiếu sự liên kết nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch tốt. Đây là một trong những điểm yếu làm giảm lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Một điều nữa khiến du khách nước ngoài chán khi đến Việt Nam là không có chỗ tiêu tiền. Các tour du lịch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thường chỉ có tham quan phố cổ, bảo tàng hay một vài di tích ở các địa phương, mặt hàng du lịch còn nghèo hơn, chỉ có tắm biển, nghỉ ngơi, nếu muốn chơi, muốn tiêu, nhất là khi màn đêm xuống thì e rằng hơi bị khó.
Trong khi đó nhìn ra bên cạnh những nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore các ngành khác nhau như hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống, các cửa hàng lưu niệm, các bảo tàng, các cơ quan quản lý văn hóa… liên kết với nhau rất chặt chẽ, nhờ vậy mà hạn chế được việc tăng giá tùy tiện, do đó thu hút khách quốc tế mua sắm.
Bãi biển Bắc Mỹ An - Đà Nẵng. |
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, chuyên gia hàng đầu về quảng bá ẩm thực du lịch Việt đến du khách quốc tế nhận định, để khách quốc tế có hứng thú quay lại với Việt Nam nhiều lần thì phải nâng cao đội ngũ người làm công tác du lịch, trong xã hội để không còn những cảnh chèo kéo mua hàng, nhà vệ sinh bẩn, nạn “chặt, chém”, bỏ mặc du khách khiến họ cảm thấy bị phiền toái, thất vọng.
Nhận định này không sai vì cách đây không lâu, Matt Kepnes, một tay viết về du lịch nổi tiếng đã có bài viết: “Tại sao tôi không bao giờ quay trở lại Việt Nam" được Huffington Post đăng có đoạn: "Tôi không muốn quay trở lại Việt Nam vì ở đó tôi bị đối xử quá khác biệt. Tôi không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động".
Đành rằng Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, nhưng không phải vì thế mà không có cách phát triển du lịch phù hợp với hoàn cảnh. TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, với một nước có nguồn chi phí tiếp thị, quảng cáo hạn chế như Việt Nam thì nên đặc biệt chú trọng đến đối tượng khách quốc tế quay trở lại, đó là: du khách kết hợp đầu tư, du khách nghỉ dưỡng và du khách yêu chuộng vui chơi, giải trí.