Thượng đỉnh Trung - Mỹ không mấy thành quả

(PLO) - Bất chấp khâu quảng bá khá rầm rộ, cuộc gặp cấp cao Tập Cận Bình - Obama cuối tuần này dường như vẫn chưa thỏa thuận được mô thức “quan hệ kiểu mới” giữa hai cường quốc mà ông Tập đưa ra từ cách đây mấy năm. 
Ngày 24/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Washington, bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước tại Hoa Kỳ kéo dài 7 ngày. Chủ tịch Tập Cận Bình đã dùng hai ngày đầu của chuyến viếng thăm được chờ đợi này để nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai cường quốc. 
Theo tường thuật của các phóng viên quốc tế, tại thượng đỉnh lần này, hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ tập trung thảo luận về những đề tài khá gai góc như vấn đề tin tặc, nhân quyền và các vấn đề kinh tế. Tối 24/9, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung đã dùng bữa tối với nhau trước khi một buổi lễ nghênh đón chính thức đã diễn ra vào hôm sau 25/9. Tối 25/9, ông Tập Cận Bình là quốc khách trong buổi quốc yến tại Nhà Trắng, một vinh dự thường chỉ dành cho các đồng minh và đối tác hàng đầu của nước Mỹ.
Cuộc gặp Mỹ - Trung dường như ít thành quả
Cuộc gặp Mỹ - Trung dường như ít thành quả
Biển Đông và bán đảo 
Triều Tiên
Một trong những lĩnh vực gây bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh là các yêu sách chủ quyền gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông. Hình ảnh vệ tinh chụp được trong mùa hè qua cho thấy Trung Quốc gần hoàn tất đường băng dài 3.000 mét trên bãi đá Chữ Thập. Như vậy, Trung Quốc sở hữu tất cả 4 đường băng ở biển Đông. 
Cũng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành những dự án xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên những hòn đảo nhỏ mà họ chiếm cứ ở quần đảo Trường Sa, nơi “năm nước sáu bên” cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo. Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột nguy hiểm. Tuy nhiên, vào đầu tuần này, ông Tập Cận Bình vẫn nói với tờ Wall Street Journal rằng Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Việc ông Obama chính thức nêu quan ngại với ông Tập về biển Đông là một động thái quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách từ các nước khác nhau, có thể căn cứ vào động thái này của Mỹ để nhận diện rõ hơn các hành vi không nhất quán và đi ngược lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc. 
Cho dù các tác động tương lai sẽ mang tính song phương hay đa phương, Trung Quốc buộc phải tính toán kỹ hơn các hệ quả có thể có trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tham vọng bá quyền trên thực tế đã gây nhiều quan ngại. 
Đó là trường hợp của vị Phó Đô đốc Viên Dự Bách (Yuan Yubai), Tư lệnh Hạm đội Bắc hải của Hải quân Trung Quốc. Nhân một hội nghị mới đây về quốc phòng tại Luân Đôn, trước một cử tọa bao gồm rất đông quan chức quốc phòng và quân sự thế giới, trong đó có hai Phó Đô đốc Hoa Kỳ và Nhật Bản, không kể đến nước chủ nhà là Anh quốc, ông Viên Dự Bách đã không ngần ngại khẳng định rằng, biển Đông thuộc về Trung Quốc, vì lẽ trong tên gọi quốc tế bằng tiếng Anh của biển này là South China Sea – dịch sang tiếng Việt là biển Nam Trung Hoa có từ China – nghĩa là biển đó của Trung Quốc.
Ngoài căng thẳng trên biển Đông, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận chi tiết về cách thức ứng phó với những mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên. Theo giới phân tích, thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra trong lúc căng thẳng tăng cao ở bán đảo Triều Tiên, vì những mối đe dọa của Bình Nhưỡng về việc phóng phi đạn tầm xa và thử nghiệm hạt nhân. CHDCND Triều Tiên cho biết nước này dự định phóng “một loạt các vệ tinh” vào không gian và loan báo họ đã khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân của họ. 
Mặc dầu vậy, ông Obama và ông Tập Cận Bình đã không loan báo những biện pháp mới chống lại Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo chỉ lặp lại lập trường chống đối của họ đối với Bình Nhưỡng khi nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ cũng đã không có một quan điểm chung mới hoặc mạnh hơn đối với vấn đề này.
Tại một cuộc hội thảo hồi đầu tuần này ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice cho biết: “Cuộc họp tuần này giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một cơ hội khác nữa để thảo luận về vấn đề làm thế nào chúng ta có thể ảnh hưởng tới những sự lựa chọn của Bình Nhưỡng giữa việc sở hữu vũ khí hạt nhân với sự phát triển kinh tế”. Các giới chức Mỹ cho biết cả Washington lẫn Bắc Kinh đều có quyết tâm theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. 
Theo bà Rice “Trung Quốc và Hoa Kỳ nhất trí với nhau trong việc đòi hỏi sự phi hạt nhân hoá hoàn toàn và có thể kiểm chứng được ở bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi kiên quyết phản đối những mưu toan của Bắc Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạo, đe dọa tới ổn định khu vực và quyền lợi an ninh quốc gia của hai nước chúng tôi”.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Bắc Kinh hồi gần đây đã chứng tỏ họ sẵn sàng hơn trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Ông nói trong cuộc họp báo trực tuyến mới đây: “Tôi nghĩ rằng trong vài năm gần đây, chúng tôi thấy Trung Quốc nhận thức rõ hơn về việc chúng ta cần phải nhấn mạnh tới nhu cầu phi hạt nhân hoá và cần phải gây áp lực lên chế độ Bắc Triều Tiên”. 
