Ngày 13/5 vừa qua, Tổng thống Venezuela Maduro đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi cả nước trong 60 ngày nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập nước này cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ cánh tả của ông. Cùng với đó, ông Maduro cũng gia hạn Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế mà ông áp dụng hồi tháng 1 năm nay trong bối cảnh giá dầu lao dốc, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Tuy nhiên, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bác bỏ sắc lệnh này.
Khan hiếm lương thực
Tại thị trấn Guarenas ở phía Đông Thủ đô Caracas, những hàng người nối dài trước một siêu thị được nhà nước bao cấp đã thể hiện sự giận dữ, thậm chí chạy theo những chiếc xe chở lương thực vì nó đã không được dỡ xuống để phân phát mà bị binh lính đưa đi.
Kể từ khi Tổng thống Venezuela ban bố tình trạng khẩn cấp, quân đội cùng với các ủy ban dân sự do chính phủ điều hành, đã đảm bảo rằng các gói thức ăn sẽ được chuyển đến tận nhà người dân nhằm cắt đứt các đường dây hoạt động “chợ đen”.
Tuy nhiên, Haydee Teran - một phụ nữ nội trợ 48 tuổi đứng xếp hàng nhiều giờ đồng hồ tại siêu thị với hy vọng có thể mua một số nhu yếu phẩm khan hiếm - cho biết, giới chức Guarenas đã ra lệnh rằng một nửa số lương thực cứu tế sẽ đưa vào các cửa hàng và chợ thay vì phân phối cho người dân địa phương.
Trả lời Hãng AFP, bà Teran vừa nói vừa chỉ vào một đoạn phim quay về vụ việc này mà bà đã đăng tải trên trang Twitter của mình: “Sắc lệnh đó không giải quyết được gì cả. Những gì người dân muốn là lương thực. Chưa xảy ra vụ cướp bóc nào, nhưng chúng tôi đã chặn các con phố lại để biểu tình”. Trong khi đó, Yanina Diaz - một người cũng đứng xếp hàng cùng bà Teran trước cửa một tiệm bánh - cho biết, giới chức đặc biệt đề phòng trước các vụ việc tại Guarenas. Thị trấn này là một trong những nơi đầu tiên chứng kiến bạo lực xảy ra trong các vụ bạo loạn bùng phát tại Venezuela vào năm 1989 do giá xăng tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. |
Nền kinh tế dần kiệt quệ
Nhiều người dân Venezuela đã giận dữ đổ lỗi cho chính phủ gây ra những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro cho biết ông đang chiến đấu trong một “cuộc chiến kinh tế” mà những “kẻ phát xít” tại Venezuela tiến hành với sự “chống lưng” của “đế quốc” Mỹ.
Kể từ khi ông Maduro ban bố sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, căng thẳng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ ngày càng dâng cao. Phe đối lập hiện kiểm soát Quốc hội và đang nhắm tới việc hất cẳng tổng thống thông qua một cuộc kêu gọi trưng cầu ý dân, đã dẫn đầu các cuộc biểu tình trên quy mô cả nước trong ngày 18/5. Migdalia Lopez, 51 tuổi, là một người biểu tình trên đường phố, song vẫn phải dừng chân để xếp hàng mua bánh mỳ, giận dữ: “Ông ấy định làm gì với cái sắc lệnh khẩn cấp này thế? Điều ông ấy cần làm là đưa lương thực vào thị trường”.
Không giống như Teran và Diaz, Lopez tự nhận mình là một người từng ủng hộ cuộc “cách mạng” xã hội mà nhà lãnh đạo quá cố Hugo Chavez khởi xướng và ông Maduro tiếp quản. Bà nói: “Ở Guarenas có rất nhiều người đã từng ủng hộ cách mạng. Nhưng điều người dân cần lúc này không phải là cách mạng nữa, mà là lương thực. Người dân đang ngày một kiệt sức vì đói. Chúng tôi không còn sức để xếp hàng, và chỉ với một hộp có vài quả trứng và vài cái bánh mỳ thì chúng tôi thực sự đã quá mệt mỏi rồi”.
