Khoảng 600 đại biểu là các quan chức Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tài chính đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia thảo luận tại diễn đàn này.
Các nội dung chính được thảo luận bao gồm: Sức phục hồi của kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2016; Các hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập khu vực và thế giới; Cải cách ngành ngân hàng, nợ xấu; Phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng; Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài và đầu tư chiến lược; Các xu hướng đầu tư nước ngoài (FDI); và Thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu 2015 được phối hợp tổ chức bởi Euromoney, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng sự phối hợp, hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TechcomSecurities) và một số đơn vị khác.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, cũng như thách thức & cơ hội của các doanh nghiệp VN trong năm 2016 bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ Thương cho biết “Tôi hoan nghênh thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ khẳng định ưu tiên tăng trưởng GDP bền vững ở mức 6%-7%/năm, thay vì tăng trưởng nhanh.
Việc đẩy mạnh khuyến khích sự phát triển và đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả trong nước và từ nước ngoài, để cung cấp các phụ kiện cho sản xuất công nghiệp, cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Các doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc trong năm nay cũng lạc quan hơn và bắt đầu mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nhất là trong môi trường lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp.
Nhà đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, hiện đang xem Việt Nam là một điểm đầu tư rất đáng quan tâm. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên là sự cạnh tranh về chất lượng và quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài”.