Vì sao Pháp thay đổi sách lược tại Syria?

(PLO) - Ngày 27/9/2015, Pháp đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria sau gần 3 tuần triển khai các chuyến bay do thám. Dư luận cho đây là một thay đổi khá bất ngờ bởi cách đây 2 tháng, Paris vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. 
Theo Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande, những cuộc không kích đầu tiên đã được triển khai nhằm vào các mục tiêu được xác định trong quá trình do thám trước đó. Thông cáo nhấn mạnh, những chiến dịch không kích này nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố của IS cùng với các đối tác khác trong khu vực, đồng thời cho biết “nước Pháp sẽ tấn công bất cứ khi nào an ninh quốc gia bị đe dọa”. 
Tổng thống Pháp F.Hollande tuyên bố: “Điều chúng tôi muốn biết là những gì đang được chuẩn bị để chống lại chúng tôi và những gì đang chống lại người dân Syria”
Tổng thống Pháp F.Hollande tuyên bố: “Điều chúng tôi muốn biết là
những gì đang được chuẩn bị để chống lại chúng tôi
và những gì đang chống lại người dân Syria” 
Nước Pháp “phòng thủ 
từ xa”
Thông cáo của Điện Elysée không nêu rõ mục tiêu cũng như diễn biến các đợt không kích, tuy nhiên báo chí Pháp cho biết dựa trên các nguồn tin tình báo, Pháp đã xác định được một số mục tiêu tại Rakka - đại bản doanh của IS. Các cuộc không kích đầu tiên có thể đã nhắm vào trung tâm chỉ huy này - nơi được cho là đã phát đi các lệnh tấn công nhằm vào châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng. Giới chức Pháp cho biết, Pháp hành động trong khuôn khổ Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp quốc liên quan đến quyền tự vệ hợp pháp.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Le Monde” trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean - Yves Le Drian đã nêu rõ, các cuộc không kích sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy, các trại huấn luyện và cơ sở hậu cần của IS. Đây không phải là một chiến dịch không kích ồ ạt mà là các vụ tấn công vào các mục tiêu cụ thể. 
Theo ông Le Drian, Pháp có nhiều thông tin để chứng minh rằng IS có nhiều trung tâm huấn luyện chiến binh nước ngoài, trong đó có nhiều chiến binh người Pháp trên lãnh thổ Syria. Chính sự đe dọa này đã góp phần điều chỉnh các chính sách của Pháp ở Syria. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp chỉ rõ sự điều chỉnh trên không phải là thay đổi lập trường hay học thuyết. 
Ngay sau khi kết thúc đợt không kích, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết trong đợt không kích đầu tiên, 6 máy bay chiến đấu của nước này đã oanh kích trúng một trại huấn luyện của IS và phá hủy nhiều mục tiêu. Trại huấn luyện trên, nằm gần thị trấn Deir al-Zor ở miền Đông Syria, đã bị phá hủy mà không gây ra thương vong cho dân thường. 
Ông Hollande cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc không kích trong những tuần tới nếu cần thiết, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn tới liên minh do Mỹ chỉ huy trong việc cung cấp thông tin. 
Nước cờ mới
Theo các nhà phân tích, có rất nhiều lý do thúc đẩy Pháp tham gia chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria. Thứ nhất, trên chiến trường, IS tiếp tục nới rộng vùng kiểm soát. Sau Ramadi ở Iraq đến lượt Palmyra ở Syria thất thủ. Những tay súng cực đoan của IS đi đến đâu là tàn sát và tàn phá đến đó và hiện chỉ còn cách thủ đô 
Damascus 250km. Do vậy, dù không mặn mà gì với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng Pháp vẫn phải “bật đèn xanh” cho không quân can thiệp vào Syria nhằm tăng cường sức mạnh cho liên quân do Mỹ đứng đầu. Dường như trong suy tính của Điện Elysée, sự tồn tại của chính quyền hiện tại ở Syria vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều so với việc để IS chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Đông này. 
