Thế mà, ở xã hội hiện tại của chúng ta lại xuất hiện không ít các trường hợp nông nổi “Vẽ rắn thêm chân” kể cả những quy định có tính nghiêm túc nhất hoặc cả các công trình khoa học. Điển hình nhất và dẫn chứng mới đây nhất là công trình cải tiến “Tiếq Việt” khiến dư luận hết sức phản đối và gây vạ lây cho những người ủng hộ việc “vẽ rắn thêm chân” này. Ngành Giáo dục của chúng ta có lẽ là người tiên phong trong lĩnh vực này từ cải tiến sách giáo khoa đến chương trình hoặc thay đổi các thi cử, giảng dạy truyền thống.
Mới đây nhất là đưa vào dự thảo Luật Giáo dục có nội dung sinh viên tham gia vào Hội đồng trường mà nhiều ý kiến cho rằng đó là việc vô ích, chỉ khiến bộ máy thêm cồng kềnh. Còn nhớ, cách đây hơn 2 năm, định ra quy chế của trường Tiểu học chức vụ Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh được tấn phong thay cho Lớp trưởng, theo sau đó là các Trưởng ban, có Trưởng ban đối ngoại với các em lớp 1 và coi đó là phát huy dân chủ trường học. Cái hám danh được hướng dẫn, thực tập từ lúc còn bé tý, vắt mũi chưa sạch.
Lĩnh vực pháp luật cũng không tránh khỏi tình trạng “vẽ rắn thêm chân” khi các “luật con” thi nhau chèn ép “luật mẹ”. Tiếp nối các quy định “ngực lép không được lái xe” (trong khi bệnh “lệch cơ Delta” hơi bị nhiều), cấm quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ, cấm tặng quà và hạn chế kính thưa, phạt đến 1 triệu đồng nếu bán thuốc lá không có Giấy phép kinh doanh,... là đến chuyện đưa tên các thành viên gia đình vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở. Những quy định trên trời đó rất khó thực thi lại đụng chạm đến các quy định khác, gây rắc rối và làm phiền nhân dân mà cũng chẳng giúp ích gì cho việc quản lý xã hội được tốt hơn, thậm chí còn ngược lại.
“Vẽ rắn thêm chân” còn khá thông dụng trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, xuất hiện ngày càng nhiều các cục, ban, phòng và nhân sự, thậm chí còn “vẽ thêm” các chức vụ không hề có trong văn bản quy phạm pháp luật như “hàm vụ trưởng”!
Điểm lại vài trường hợp “vẽ rắn thêm chân” như vậy để thấy tình trạng này khá phổ biến trong tư duy và hành động của không ít người, kể cả những người làm các việc được coi là nghiêm túc nhất. Ứng xử như vậy thì có được coi là văn hóa không?