Để đạt được mục tiêu 6,7% như quyết tâm của Chính phủ, 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%. Nhưng điều đó khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại một chu kỳ tăng trưởng nóng cũng với những hệ lụy không mong muốn cho nền kinh tế.
Khó đạt được tăng trưởng 6,7%
Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý II/2016, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đã lưu ý đến 2 sự kiện quan trọng tác động đến nền kinh tế: Anh rời khỏi EU và hiện tượng các chết hàng loạt tại biển miền Trung.
Báo cáo của VEPR lưu ý, trong quý II, lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây, chủ yếu đóng góp bởi nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng. Áp lực lạm phát đã không chỉ đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công mà còn bởi xu hướng tăng trở lại của giá dầu thô cũng như hàng hóa cơ bản khác.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế quý 2 tiếp tục gây thất vọng khi chỉ đạt 5,52%. Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong khi khu vực dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Khu vực khai khoáng có tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể. Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI đạt 5,19%, cao hơn mức tăng trong quý 1 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong năm 2015.
Cùng với đó, thu ngân sách tiếp tục khó khăn do hụt thu các nguồn thu chính. Điều này tạo sức ép buộc Chính phủ phải tăng cường các nguồn thu khác như cân đối ngân sách. “Quý I chúng tôi dự báo GDP năm nay 6,2- 6,3% nhưng, với những diễn biến này, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 6%, không thể lên được 6,7%, nếu không có tác động gì vào con số thống kê!”- TS Thành khẳng định.
Đồng tình quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ cho rằng không thể làm đẹp số thống kê khi khoảng cách từ 6% lên 6,7%. Dè dặt hơn, TS Vũ Đình Ánh chỉ bình luận “khó” đạt được tăng trưởng 6,7%. “Cái quan trọng không phải 6,7% có đạt được hay không mà để đạt được 6,7% hay áp sát 6,7% chúng ta phải làm như thế nào?”- TS Ánh đặt vấn đề.
Nới lỏng chính sách là sai lầm
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, TS Vũ Đình Anh phân tích, để đạt được tăng trưởng 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 7,6%. Giải pháp được Chính phủ đưa ra là tăng đầu tư để kích cầu. “Chúng ta kêu gào tái cơ cấu từ năm 2011, bây giờ tăng đầu tư, vậy toàn bộ thành quả tái cơ cấu bấy lâu nay đổ xuống sông xuống biển?”- TS Ánh lo ngại.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư của Nhà nước 6 tháng đầu năm tăng thấp nhất, chỉ 11%, trong khi vốn đầu tư khi vực tư nhân tăng cao nhất 17%, khu vực FDI tăng 15%, TS Ánh cho rằng hiện vốn đầu tư của Nhà nước đang tăng cao hơn GDP, nếu tiếp tục đẩy vốn nhà nước lên thì GDP cũng không tăng theo kịp, chưa kể lạm phát tăng, gây bất ổn vĩ mô.
“Bao giờ đầu tư cũng tăng dồn dập vào cuối năm cho đến khi có Quyết định 172 của Chính phủ. Bây giờ kịch bản là kích thích giải ngân thì chúng ta “ném” Quyết định 172 vào sọt rác à?”- TS Ánh phân tích. Theo chuyên gia này chưa vội kích thích giải ngân khi chưa trả lời được câu hỏi: Giải ngân có chậm không, vì sao chậm? “Đừng mang bài toán giải ngân ngân sách nhà nước để giải bài toán tăng trưởng!”- TS Ánh lưu ý.
Phân tích dư địa để tăng trưởng, theo TS Ánh, đầu tư khó tăng được nữa, xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng đã tăng “hết cửa” rồi, thấp là do giá thế giới. Về nông nghiệp, vẫn chưa rõ tác động của hạn mặn vùng ĐBSCL chỉ trong năm nay hay các năm sau vẫn chịu tác động, đặc biệt là tác độc của sự cố môi trường tại miền Trung… Duy chỉ còn chỉ số tiêu dùng còn dư địa nhưng vẫn chưa có câu trả lời vì sao dân Việt Nam không tiêu dùng nữa… Chốt lại quan điểm của mình, TS Ánh cho rằng phải nhìn vào cung chứ không phải vào cầu.
“Chúng ta đang sai lầm khi nới lỏng chính sách. Đây là điều rất nguy hiểm không những không tăng trưởng được mà còn gây bất lợi cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, FED, châu Âu cũng như Trung Quốc cũng không dám nới lỏng. Năm 2008- 2009 chúng ta làm sai, chữa mãi mới được. Bây giờ lại “ngựa quen đường cũ” ?”- TS Lưu Bích Hồ lưu ý.
Còn TS Thành ví von đầy hàm ý: “Nếu xe chúng ta chỉ chạy được 50km/h thì đừng có cố, dẫn đến nóng máy, hỏng xe, hay lao xuống ruộng. Lúc đó có lấy được xe lên thì cũng rất lâu…” để cảnh báo cho việc quyết định các chính sách kinh tế trong 6 tháng cuối năm.