Vi khuẩn đáng sợ gây bệnh chết người trong 48 giờ

Bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Những ngày qua, thông tin về sự xuất hiện của căn bệnh do vi khuẩn gây chết người chỉ trong 48 giờ sau khi nhập viện khiến nhiều người dân lo lắng. Đây không phải “bệnh lạ” song lại cực kỳ nguy hiểm.

Những người mắc phải do tiếp xúc với bùn đất có nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn

Đa số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho một bệnh nhân nam 25 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những triệu chứng lạ. Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân là C.V.T, ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) có tiền sử viêm cầu thận, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và gối phải sưng to, sau 11 ngày điều trị nhưng không cắt sốt nên được chuyển đến khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh bủa vây nhưng tình trạng bệnh vẫn không chuyển biến mà ngày càng diễn tiến nặng. Phải mất 3 ngày, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân về Khoa Truyền nhiễm và tại đây, qua 3 lần cấy máu, bệnh nhân mới được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore. Lúc này, tình trạng của bệnh nhân đã rất nghiêm trọng với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, whitmore không phải căn bệnh mới hay “bệnh lạ” mà trên thực tế đã được phát hiện và lưu hành tại nước ta từ khá lâu, chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam. Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 9-11; đồng thời bệnh cũng gia tăng mạnh tại khu vực phía Bắc. Từ đầu năm tới nay, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đáng chú ý, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh này đa dạng và phức tạp nên hầu hết bệnh nhân không được chẩn đoán đúng, thường chuyển lên tuyến trên và nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Ngay cả ở bệnh viện tuyến Trung ương, bác sĩ cũng thường chẩn đoán nhầm bệnh whitmore với bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết...

Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bình quân mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 30-40 ca mắc bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở Việt Nam nhưng người dân còn chủ quan và không để ý. Những người mắc do chủ yếu tiếp xúc với bùn đất hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn (trong bùn đất chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore). Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn gây bệnh whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi, bệnh gặp trên mọi đối tượng. Đặc biệt, những người có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh này.

Tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 50%

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh whitmore cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở người mắc có thể lên tới 40-60%. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, có thể phát hiện sớm một số dấu hiệu điển hình của bệnh như: với trẻ em, khoảng 35% trường hợp nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.

Ở người lớn, đa số bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nếu người bệnh có bệnh cảnh và các triệu chứng kể trên thì phải đến ngay các bệnh viện để được khám và điều trị bệnh.

Đáng chú ý, ngay cả khi phát hiện ra bệnh thì việc điều trị bệnh này cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh kéo dài. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng. Theo bác sỹ Đỗ Duy Cường, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe người bệnh sẽ suy kiệt dần. Việc điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân khiến điều trị thất bại và bệnh nhân tử vong.

Bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng

Bệnh whitmore hiện đã lưu hành ở 80 quốc gia và Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong khu vực dịch tễ lưu hành cao của bệnh. Ước tính, hàng năm, tại nước ta có hàng chục nghìn trường hợp mắc, hàng nghìn ca tử vong do bệnh này. Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh nhân mắc chủ yếu là người dân ở khu vực nông thôn, thường nhập viện tại các bệnh viện tuyến dưới - đa số chưa được chẩn đoán chính xác từ sớm. Do đó, để có thể phát hiện sớm bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phải nâng cao nhận thức của người dân và nhân viên y tế, cải tiến kỹ thuật xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn tại các labo xét nghiệm và tăng cường phổ biến phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.