Tro tàn rực rỡ - Liên hoan phim Ba châu lục
Cuối năm 2022, sau khi ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Tokyo, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận tin vui khi giành giải cao nhất Montgolfière d’or tại Liên hoan phim Quốc tế Ba châu lục, được tổ chức tại Nantes, Pháp.
Ban giám khảo cho biết: “Chúng tôi trao giải thưởng cho bộ phim này bởi vì vẻ đẹp nên thơ và thế giới vừa lung linh vừa mê hoặc mà phim mô tả, cũng như hình ảnh đáng yêu của ba nhân vật chính”.
“Tro tàn rực rỡ” là tác phẩm chuyển thể từ hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mực trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, xoay quanh cuộc đời của những con người ở xóm Thơm Rơm.
Với nhiều chất liệu điện ảnh và văn hóa của vùng sông nước miền Tây, phim xoay quanh chuyện tình yêu của ba người phụ nữ với những người đàn ông nhiều tổn thương của họ. Phim có sự tham gia của các diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling, Lê Công Hoàng, Phương Anh Đào, Quang Tuấn và NSƯT Hạnh Thúy.
Một cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”. Ảnh: NSX |
Bên trong vỏ kén vàng - Liên hoan phim Cannes
Gây tiếng vang lớn vào mùa hè 2023, “Bên trong vỏ kén vàng” đã mang về cho đạo diễn Phạm Thiên Ân giải thưởng Camera d’Or dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất được trình chiếu tại Liên hoan phim danh giá nhất hành tinh này.
Đây là ước mơ của rất nhiều đạo diễn độc lập trên khắp thế giới, bởi một đạo diễn chỉ có thể đạt được giải Máy quay vàng một lần trong cuộc đời. Bên cạnh đó, “Bên trong vỏ kén vàng” cũng nhận giải thưởng tại nhiều liên hoan phim khác trên thế giới.
Bộ phim theo chân người đàn ông tên Thiện trên hành trình đưa linh cữu của chị dâu về quê ngoại, mang theo đứa cháu trai sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Trở về quê hương, Thiện bắt đầu tìm kiếm người anh đã mất tích nhiều năm trước để trao lại. Giữa khung cảnh của vùng nông thôn Việt Nam, hình bóng quá khứ, tuổi trẻ của Thiện cùng gia đình dần trở lại, khiến anh bắt đầu đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đức tin của chính mình.
Phim “Bên trong vỏ kén vàng” từng gây tiếng vang vào mùa hè năm 2023. Ảnh: NSX |
Cu li không bao giờ khóc - Liên hoan phim Berlin
Tại Liên hoan phim Berlin 2024, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân - “Cu li không bao giờ khóc” đã xuất sắc được xướng tên tại giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc. Bộ phim nằm trong hạng mục Panorama - trình chiếu những bộ phim đặc sắc mang phong cách độc đáo, giới thiệu những nhà làm phim trẻ, tại LHP Berlin 2024.
Phim kể về bà Nguyện từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế là con culi của người chồng qua đời. Bên cạnh việc đối mặt với quá khứ tưởng như chôn chặt, bà Nguyện lo lắng cho tương lai của người cháu gái, khi cô kết hôn vội vã do lỡ có thai với bạn trai.
Phim sử dụng lăng kính độc đáo nhìn vào cuộc đời của những con người thuộc nhiều thế hệ, nhưng đặc biệt là nhân vật chính - người phụ nữ ở một thế hệ đã “cũ”, nhưng mang chiều sâu tâm hồn.
“Cu li không bao giờ khóc” |
Mưa trên cánh bướm - Liên hoan phim Venice
“Mưa trên cánh bướm” là tác phẩm tiếp theo điền tên điện ảnh Việt lên bản đồ những Liên hoan phim danh giá trên thế giới.
Bộ phim có màn ra mắt xuất sắc khi thắng 2 giải tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81, bao gồm giải Circolo del Cinema Verona cho phim sáng tạo nhất - do các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi chấm - và giải cao nhất của hạng mục này - Iwonderfull Grand Prize cho phim hay nhất. Bên cạnh đó, phim cũng chinh chiến tại gần 20 Liên hoan phim lớn nhỏ trên toàn cầu và giành về nhiều giải thưởng quan trọng khác.
“Mưa trên cánh bướm” (khởi chiếu vào ngày 3/1/2025) là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Dương Diệu Linh, xoay quanh câu chuyện của bà Tâm - một người phụ nữ trung niên làm công việc điều phối tiệc cưới. Tình cờ phát hiện chồng ngoại tình trên sóng truyền hình, bà Tâm tìm đến một thầy cúng với mục đích đưa chồng “trở về”, nhưng lại vô tình đánh thức một thế lực đáng sợ trong chính căn nhà của mình.
“Mưa trên cánh bướm” lấy bối cảnh chuyển giao giữa các thế hệ, tư tưởng và cả văn hóa. Ảnh: NSX |
Kết hợp giữa các yếu tố hài đen, giả tưởng và kinh dị, tác phẩm của đạo diễn Dương Diệu Linh mang đến góc nhìn thú vị về cuộc sống của những người phụ nữ trung niên trong bối cảnh chuyển giao giữa các thế hệ, tư tưởng và văn hóa. Nhấn mạnh sự thiếu giao tiếp tạo nên bi kịch gia đình, bộ phim cũng sẽ dẫn dắt khán giả tìm ra “thủ phạm” thực sự khiến người phụ nữ đau khổ.