Về Hội An nghe điệu bài chòi à ơi sâu lắng

Về Hội An nghe điệu bài chòi à ơi sâu lắng
(PLO) -Ở Hội An (Quảng Nam), Bài Chòi vẫn cất lên mỗi ngày. Chỉ với 1 câu ca mà biết bao nhân tình thế thái được phô diễn khiến loại hình dân gian này được xem như “linh hồn” phố Hội.

Nét xưa hồn phố Hội

Tháng 8. Nắng thu trải vàng trên mọi ngả đường. Tiết trời đã bớt nóng nên không khí lễ hội hè thu càng xôm tụ. Không cần phải sân khấu hoành tráng, chỉ với một khoảnh đất nhỏ ven sông Hoài, người dân nơi đây cất lên những lời ca, điệu hò đối đáp mộc mạc nhưng sâu lắng. Nghệ nhân Lương Đáng (SN 1950, ngụ TP. Hội An) tiếp chuyện bằng câu à ơi mượt mà khiến nhiều người tấm tắc khen, quả không hổ danh “anh hiệu phố cổ”.

Ông Đáng cho biết, không ai nhớ điệu hát đối đáp bài chòi có từ bao giờ. Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, bài chòi ra đời gắn liền với quá trình lao động sản xuất. Trong những buổi canh giữ hoa màu ngồi trên chòi gác, các thanh niên trai tráng đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò, giữa chòi này với chòi khác.

Lâu dần lan truyền ra khắp làng xóm, trở thành trò chơi phổ biến. Thông thường, người dân dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Về cách thức chơi, ông Đáng diễn giải, vào cuộc, anh hiệu (người chủ xướng trò chơi) đọc các câu trên lá bài, còn gọi người hô thai. Các câu thai như: Đi đâu cọ xiểng đi hài. Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không (tức thằng Trò)…được rút ra và xướng tên. Chòi nào trúng tên con bài sẽ gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. 

Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi “tới”… Theo ông Đáng, bài chòi hấp dẫn người chơi không chỉ bởi hình thức đơn giản, gần gũi, mà còn ở cách thể hiện chân thật, lời hát gần gũi, nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân ở miền quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ này. Trong chiến tranh, người dân còn dùng bài chòi để ca ngợi tinh thần yêu nước hoặc ra ám hiệu mỗi khi có địch càn quét làng quê. 

Với riêng nghệ nhân Lương Đáng, bản thân có gần 50 năm hô hát. Đến nay, bài chòi như đã ngấm vào máu thịt ông. Dân gốc Hội An, từ nhỏ đã được bà ngoại bồng bế đi xem bài chòi, tiếng hô, lời hiệu, câu à ơi như lời ru ăn sâu vào tâm thức cậu bé Đáng. Đến năm 15, ông Đáng đã hát bài chòi thuần thục trong hội làng. Vì bài chòi khi xưa được nhiều người ưa thích nên ông càng có điều kiện học tập, nghiên cứu rồi trở thành anh hiệu chính danh Lương Đáng. 

Tuy nhiên, những năm 90 của thế kỷ trước, bài chòi có nguy cơ thất truyền và không được nhiều người biết đến. Cuộc sống xô bồ hơn, Tết cũng hiu vắng hội chòi. Quyết không để hồn xưa mai một, ông Đáng gõ cửa chính quyền, các cao nhân ở TP. Hội An với mong muốn phục dựng lại trò chơi dân gian này.

Anh Hiệu, chị Hiệu hô hát bài chòi ở Hội An
Anh Hiệu, chị Hiệu hô hát bài chòi ở Hội An

Đưa bài chòi vươn tầm quốc tế

Tối tối, anh hiệu Lương Đáng cùng những người tâm huyết sửa soạn hội chòi ven sông Hoài. Đến năm 1996, dưới sự góp sức của ông Đáng, Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An ra đời, đánh dấu bước ngoặt của nghệ thuật bài chòi được đưa lên sàn diễn, mở rộng không gian trình diễn hơn trước. Gần cuối năm 1998, sự kiện “Đêm phố cổ” Hội An tiếp nối và bài chòi xuất hiện trong không gian này như một sự kiện chính. 

Không manh mún như nhiều nơi khác, Hội An có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia hơn 30 chương trình hằng năm. Các cụ cao niên, ai cũng thuộc làu vài ba câu hô bài chòi. 

Không chỉ thế, bài chòi được kết nối với cả các thế hệ học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2004, Trung tâm VH-TT Hội An đã phối hợp cùng phòng giáo dục thành phố đưa dân ca, bài chòi vào trường học. Bài chòi còn được người Hội An đưa ra quốc tế như sang Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hungary, Nhật… Đến nay, nói đến Tết Hội mà không nhắc đến hội bài chòi xem như chưa biết về phố cổ. 