Nhiều chuyên gia đồng ý với nhau là Washington và Bắc Kinh có cùng mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Nhưng một số nhà phân tích nói rằng có sự khác biệt giữa đôi bên về việc làm thế nào để đạt mục tiêu. Theo ông David Straub, cựu Giám đốc Phòng Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh không hợp tác nhiều với Washington về vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Straub đánh giá, vì những lý do lịch sử, chính trị và chiến lược, sự hợp tác giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục có tính chất giới hạn trong tương lai có thể nhìn thấy được.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam 
Một thượng đỉnh đầy 
khó khăn
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày một trở nên khó khăn, ngày càng có nhiều vấn đề, nhiều trở ngại hơn. Những nghi lễ đón tiếp đặc biệt mà Tổng thống Obama dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nhằm mục đích làm thế nào  để mối quan hệ  khó khăn ấy đừng trở nên lạnh nhạt hơn. Khó khăn lớn nhất trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay không chỉ nằm ở các vấn đề cụ thể. 
Thách thức lớn đối với quan hệ Trung-Mỹ còn đến từ chủ trương “xoay trục”, hay còn gọi bằng tên khác là “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó báo trước là tranh cãi sẽ diễn ra ở thượng đỉnh và cả hai bên đều hiểu chuyện tin tặc, nhân quyền là chuyện khó có thể giải quyết ở thượng đỉnh lần này; đấy cũng là cách tốt nhất  tránh đừng để tình hình trở nên xấu hơn. Cả hai nhà lãnh đạo đều biết là quan hệ song phương Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng tới ổn định, phát triển của hai nước, mà ảnh hưởng đến ổn định và phát triển toàn cầu. 
Tuy nhiên, thái độ bất nhất của Trung Quốc thể hiện trong bài phát biểu của ông Tập tại Seattle trước khi đến Washington. Chủ tịch Tập Cận Bình chủ động đề cập đến câu chuyện “cái bẫy Thucydides” trong lịch sử. Ông Tập một mặt lập luận rằng không hề có cái gọi là “cái bẫy Thucydides” trên thế giới, nhưng ngay sau đó ông lại cảnh báo “nhưng nếu các nước lớn đi vào con đường sai lầm khi tính toán chiến lược, thì chính họ có thể tạo ra các bẫy như vậy cho mình”. 
Giới bình luận từng giải thích tình trạng khó khăn mà cả hai quốc gia phải đối mặt trên con đường hướng tới giải pháp. Cái bẫy Thucydides đầy ẩn dụ là một lời nhắc nhở sống động của sức bền kết cấu không thể tránh khỏi xảy ra khi một cường quốc đang lên nhanh chóng đe dọa làm dịch chuyển quyền lực thống trị. 12 trong số 16 trường hợp này xảy ra trong 500 năm qua, kết quả là chiến tranh.
Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi cái bẫy định mệnh ấy không?. Ông Tập lý giải, trong khi sức ép do cạnh tranh quyền lực là không tránh khỏi thì kết quả của sự ganh đua như vậy không nhất thiết phải dẫn đến chiến tranh. Cả ông lẫn Tổng thống Obama không phải là những tù nhân của quy luật “thép” của lịch sử, buộc họ phải lặp lại sai lầm của những người tiền nhiệm của họ ở Athens và Sparta vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, hay ở Đức và Anh thế kỷ trước. 
Thật vậy, tài năng của các chính khách là quá trình chèo lái các con thuyền quốc gia. Nếu sự cạnh tranh hiện nay dẫn đến một cuộc chiến tranh kết thúc thảm bại đối với cả hai, cả ông Tập lẫn Obama, hoặc đối với những kẻ kế thừa họ sau này, thì cả hai sẽ không thể trách cứ lịch sử đã không cảnh tỉnh họ. Để làm nổi bật những gì lịch sử có thể dạy chúng ta như về cách tránh các cuộc chiến tranh, GS. Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Belfer đã tạo ra một trang web đặc biệt. Đặc biệt vì nó bao gồm các tóm tắt của 16 cuộc chiến liên quan đến “cái bẫy Thucydides” trong suốt hơn 500 năm qua.
Khi cả Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, thế giới đang trông chờ rất nhiều về lời giải thích của Trung Quốc về cái nhìn cơ bản đối với trật tự thế giới. Dù ông Tập có thể sẽ đưa ra những tuyên bố khéo léo nhằm trấn an Mỹ về những ý định ôn hòa của mình, ông cũng phải tìm cách để khớp chúng với những sáng kiến khu vực mới thể hiện sức mạnh cũng như sự quyết đoán của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. 
Ông Tập sẽ phải giải thích, cuối cùng thì ý đồ thực sự của Trung Quốc là gì. Cho đến nay, câu trả lời trực diện nhất, đó là Trung Quốc muốn nhiều hơn nữa. Cụ thể hơn, Trung Quốc mong muốn ba điều: nhiều ảnh hưởng hơn, nhiều sự tôn trọng hơn và nhiều không gian hơn. Trong một loạt các hội nghị vào mùa hè vừa qua ở Bắc Kinh, các chuyên gia đã dùng chung một phép ẩn dụ để giải thích hành vi của Trung Quốc: Trung Quốc từ một đứa trẻ giờ đã lớn và do đó quốc gia này cần phải có quần áo mới, bởi bộ đồ cũ đã không còn vừa vặn nữa.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...