Kim Tử Long là một trong những tên tuổi “gạo cội” của sân khấu cải lương. Bên cạnh đó, anh còn đóng vai trò MC, đạo diễn, đào tạo thế hệ trẻ, đồng thời cũng là giám khảo. Dù có hơn 4 thập kỷ gắn bó với sân khấu, anh vẫn còn hừng hực lửa nghề. “Tôi luôn nghĩ mình như một nghệ sĩ trẻ, muốn được hát, có những vai diễn hay và được đứng trên sân khấu trình diễn cho khán giả xem” - anh tâm sự.
Trò chuyện trong chương trình “Chuyện tối cùng sao”, Kim Tử Long cho biết, trong suốt sự nghiệp của mình, anh hóa thân vào rất nhiều nhân vật khác nhau. Tuy nhiên, vai diễn Lục Vân Tiên trong vở kịch “Kiều Nguyệt Nga” để lại ấn tượng sâu sắc nhất và là một cột mốc quan trọng giúp sự nghiệp anh thăng hoa hơn, khán giả yêu thương và được sự công nhận của các bậc tiền bối.
Kim Tử Long chia sẻ, mỗi lần diễn vai Lục Vân Tiên, anh đều cảm nhận được một cảm xúc mới mẻ, như lần đầu tiên đứng trên sân khấu. Anh cho biết, đây không chỉ là một vai diễn mà còn là một lời nhắn nhủ từ người thầy của mình - cố nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há, người mà anh thường gọi là má Bảy. NSND Phùng Há không chỉ là người thầy mà còn là người đặt cho anh cái tên “Kim Tử Long” với ý nghĩa sâu sắc.
NSND Phùng Há là người đặt nghệ danh Kim Tử Long cho nam nghệ sĩ. Ảnh: NSX |
Khi được nữ nghệ sỹ đặt nghệ danh, Kim Tử Long về nhà hỏi cha thì được giải thích về ý nghĩa sâu sắc của cái tên: “Kim là vàng, Long là rồng, còn Tử là con. Tình phụ tử, tình mẫu tử. Má Bảy muốn con là một con rồng vàng, bay cao trên nền nghệ thuật" . Khi hiểu được ý nghĩa cái tên, anh vô cùng xúc động. Dù thời gian trôi qua, có nhiều thay đổi, nhưng nghệ sĩ Kim Tử Long vẫn luôn giữ gìn và trân trọng cái tên mà người thầy đã đặt cho: “Dù cho vật đổi sao dời, có nhiều người góp ý nhưng tôi vẫn giữ cho tới bây giờ” .
Với thế hệ nghệ sĩ trẻ, Kim Tử Long trân trọng tài năng và sự nỗ lực của thế hệ trẻ khi lựa chọn theo đuổi nghệ thuật cải lương trong thời đại 4.0 đầy cám dỗ. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ nỗi lo về việc thiếu sự đào tạo bài bản cho các bạn trẻ: “Các bạn trẻ bây giờ, rất là tài năng và họ có một nỗ lực rất lớn, dám từ bỏ tất cả mọi cám dỗ, mọi nghệ thuật khác để đi theo cái con đường sân khấu cải lương. Đó là điều tôi rất là ngưỡng mộ và phục các bạn. Nhưng các bạn thiếu sự đào tạo, đào tạo đó qua bài bản là một lẽ, nhưng thực hành nó mới là cái chính. Các bạn chỉ là hát theo bản năng”.
Theo nam nghệ sĩ, quá trình đào tạo diễn viên cải lương giữa các thế hệ có nhiều khác biệt. Anh cho rằng, thế hệ đi trước được đào tạo bài bản hơn, có nhiều thời gian để rèn luyện và thấm nhuần tinh hoa của nghệ thuật. Trong khi đó, thế hệ trẻ hiện nay thường học theo kiểu thời vụ, tập trung vào từng vai diễn trong thời gian ngắn, dẫn đến việc thiếu kinh nghiệm và sự trải nghiệm để hoàn thiện vai diễn. “Ngày xưa chúng tôi tập một vở diễn ít nhất từ 4 tới 5 tháng mới ra một vở diễn. Bây giờ, có một tuần lễ là phải xong một vở hoặc 10 ngày là phải xong một vở, thì làm sao mà vừa thuộc lời vừa nắm tâm lý, trải nghiệm vai đó trên sân khấu được”.
Anh lo nhiều bạn trẻ theo cải lương hiện nay thiếu sự đào tạo bài bản. Ảnh: NSX |
Để khắc phục tình trạng này, Kim Tử Long luôn tâm niệm phải truyền đạt những kinh nghiệm quý báu mà mình đã tích lũy được trong suốt sự nghiệp. Anh bộc bạch: “Tôi gửi gắm lại cho các bạn bằng những kinh nghiệm tôi có được sau 40 năm gặt hái. Khi mà tôi nói, tôi chỉ nói bằng trái tim của mình cho các bạn nghe, chỉ trọng tâm của vai diễn đó và truyền lại bằng kinh nghiệm của tôi trong vở diễn đó”.