Thưa ông, việc chuyển học phí, viện phí sang thực hiện theo cơ chế giá có theo lộ trình không? Liệu có phải sửa đổi các quy định pháp luật về giá không?
- Theo Dự thảo Luật, học phí (HP) và viện phí (VP) sẽ chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá. Đây không phải quy định mới mà là để bảo đảm sự thống nhất với các luật hiện hành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá.
Đối với VP, theo quy định tại Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Tại Điều 18 đã quy định cụ thể lộ trình chuyển từ VP sang giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Năm 2013: giá dịch vụ được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp: tiền thuốc, hóa chất; tiền điện, nước; duy tu, bảo trì thiết bị,...; giai đoạn 2014-2017: giá dịch vụ (ngoài các khoản chi như năm 2013 nêu trên) được tính đến chi phí tiền lương, tiền công thuê ngoài, khấu hao tài sản, chi phí gián tiếp phục vụ hoạt động của bệnh viện; từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ được tính đủ chi phí thực hiện”. Căn cứ quy định nêu trên thì VP đang từng bước chuyển sang cơ chế giá dịch vụ và thực hiện theo lộ trình...
Đối với HP, Điều 19 Luật Giá quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước. Căn cứ quy định trên, dịch vụ giáo dục, đào tạo của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế giá, do Nhà nước định giá.
Hiện chưa có quy định lộ trình thực hiện theo cơ chế giá đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo của Nhà nước, tuy nhiên tại Điều 10 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định như sau: “Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018: tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020: tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định”...
Như vậy, việc chuyển VP, HP ra khỏi Danh mục phí, lệ phí hiện hành là để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các luật chuyên ngành.
Thưa ông, ngoài VP, HP thì trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí, có những khoản phí nào được chuyển sang giá dịch vụ?
- Ngoài HP và VP đã chuyển sang giá theo quy định của luật chuyên ngành, có 19 khoản phí hiện hành dự kiến chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá nhằm đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ công. Để phù hợp với điều kiện thực tế, 19 khoản này dự kiến được phân thành 02 nhóm: Nhóm Nhà nước định giá, gồm 12 khoản, như: phí chợ, phí sử dụng cảng, nhà ga, phí vệ sinh... các dịch vụ này có ít đơn vị cung cấp hoặc là dịch vụ dễ độc quyền, do đó cần có sự quản lý của Nhà nước; nhóm do đơn vị cung cấp dịch vụ kê khai, niêm yết giá (giá thị trường) gồm 7 khoản như: phí giới thiệu việc làm, phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế....
Tại Dự thảo Luật quy định Phụ lục Danh mục các dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc quy định Phụ lục các loại phí chuyển sang giá ngay trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí là để bảo đảm thực hiện ngay khi luật này có hiệu lực mà không cần thiết phải sửa Luật Giá...
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, có ý kiến cho rằng hiện nhiều khoản thu mang tính chất giá như dịch vụ, nhưng vẫn được mang danh phí. Bộ Tài chính có lộ trình như thế nào để khắc phục tình trạng này?
- Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí. Qua 13 năm thực hiện, đến nay một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như VP và HP); một số khoản phí quy định trong danh mục nhưng 13 năm qua chưa phát sinh; và một số khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành (ban hành sau Pháp lệnh Phí và Lệ phí).
Để đảm bảo quy định thống nhất về phí và lệ phí, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, cần thiết phải rà soát hoàn thiện danh mục. Cụ thể: Đưa ra khỏi danh mục phí 18 khoản gồm 2 khoản phí được quy định trong danh mục nhưng qua 13 năm chưa phát sinh (phí bảo vệ nguồn loại thủy sản và phí giám định hàng hóa xuất nhập khẩu); 5 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng nay đã dừng thu (phí xây dựng; phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai; phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa); 6 khoản phí có cùng đối tượng rút gọn cần rà soát thu gọn danh mục (phí sử dụng đường thủy nội địa và phí luồng lạch có cùng đối tượng điều chỉnh là sử dụng đường thủy nội địa; phí sử dụng đường biển và phí bảo đảm hàng hải có cùng đối tượng là sử dụng đường biển); 5 khoản phí quy định trong danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá (phí đấu thầu, VP, HP, phí giảm định tư pháp; phí kiểm định đo lường chất lượng). Ngoài 18 khoản phí nêu trên, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, Chính phủ chuyển thêm 19 khoản phí trong danh mục chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung 15 khoản phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành (như phí bay qua vùng trời, phí công chứng, phí sử dụng kho số viễn thông...).
Như vậy, Danh mục phí kèm theo Luật sẽ bao gồn 51 khoản phí, trong đó 36/73 khoản trong Danh mục phí hiện hành được kế thừa và 15 khoản phí quy định tại các luật chuyên ngành được bổ sung vào danh mục...
Trân trọng cảm ơn ông!