Khi hát bài chòi, ông Đáng và nhiều người cũng gặp không ít những tình huống thú vị. Ông Đáng kể một kỷ niệm khó quên vào năm 2002. Khi đó, ông có hát một câu bài chòi rất quen thuộc mà bất cứ người miền Trung nào cũng biết: “Con cu ăn đậu ăn mè/Ăn chi của chị, chị đè con cu”. Nhưng có một cô gái người miền Nam nghe xong liền có ý kiến, lời hát “con cu” là hát tục. 

Ông Đáng và những người tham gia liền giải thích rõ, con cu vốn tên gọi của con chim gáy có lông, có cánh, ăn (hạt) đậu, ăn (hạt) mè, có gì đâu mà tục. Khi hiểu rõ câu hát rồi, ai cũng cười. Mỗi miền có những kiểu nói riêng. Ví dụ như bài chòi Quảng Nam hay có những kiểu nói lái, nói ẩn dụ để gây cười, người nghe không hiểu cứ nghĩ bậy bạ, hát tục.

Theo ông Trần Đinh Châu, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao TP. Hội An, bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian chỉ có ở Trung Trung Bộ, nên dấu ấn văn hóa vùng miền thể hiện rất rõ, đặt biệt ở giọng nói.

Hiểu giá trị như vậy, các tỉnh miền Trung ngày nay đang cố công lưu giữ, phục dựng lại nghệ thuật dân gian bài chòi đúng nghĩa của sự mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư, hay chí ít cũng lập những hội bài chòi ngày Tết cho nhân dân vui chơi. 

Không chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh lao động, thực tế bài chòi còn lên án thói hư, tật xấu vừa sâu cay, vừa dí dỏm lắng đọng trong lòng người nghe. Ông Châu đơn cử câu hát đầy ý vị: “Xu xoa chị bán mấy đồng. Chị ngồi để lộ cái mồng chị ra. Con quạ hắn tưởng bánh đa. Hắn đớp một miếng, chị la qướ trời”. Không những thế, chính những anh hiệu, chị hiệu quanh năm theo hát bài chòi cũng đúc rút cho mình nhiều lẽ đời qua từng câu hát.

Ông Châu cho biết, mới đây chính quyền các tỉnh miền Trung cùng nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đang trong quá trình làm hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể thế giới… Khi điệu bài chòi vừa vang lên, người nghe cứ thế trở về với không gian ấu thơ, về niềm kí ức cũ mờ xa ngái nhưng đong đầy kỉ niệm ấm áp. Bài chòi theo đó sống thêm cuộc đời phố… 

Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến có 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v… vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau. 

Bộ bài gồm 3 pho gồm: Pho văn, pho vạn và pho sách. Pho văn có các con bài, như ông ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối. Pho vạn có bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều. Pho sách có ông Tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều.

 Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.

Tin cùng chuyên mục

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.

Đọc thêm

'Tiếng hát Hà Nội 2024' lan tỏa thanh âm của tình yêu Hà Nội

Cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương – đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

MC Cát Tường đề nghị xử lý một số trang tin lấy tên mình 'giật tít câu view' để lừa tiền

Diễn viên - MC Cát Tường
(PLVN) - MC Cát Tường và nhà sản xuất “Bạn muốn hẹn hò” mời luật sư và Thừa phát lại lập vi bằng một số trang tin điện tử, fanpage, facebook, youtube… có hành vi “giật tít câu view”, làm sai lệch thông tin, gây hoang mang dư luận liên quan vụ MC cảnh báo có kẻ gian sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo số tiền lớn.

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film
(PLVN) - Giải thưởng Silvana S Film là giải thưởng tôn vinh những bộ phim tài liệu xuất sắc về môi trường và giới trẻ, thuộc khuôn khổ chương trình LENScape: Documentary Shorts from Southeast Asia. Năm nay, Việt Nam tham gia Giải thưởng Silvana S Film với bộ phim tài liệu ngắn “Thư gửi mẹ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất với đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Đắm say với “Tình ta Hà Tĩnh”

Cảnh đẹp Hà Tĩnh được nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh đưa vào trong ca khúc "Tình ta Hà Tĩnh) (ảnh trong MV).
(PLVN) -  Sau 12 năm ấp ủ, nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh cho ra đời ca khúc mang tên “Tình ta Hà Tĩnh”. Với âm hưởng dân ca xứ Nghệ, ca khúc tôn vinh đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các đặc sản biển rừng, văn hóa phi vật thể (Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm)... và một tình yêu nồng nàn với mảnh đất nơi đây.

Trao giải Cuộc thi 'Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa'

Các tác phẩm hội họa đạt giải thưởng cao (ảnh P.V)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa” là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024

BTC thông tin về Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024 là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.