Thứ hai, vào lúc không quân Pháp tham chiến tại Iraq, đất nước hình lục lăng này đã phải trải qua nhiều vụ khủng bố đẫm máu như vụ thảm sát ở tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris và gần đây nhất là vụ tấn công xe lửa cao tốc Thalys trên đường Amsterdam - Paris hồi tháng 8. Đa số thủ phạm của các vụ tấn công này đều đã lưu trú tại Syria hoặc có quan hệ trực tiếp với tổ chức IS hay với thành viên của nhóm khủng bố này. 
Theo nhận định của một nhà ngoại giao Pháp, Syria có vai trò trung tâm đối với tình hình an ninh của Pháp, vì hiện đang có hàng trăm công dân Pháp theo phe thánh chiến tại Syria. Chính vì nhu cầu an ninh quốc gia, Tổng thống Francois Hollande đã buộc phải thay đổi chiến lược tại Syria. 
Nguyên nhân thứ ba là do làn sóng người nhập cư đang ồ ạt đổ vào châu Âu bất chấp sự nguy hiểm và vô số các vụ đắm thuyền chở người di cư trên Địa Trung Hải trong nỗ lực rời bỏ quê hương để tiến đến “miền đất hứa”. Hầu hết trong số này là người dân ở các quốc gia đang phải đối mặt với các nội chiến kéo dài nhiều năm qua như Syria, Libya, Iraq... 
Mặc dù thời gian gần đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã nỗ lực thực hiện nhiều quyết sách mới nhằm đối phó với tình trạng hàng vạn người vượt biên liên tục đổ về Lục địa già, thế nhưng, để giải quyết “tận gốc” tình trạng này, châu Âu cần kết hợp các biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, biện pháp dài hạn là phải làm thế nào để đưa tình hình ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trở lại ổn định, mà một trong những nhiệm vụ hàng đầu là vấn đề truy quét IS. 
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Pháp tại Syria vào thời điểm hiện nay, khi Nga đang cấp tập đưa trang thiết bị quân sự và khẩn trương xây dựng căn cứ quân sự ở quốc gia Trung Đông này cũng khiến dư luận đặt ra những câu hỏi nhằm vào toan tính chiến lược của Paris. Dưới góc nhìn của các nước phương Tây, việc Nga đưa quân tới Syria nhằm giúp chính quyền Tổng thống Al-Assad đối phó với IS chỉ là vỏ bọc. 
Mục tiêu chính của động thái này một phần nhằm khẳng định sự hậu thuẫn của Moskva đối với Damascus. Ngoài ra, đây cũng là bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng một căn cứ không quân tại sân bay Lattaquie, nằm gần Quân cảng Tartous. Từ những năm 1970, Nga đã sử dụng Quân cảng nằm bên bờ Địa Trung Hải này và hiện Tartous đánh dấu sự hiện diện duy nhất của Nga tại Trung Đông. Do đó, việc tăng cường lực lượng không quân tới Syria được cho là sẽ giúp củng cố vị trí của Nga ở Tartous và duy trì quyền lợi của Nga tại khu vực này. 
Chính vì vậy, việc Pháp đưa chiến đấu cơ tới Syria cũng được xem như một nước cờ phối hợp với Mỹ và các đồng minh khác nhằm “canh chừng” những động thái tiếp theo của Moskva. Nếu xét ở khía cạnh này có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên cách đây 3 tuần, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) lại tuyên bố tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria. 
Do vậy, rõ ràng ngoài việc nâng cao vị thế, quyết định đưa máy bay chiến đấu tham gia không kích IS có thể sẽ làm gia tăng uy tín của chính quyền Tổng thống Francois Hollande. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất, có tới 61% số người dân Pháp được hỏi ủng hộ kế hoạch của ông chủ Điện Elysée. Điều đó cho thấy, bằng một động thái quyết đoán, Paris đã phát đi nhiều tín hiệu thể hiện rõ ràng chính sách đối ngoại của Pháp và bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước hình lục lăng trên bản đồ chính trị thế giới.
Ngày 27/9, các máy bay Pháp thực hiện cuộc không kích IS ở Syria
Ngày 27/9, các máy bay Pháp thực hiện cuộc không kích IS ở Syria 
“Xoa” trong, giữ ngoài?
