Bộ trưởng bày tỏ quan điểm nên tiếp tục duy trì 2 cơ chế: một là cơ chế chủ động trong thi hành án dân sự, và cơ chế ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu.
“Vấn đề dân sự, thương sự cốt ở hai bên, đó là nguyên tắc xuyên suốt, chỉ yêu cầu Nhà nước can thiệp khi họ không thể tự giải quyết. Việc tự giải quyết không chỉ làm giảm gánh nặng của cơ quan thi hành án, mà còn làm tăng tình đoàn kết giữa hai bên. Nhất là truyền thống của Việt Nam khuyến khích hòa giải ở bất kỳ giai đoạn nào. Do đó, tôi nghĩ cần giữ nguyên tắc để các bên thi hành án tự nguyện thi hành, khi bên phải thi hành cố tình không thực hiện, bên được thi hành án có yêu cầu thì cơ quan thi hành án mới vào cuộc.” – Bộ trưởng nói.
Trước đó tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đồng tình cao độ với chủ trương này trong Dự thảo, tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc thi hành án dân sự phải có đơn của người được thi hành án, sẽ gây bất lợi cho dân. Bởi nhiều người không biết quy định này, nghĩ rằng án đã có hiệu lực, đương nhiên sẽ được thi hành. Sự thiếu hiểu biết của người dân khiến cho nhiều vụ án không được thi hành vì hết hiệu lực, gây bất lợi cho dân.
Cũng thể hiện ý kiến về một vấn đề khá nóng trong phiên thảo luận sáng nay liên quan đến Tòa án và công tác thi hành án, Bộ Trưởng Hà Hùng Cường đồng ý với quan điểm Tòa án cần có quyết định đưa bản án ra thi hành. Bộ trưởng nói: Hiến pháp 2013 xác định rõ 3 quyền lập pháp, hành pháp và, tư pháp. Đồng thời điểm sáng của Hiến pháp là đề cao quyền con người, quyền công dân, đặc biệt nhấn mạnh quyền sở hữu tài sản. Do đó, Luật bổ sung quyết định Tòa án ra quyết định đưa bản án ra quyết định thi hành, thể hiện quyền lực Nhà nước đối với quyền sở hữu tài sản của con người. Thi hành án, chấp hành viên thi hành án là bên hành pháp chấp hành lệnh của tòa án. Đây là thông lệ quốc tế."
Bộ Trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Luật Thi hành án Dân sự phải làm rõ trách nhiệm của tòa án đối với tài sản chưa kê biên, chưa xác minh. Các trường hợp này, đề nghị tòa án ra quyết định kê biên, hoặc phê chuẩn quyết định của chấp hành viên, bởi đây chính là vấn đề liên quan đến sở hữu của công dân.
Ông cũng cho rằng, đây là quy định để Tòa án khẳng định thêm trách nhiệm của mình. Bởi Bộ Chính trị đã có kết luận về vấn đề này, trong đó có nội dung tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong công tác THADS
Liên quan đến vấn đề giao công tác thi hành án dân sự cho tòa án, mà có ĐBQH đã đề cập tại phiên thảo luận, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề lớn. Dẫn chứng tỷ lệ thi hành án về việc và về tiền khi giao công tác THADS về cho Chính phủ tăng hàng chục lần so với khi THADS còn do Tòa án đảm nhiệm, Bộ trưởng cho rằng mô hình như hiện nay là phù hợp. Bộ Chính trị cũng đã khẳng định vấn đề này (giữ nguyên mô hình như hiện nay).