Bắt người Pháp phải ra về cửa phụ
Vua Hàm Nghi (1884-1888) tên thật Ưng Lịch, là con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, em ruột vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh.
Triều Nguyễn từ sau khi vua Tự Đức qua đời biến động liên miên. Trong triều phe chủ chiến do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm trọng quyền. Trước đó cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc đều đi ngược chủ trương kháng Pháp của phe chủ chiến. Có lẽ vì thế các hoàng đế lần lượt bị phế truất hoặc qua đời đột ngột đầy bí ẩn.
Khi vua Kiến Phúc qua đời khi chỉ mới 15 tuổi, các quan phụ chính phe chủ chiến chọn Ưng Lịch kế vị khi mới 13 tuổi, trở thành hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn.
Lễ đăng quang của vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 2/8/1884 tại điện Thái Hòa một cách lặng lẽ, người Pháp không hề hay biết. Vì thế khi viên khâm sứ Pháp hay tin đã tức giận không công nhận vua. Phe chủ chiến trả lời cứng rắn rằng trong hòa ước Giáp Thân (1884) không có quy định nào nói rằng việc lập vua phải xin ý kiến chính quyền Pháp. Chính phủ Pháp bảo hộ nhưng không can thiệp vào việc nội trị của triều đình tại các tỉnh đã phân chia. Cuộc tranh luận căng thẳng mà không bên nào nhượng bộ.
Khâm sứ Pháp phải gửi điện về nước xin ý kiến, chính phủ Pháp đã cử một trung đoàn viễn chinh gồm 600 lĩnh, 2 cỗ pháo đến cổng thành uy hiếp. Song triều đình không mở cổng thành. Quân Pháp hạ lệnh trong 12h nếu không tổ chức lại lễ đăng cơ với sự hiện diện của người Pháp sẽ tấn công Đại nội. Mãi đến khi thời hạn ấn định sắp hết, triều đình mới chấp nhận yêu sách này.
Dù nhượng bộ nhưng phải 3 hôm sau, vào ngày 18/8/1884, triều đình mới tổ chức lại lễ đăng cơ của vua Hàm Nghi. Đại diện chính phủ Pháp đọc diễn văn công nhận Hàm Nghi là vua
Vua Hàm Nghi |
Sử sách chép lại khi quân pháp tiến Đại nội đòi đi bằng cửa chính giữa Ngọ Môn là cửa dành cho vua nhưng Tôn Thất Thuyết cự tuyệt. Sau một hồi tranh luận, cuối cùng chỉ có 3 quan chức cao cấp của Pháp không mang vũ khí được đi cửa chính, còn lại đi cửa hai bên.
Thế nhưng triều đình đã khiến người Pháp phải ôm giận. Chuyện kể rằng khi phái đoàn Pháp ra về, Tôn Thất Thuyết đã ngầm cho đóng cửa chính Ngọ Môn buộc tất cả đi ra theo cửa phụ. Đại diện chính phủ Pháp bấy giờ là đại tá Marcel Cuerrier trong cuốn hồi ký đã thừa nhận vua Hàm Nghi giữ được tính chất thiêng liêng với thần dân của mình. Dù người Pháp đóng quân tại Huế nhưng triều đình tỏ thái độ không hèn.
Hoàng đế khởi xướng phong trào chống Pháp giành độc lập
Mặc dù triều Nguyễn hết sức nhượng bộ để giữ hòa khí song chính Phủ bảo hộ liên tiếp lấn tới đòi hỏi những yêu sách ngày càng quá đáng. Trước tình thế đó, phe chủ chiến do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định tấn công quân Pháp lấy thế chủ động.
Đêm ngày 5 rạng ngày 6/7/1885, quân đội triều đình tấn công trại binh của quân Pháp ở đồn Mang Cá. Nhưng vì kế hoạch bại lộ, lại chênh lệch lực lượng, vũ khí nên cuộc tấn công thất bại.
Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời kinh thành rồi rước về căn cứ Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây vua đã xuống “lệnh dụ thiên hạ Cần Vương” kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Lệnh dụ trở thành ngòi nổ các cuộc đấu tranh chống Pháp khắp cả nước, tạo thành phong trào lớn chấn động chính quyền tay sai và giặc Pháp.
Trong thời gian xuất bôn khỏi kinh thành, nhà vua đã trải qua cuộc sống nhiều vất vả. Trước ý chí và tầm ảnh hưởng của vua Hàm Nghi, người Pháp thừa nhận tên ông trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia. Từ Bắc chí Nam đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời kêu gọi của vị vua bỏ ngai vàng chống lại người Pháp. Chính phủ Pháp đối phó bằng cách dựng anh vua Hàm Nghi là Ưng Kỷ lên ngôi, lấy niên hiệu Đồng Khánh.
Do có kẻ phản bội nên ngày 30/10/1888 vua Hàm Nghi bị bắt. Dụ không thành, mua chuộc không được nên Pháp đã đưa vua Hàm Nghi đi đày Angieri là thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Khi đó vua mới 18 tuổi. Tuy nhiên phong trào Cần Vương vẫn tiếp tục lan tỏa.
Sự kiện vua Hàm Nghi xuất bôn ban chỉ dụ kháng Pháp sau này được lưu truyền trong dân gian dưới bài Đồng Dao (thể loại văn học dân gian gắn với những trò chơi trẻ em) có tên “Chi chi rành rành”:
“Chi chi rành rành
(mọi người hãy biết cho rõ)
Cái đanh nẩy lửa
(súng quân Pháp đã nổ tóe lửa)
Con ngựa đứt cương
(Đất nước không vua cai trị)
Hai phương lập đế
(Tức vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh)
Cắp kế đi tìm
(chỉ việc quân Pháp lùng sục tìm vua Hàm Nghi)
Ù à, ù ập”
(tức vua Hàm Nghi bị bắt)
Ngày 4/1/1943, vua Hàm Nghi qua đời, thọ 72 tuổi. Thi hài vua được an táng trong khuôn viên biệt thự Gia Long ở Angieri. Về sau người thân của vua cải táng đưa sang Pháp chôn cất. Đến năm 2008, di cốt hoàng đế Hàm Nghi một lần nữa được cải táng đưa về Việt Nam chôn cất tại Huế.
(Còn nữa)