Sau thời gian tu hành tại núi Yên Tử, năm 1307, Trần Nhân Tông lên tu tại một am nhỏ trên núi Ngọa Vân; ngày 1 tháng 11 năm 1308, ngài an nhiên hóa Phật tại am Ngọa Vân.
Vị vua mang tâm hồn Phật
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại rằng: Khi mới sinh ra, thân tướng Phật Hoàng có màu vàng tía như sắc Phật. Nhận thấy điều kỳ lạ và đặc biệt ấy, vua cha Trần Thánh Tông đã đặt tên cho ngài là Kim Phật, sau đó mới đổi thành Nhật Tôn và sau cùng là Trần Khâm. Tuy là một người sống ở địa vị cao sang và quyền uy nhưng trong tâm luôn một lòng hâm mộ đạo Phật từ thuở nhỏ; đặc biệt đó là những chí hướng thâm sâu như các bậc đại sĩ xuất trần.
“Nếu không có tâm hồn của Phật ngầm chứa trong con người của ngài ngay từ khi mới sinh ra, thử hỏi có vị vua nào mà lại từ bỏ mọi danh gia vọng tộc để tìm đến cõi tu hành như ngài hay không. Điều đó cũng cho thấy ngài không chỉ có tâm của Phật mà còn là người được “lựa chọn”, hay nói đúng hơn đó là cái duyên đã chọn và đưa ngài đến với cõi Phật ngay từ thuở lọt lòng”, vị Trụ trì chùa Ngọa Vân, Đại Đức Thích Thanh Tiến lý giải.
Năm 1279, ngài chính thức lên ngôi Hoàng đế ở tuổi 21. Tuy ở địa vị cao và nắm quyền trị vì đất nước, nhưng ngài vẫn cố giữ mình được thanh tịnh để tu tập và chứng minh cho mọi người thấy được cái tâm thoát tục, từ đó dẫn dắt muôn dân còn chìm đắm trong mê muội thoát khỏi bể khổ bằng một tâm hồn hướng thiện. Bởi thế, những lúc rảnh việc quốc sự, ngài lại tìm đến chùa Tư Phước trong đại nội để đọc kinh niệm phật.
Đại Đức Thanh Tiến cho biết thêm, nhiều sách ghi lại rằng, bởi trong tâm luôn hướng tới cõi Phật, không chỉ những lúc tỉnh mà ngay cả trong mơ Phật Hoàng cũng gặp những điều từ bi. Trong một giấc ngủ trưa, ngài nằm mộng thấy trong khuôn viên giữa đại nội mọc lên một bông hoa sen vàng, trên đài sen có Đức Phật vàng ngự ở đó. Bất chợt, có một người nào đó đứng bên cạnh và hỏi ngài rằng: Ngài biết ông Phật này chăng? Là Đức Phật Biến Chiếu. Chỉ có những người thật sự có nhân duyên với Phật, mới nằm mộng thấy những điều kỳ lạ như vậy.
Am Ngọa Vân trước đây từng là nơi lưu giữ ngọc cốt và xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông |
Biết trước giờ viên tịch
Trong thời gian tu hành Phật Hoàng luôn để tâm tìm kiếm đệ tử có đủ đức, tài nhằm tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp và gìn giữ tông giáo Trúc Lâm. Bởi thế, trong một lần đi giảng đạo ở Nam sách, Hải Dương, ngài đã gặp được Đồng Kiên Cường, một chàng trai ở độ tuổi đôi mươi nhưng rất say mê Phật pháp. Nhìn thấy được tâm hồn từ bi, cũng như sự anh thông của Kiên Cường, ngài đã tích cực giác ngộ và đào tạo với hy vọng đây sẽ là người tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp của mình.
Sau khi được giác ngộ, Kiên Cường đã quyết định đi theo Phật Hoàng và được ngài đặt tên là Thiện Lai, sau này đổi là Pháp Loa. Ngoài ra, ngài còn tìm và dạy phật pháp cho nhiều đệ tử và phát huy những tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, khiến nhiều người tìm được chân lý của cuộc đời, thoát khỏi những bi thương, đau khổ hiện diện nơi trần thế.
