Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp đồng loạt nghỉ hè từ ngày 15/5 để ứng phó với dịch bệnh. Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại như thi học kỳ II, tổng kết năm học... sẽ được thực hiện vào thời gian nghỉ hè, khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường học tập.
Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, nhiều phụ huynh cho rằng nên cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến (thi online) để các con yên tâm nghỉ hè hoặc lấy điểm của cả năm học tính điểm tổng kết năm và xét lên lớp.
“Phụ huynh lớp con tôi lo các con nghỉ hè quên hết kiến thức, đã đề nghị cô giáo dạy thêm online cho các con đến tận khi nào trường đi học trở lại, học sinh thi cuối kỳ. Như vậy các cháu mất luôn nghỉ hè, vừa nghỉ vừa lo chưa thi”, một phụ huynh có con học tại huyện Thanh Trì nói.
Về ý kiến phụ huynh đề nghị cho thi học kỳ online, trao đổi với Infonet, ông Lê Hồng Chung - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng thời điểm này Hà Nội chưa thể tổ chức kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến vì Thông tư 09 cho phép kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến chỉ có hiệu lực pháp lý từ ngày 16/5/2021.
Ngoài ra, để đảm bảo công bằng, khách quan cho kỳ thi, Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ hè rồi kiểm tra sau.
“Trong trường hợp các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội muốn kiểm tra học kỳ bằng trực tuyến từ sau ngày 16/5 thì làm đề xuất với Sở GD&ĐT. Tất nhiên, việc kiểm tra trực tuyến này phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, giám sát được học sinh sao cho kết quả khách quan, chính xác chứ không phải làm hình thức cho xong.
Còn nguyên tắc giáo dục là học sinh đi học phải kiểm tra, phải thi. Thi trước hay sau cũng nhằm đánh giá kết quả của học sinh nên có gì mà ngại?”, ông Chung nói.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay Hà Nội chưa tổ chức thi trực tuyến phần vì theo luật, phần vì xét thấy hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo.
“Việc kiểm tra học kỳ trực tuyến có những yêu cầu riêng về kỹ thuật như đường truyền internet, bảo mật thông tin của học sinh cũng như bảo mật cơ sở dữ liệu, giám sát được bài làm của học sinh là khách quan thì đánh giá mới chuẩn được”, ông Đại nói.
Ngoài ra, không thể lấy điểm kiểm tra trước đó để tính điểm trung bình tổng kết vì phải thực hiện đúng theo luật.
Tại Điều 2 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT có quy định về kiểm tra, đánh giá định kì:
- Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành;
- Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập (Hiện hành quy định kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên, kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên, kiểm tra học kỳ).
+ Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
+ Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.