Mặc dù được thiên nhiên ưu ái với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, song quốc gia Nam Mỹ đang dần trở thành một nền kinh tế kiệt quệ. Năm ngoái, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước sụt giảm 5,7% và năm nay dự kiến sẽ giảm đến 8%. Tình trạng lạm phát phi mã đang từng ngày hủy hoại giá trị của đồng nội tệ bolivar. Sau khi chạm mức 180% vào năm 2015, lạm phát năm nay dự kiến sẽ vọt lên tới 700%, mức cao nhất trên toàn cầu. Trong khi chính phủ vẫn khăng khăng với tỉ giá hối đoái chính thức là 10 bolivar đổi 1 USD thì tỷ giá ở thị trường “chợ đen” mà các công ty đang áp dụng để mua và bán hàng hóa là 1.000 bolivar đổi 1 USD.
Một số vụ cướp bóc đã xảy ra ở vài nơi trên cả nước, song hầu hết người dân đều phải gánh chịu những nỗi khổ do tình trạng bất ổn đang ngày càng nghiêm trọng. Người biểu tình hầu hết chọn cách chặn đường và tung các đoạn băng, hình ảnh thể hiện sự bất mãn của dân chúng lên các mạng xã hội. Marco Ponce, người đứng đầu tổ chức Quan sát Xung đột Xã hội Venezuela nói với AFP rằng tổ chức phi chính phủ này của ông đã ghi nhận 107 vụ cướp bóc trong vòng 3 tháng đầu năm nay, trong khi có hàng trăm người biểu tình đã xuống đường”.
Theo một cuộc thăm dò của Công ty Datanalisis, 70% người dân Venezuela muốn thay đổi chính phủ. Trong số này có bà Lopez, song bản thân bà cũng không muốn nhìn thấy các nhân vật hiện nay ở phe đối lập lên cầm quyền, bởi trong số họ có những người từng thể hiện sự tham lam và ngạo mạn khi nắm quyền điều hành trước thời của ông Chavez. Bà nói: “Tốt nhất là để người khác lên điều hành đất nước, nhưng chắc chắn không phải những tên bẩn thỉu đáng khinh ấy”.
Nguyên nhân do đâu?
Từ một góc nhìn khác, BBC cho rằng, những bất ổn ngày một nghiêm trọng ở Venezuela có nhiều nguyên nhân.
Venezuela phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ do nước này có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Dầu mỏ chiếm tới 95% thu nhập xuất khẩu của Venezuela và đã được sử dụng để tài trợ cho một số chương trình xã hội hào phóng của chính phủ. Song giá dầu Venezuela bị giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 88 USD/thùng năm 2014 xuống còn 45 USD/thùng năm 2015; thậm chí, ngày 13/5, giá còn rớt xuống 35 USD/thùng. Giá dầu thấp đồng nghĩa với việc chính phủ không nhiều tiền như trước. Điều đó trở thành vấn đề bởi nền kinh tế Venezuela không đa dạng. Ngoài dầu mỏ, đất nước này trồng trọt, sản xuất rất ít và từ xưa đã phụ thuộc vào hàng nhập khẩu để cung cấp cho người dân. Thiếu tiền đồng nghĩa với khó khăn trong việc nhập khẩu các loại hàng hóa người dân cần và muốn.
Cảnh thiếu thốn trong một bệnh viện ở Venezuela. |
Thực tế chính phủ có ít tiền để nhập khẩu hàng hóa là nguyên nhân lớn nhất của vấn đề, song còn có cả các yếu tố khác nữa. Tổng thống Hugo Chavez, người lãnh đạo Venezuela từ năm 2002 tới năm 2013 đã đưa ra sự kiểm soát giá đối với một số mặt hàng cơ bản năm 2013 nhằm đảm bảo các hàng hóa thiết yếu phù hợp với túi tiền người nghèo ở Venezuela. Giá các mặt hàng như đường, cà phê, sữa, gạo, bột và dầu ăn được áp đặt. Các nhà sản xuất than phiền quy định mới khiến họ thua lỗ. Một số từ chối cung cấp hàng cho các cửa hàng của chính phủ, nơi bán các hàng hóa bị kiểm soát giá. Những người khác quyết định dừng sản xuất các mặt hàng đó. Kết quả là đất nước càng phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu.
