Lễ hội Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc cho người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong bản đi làm ăn, công tác xa về với gia đình, bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Đồng Văn. |
Năm nay, thời tiết thuận lợi, đồng bào dân tộc Mông ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, được đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, phấn khởi. Sau một năm lao động vất vả, với bộn bề lo toan cuộc sống, ngày Tết cổ truyền là lúc mọi người được nghỉ ngơi, hòa mình vào dòng người đi chơi Tết.
Anh Lê Minh Yên, du khách ở Mỹ Đình-Hà Nội, chọn Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm dừng chân trong hành trình du xuân cùng gia đình. Anh Yên cho biết: “Lần đầu tiên đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những giá trị ý nghĩa trong lễ hội Gầu Tào của bà con dân tộc Mông, được tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống, nguyên sơ, đặc sắc thông qua lễ hội.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có dịp trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài mục đích du lịch, còn có thể tiếp cận đầy đủ hơn các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây”.
Cây nêu luôn là biểu tượng chính trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông, nó gắn liền với sự linh thiêng do vậy, cây nêu luôn được chọn rất cẩn thận, phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn, đặc biệt là không chọn cây đổ.
Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần để xin chặt cây sau đó mới được chặt. Khi chặt không được để cây đổ xuống đất, hướng của ngọn cây phải ngả về hướng Đông, trên đường khiêng về đem đi chôn cũng không được đặt cây xuống đất hoặc người khác bước quả.
Một nghi lễ cúng trong lễ hội |
Ông Giàng Văn Thàng, Chủ tịch UBND xã Sà Phìn cho biết: "Việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu là để cầu trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa
Phần hội của lễ hội Gầu Tào là các tiết mục văn nghệ dân gian và không thể thiếu các hoạt động thể thao và trò chơi truyền thống của người dân tộc Mông như bắt vịt, nhảy gậy…
Ngoài ra, lễ hội này còn là để tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, tăng cường quảng bá với du khách về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của huyện Hoàng Su Phì./.