Theo AFP, giới phân tích cho rằng các cuộc không kích của Pháp tuy có thể giúp Paris gia tăng ảnh hưởng về mặt chính trị, song khó đem lại các thành tựu quân sự quan trọng hoặc chặn đứng các vụ tấn công khủng bố. 
Chiến dịch không kích được Pháp công bố trong cuộc họp tại New York của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ), nơi Syria chính thức quay trở lại môi trường chính trị quốc tế sau hơn 4 năm chìm trong một cuộc nội chiến nghiêm trọng khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và tìm đường tới châu Âu. Với việc triển khai máy bay chiến đấu tới Syria, Pháp chủ yếu đang tìm cách xoa dịu áp lực chính trị ở trong nước và duy trì tầm ảnh hưởng quốc tế để khẳng định vai trò của mình trong nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. 
Eric Denece - Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách CF2R - nói: “Nếu ai đó nói rằng chúng ta có thể ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tại Pháp bằng chiến dịch không kích thì người đó thật sai lầm. Mỹ đã tiến hành hàng ngàn chiến dịch không kích và chỉ thu được những ảnh hưởng hết sức giới hạn. Những gì Pháp làm tại Syria chỉ có thể là các cuộc không kích mang tính hình thức. Đây thực chất là hành động nhằm tung hỏa mù và đánh lạc hướng dư luận”. 
Pháp đã tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc oanh tạc nhằm vào mục tiêu IS tại Iraq kể từ tháng 9/2014, và đã thực hiện khoảng 215 trong tổng số 4.500 cuộc không kích. Tuy nhiên, cho tới nay Pháp vẫn từ chối tham gia cùng Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh trong chiến dịch tấn công tại Syria, nơi liên quân đã thực hiện khoảng 2.500 cuộc càn quét.  
Tuy nhiên, vụ việc mới nhất - một tay súng thánh chiến Hồi giáo mang theo nhiều vũ khí và xả súng trên chuyến tàu cao tốc ở miền Bắc nước Pháp hôm 22/8 - đã gia tăng không ít áp lực chính trị lên Paris. Ngày 7/9, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố Paris sẽ thực hiện các chuyến bay do thám tại Syria, tạo điều kiện để Pháp lên kế hoạch triển khai chiến dịch không kích nhằm vào IS. 
Sau khi tuyên bố ý định tiến hành các cuộc không kích của Pháp, Tổng thống Hollande nói: “Điều chúng tôi muốn biết là những gì đang được chuẩn bị để chống lại chúng tôi và những gì đang chống lại người dân Syria”. Tuy nhiên, ông cũng loại trừ khả năng triển khai bộ binh Pháp ở Syria, và khẳng định điều này là “phi thực tế”. 
Tuy nhiên, nhà phân tích Denece cho rằng nếu không có sự phối hợp của bộ binh, hiệu quả của các cuộc tấn công từ trên không sẽ hết sức giới hạn. Ông Francois 
Burgat, làm việc tại Viện Nghiên cứu về thế giới Arập và Hồi giáo ở Aix-en-Provence, đồng tình với quan điểm cho rằng chiến dịch không kích của Pháp “trên thực tế khó có thể thay đổi đáng kể cán cân quân sự”, song ông nhấn mạnh: “Tác động về mặt hình thức và khía cạnh chính trị mới là điều được (Paris) coi trọng”. 
Một quan chức tình báo cấp cao của Pháp đã nghỉ hưu và đề nghị giấu tên cho rằng, kẻ thù là một lực lượng cực kỳ cơ động, có khả năng trà trộn vào các cộng đồng dân cư, cơ hội phá hủy các khu trại huấn luyện, đồn chỉ huy hay những lán trại mà lực lượng thánh chiến dựng lên để vạch ra đường đi nước bước cho các cuộc tấn công gần như bằng không. 
Ông nói: “Điều mà Pháp muốn là thể hiện cho bên ngoài thấy chúng tôi đang có mặt ở Syria, chúng tôi phải là một bên tham gia quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị. Tương tự như cách người Nga đang làm để củng cố sự hiện diện quân sự” tại Syria...

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.