Với nhiều mặt hàng khó kiếm, giá cả trở nên tăng vọt. Một “chợ đen” hình thành với đủ các loại từ hàng thiết yếu tới cả đôla Mỹ. Người mua hàng cho biết các túi bột ngũ cốc thường dùng để làm các món bánh ngũ cốc điển hình của Venezuela có giá cao gấp nhiều lần so với giá do chính phủ đặt ra. Theo giới phân tích, tình trạng lạm phát tồi tệ còn bởi hệ thống tỷ giá phức tạp của Venezuela. Có nhiều mức khác nhau để mọi người mua đôla Mỹ tùy thuộc vào việc họ dùng tiền đó để làm gì, và các mức ưu đãi được dành cho những người nhập khẩu hàng thiết yếu và thực phẩm. Số lượng tiền USD người Venezuela có thể mua một cách hợp pháp cũng bị giới hạn, khiến những ai muốn mua hơn phải tới “chợ đen”, nơi giá đôla tiếp tục bị đẩy lên cao hơn so với đồng nội tệ.
Khi những hàng hóa được bao cấp ngày càng trở nên khan hiếm, nhiều người Venezuela buộc phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua nhu yếu phẩm, tình hình thiếu thốn càng trở nên tồi tệ bởi “cuộc chiến kinh tế” đang được tiến hành chống lại nước này; một số người đang tích trữ hàng hóa trong khi những người khác lại mua nhiều hơn nhu cầu để bán lấy lãi. Theo Chính phủ, có tới 40% hàng hóa được bao cấp đang được bán lậu sang nước láng giềng Colombia, nơi chúng được bán với lợi nhuận khủng. Tháng 8/2015, ông Maduro ra lệnh đóng cửa một phần biên giới với Colombia. Bất chấp các biện pháp này, tình trạng khan hiếm trở nên kinh niên và các dòng người xếp hàng vẫn tiếp tục. Một số người dân ở Venezuela thậm chí còn cho biết họ bị đói bởi gặp khó khăn trong việc kiếm được thực phẩm.
“Té nước theo mưa...”
Lợi dụng sự bất ổn, các thế lực bên ngoài và lực lượng cánh hữu ở Venezuela phát động chống lại đất nước Mỹ Latinh này. Các chính trị gia đối lập đã đưa ra một bản kiến nghị với 1,85 triệu chữ ký yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý về việc phế truất Tổng thống Maduro. Trước đó, trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12/2015, các đảng đối lập đã giành được đa số ghế tại Quốc hội Venezuela nhờ cam kết sẽ hạ bệ Tổng thống Maduro trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2019. Sau khi giành được thắng lợi, phe đối lập đã cố làm điều này bằng nhiều cách, như đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm rút ngắn nhiệm kỳ của ông Maduro từ 6 năm xuống còn 4 năm, song đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ.
Giờ thì các nhóm đối lập kêu gọi người dân tuần hành tới trụ sở Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) để yêu cầu cơ quan này bắt đầu tiến trình xác minh chữ ký trong bản kiến nghị trưng cầu dân ý. Bản kiến nghị được đưa ra ngày 2/5 và phe đối lập lo ngại CNE sẽ trì hoãn việc tiến hành trưng cầu dân ý, trong khi thời gian là vấn đề then chốt.
Theo Hiến pháp Venezuela, nếu một tổng thống bị cách chức trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ thì phó tổng thống sẽ tiếp quản vị trí. Để có thể tiến hành bầu cử, việc trưng cầu dân ý phải được tổ chức trước ngày 10/1/2017. Phe đối lập muốn tổ chức bầu cử bởi Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz là một thành viên trung thành trong đảng Xã hội Thống nhất của Tổng thống Maduro...