Theo sách sử ghi lại, năm Đinh Mùi (1307), sau khi truyền giảng phật pháp cho đệ tử, Phật Hoàng rời núi Yên Tử và lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh núi Ngọa Vân. Sau một thời gian tu hành tại Ngọa Vân, ngày 19/10/1308 Phật Hoàng bảo thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu trên núi Yên Tử; truyền gọi đệ tử Bảo Sát đến gấp. Sau khi nhận được lời triệu gọi của Tổ Trúc Lâm, Bảo Sát ngày đêm lên đường cho kịp gặp.
Tuy nhiên, khi đến Doanh Tuyền bỗng thấy một vầng mây đen từ ngọn núi Ngọa Vân bay ngang qua núi Lỗi thì dừng lại. Một lúc sau, nước ở đâu bỗng dâng lên lai láng hai bên đường, ước cao đến vài trượng. Sau khi mây đen qua đi, nước rút xuống đệ tử Bảo Sát bỗng nhìn thấy hai con rồng xuất hiện, đầu như đầu ngựa, đặc biệt hai mắt của chúng sáng như sao; chúng xuất hiện trong tích tắc rồi biến mất…
Nghi có điều bất thường xảy ra, Bảo Sát vội vàng lên đường nhưng núi non hiểm trở, mãi đến ngày 21/10 mới đến được am Ngọa Vân. Sau khi trông thấy đệ tử, Phật Hoàng cười rồi bảo: Ngươi sao đến chậm thế? Ta sắp đi đây. Trong phật pháp có điều gì còn chưa tỏ thì hãy nói gấp đi. Sau khi giảng những điều cuối cùng cho đệ tử Bảo Sát, thì trời đất bỗng mù mịt tối tăm, gió bão nổi lên ầm ầm, muôn thú kêu gào quanh am.
Nhưng giữa đêm 1/11/1308 tự nhiên trời quang mây tạnh, sao sáng đầy trời. Phật Hoàng liền gọi đệ tử Bảo Sát lại mà rằng: Bây giờ là giờ gì? Giờ tý - Bảo Sát thưa. “Đã đến giờ ta đi đấy” - Phật Hoàng nói tiếp rồi Ngài nằm trên đài sư tử mà hóa.
Xá lợi Phật Hoàng bất ngờ bay lên…
Đại Đức Thích Thanh Tiến cho biết, tương truyền sau khi Phật Hoàng viên tịch, theo di nguyện của Ngài, đệ tử Pháp Loa đã rước ngọc thể lên đàn hỏa thiêu. Khi đó, ngọc thể của Phật Hoàng tỏa ra một mùi hương thơm ngát, cùng lúc trên bầu trời xuất hiện những tiếng nhạc lớn, và nhiều đám mây ngũ sắc tụ lại thành hình tròn che kín nơi hỏa thiêu. Sau khi hỏa táng, Pháp Loa dùng nước thơm tưới lên hỏa đàn và thu ngọc cốt của Phật Hoàng.
Điều kỳ lạ, trong khi thu ngọc cốt của Tổ Trúc Lâm, đệ tử Pháp Loa đã phát hiện hơn 500 hạt ngũ sắc lấp lánh; theo Phật giáo những hạt đó chính là xá lợi mà Phật Hoàng đã để lại cùng với ngọc cốt của người. Được biết, ban đầu Vua Trần Anh Tông không tin vào các viên xá lợi mà Phật Hoàng để lại; bất ngờ xá lợi của ngài bay lên ẩn vào bên trong áo của Hoàng tử Oanh (9 tuổi) và phát sáng, lúc này Vua Trần Anh Tông không còn nghi ngại về xá lợi nữa mà bật khóc và quỳ lạy xin tuân lệnh, sau đó thì ánh sáng cũng biến mất.
Sau đó, để lưu giữ ngọc cốt và xá lợi của Phật Hoàng, Vua Trần Anh Tông đã cho rước về lưu giữ tại bảo tháp Tư Phúc trong Cấm Thành Thăng Long. Tháng 9 năm 1310, ngọc cốt được đưa về an trí tại lăng Quy Đức (Thái Bình). Còn xá lợi của ngài được phân phát đi nhiều nơi. Bởi chính sự thiêng liêng ấy, Ngọa Vân đã trở thành thành địa của Phật giáo Trúc Lâm cho đến tận ngày nay.