Bức phù điêu độc nhất vô nhị
Vua Pô Rômê trị vì vương quốc Chămpa (1627 – 1651) là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm như: dung hòa sự mâu thuẫn giữa cộng đồng người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bàlamôn) và cộng đồng người Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo cũ). Không chỉ dừng ở đó, vua Pô Rômê còn có nhiều công trạng khác trong mọi lĩnh vực như: Phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao và văn hóa... Với công lao như vậy nên khi mất đi được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần.
Phù điêu Tượng vua Pô Rômê hiện được lưu giữ tại tháp Pô RôMê. Di tích này được xây dựng ngọn đồi dốc “Bôn A Cho”, nằm về phía Tây thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Theo sử liệu từ Ban quản lý Di tích tỉnh Ninh Thuận, Tháp Pô RôMê được xây dựng để thờ vua Pô RôMê.
Tượng vua Pô Rômê được đặt trong điện thờ có chiều cao 1,2m, được tạc thành phù điêu trước một tấm kut (đá mộ của người Chăm) hình cung nhọn, có trang trí những hình nổi nhỏ sau tượng. Nhà vua được thể hiện nửa người, đầu đội một mũ tế có băng nhỏ bằng kim loại, xuất hiện giữa hai chú bò nhỏ nằm.
Bức tượng có 8 tay, 2 tay chính úp lên bụng. Các tay khác đưa lên cao và gắn vào vai. Mỗi bàn tay cầm một vật là biểu trưng chính của thần Siva: bên trái chiếc trisula 9đinh ba), thanh kiếm, một cái chén và bên phải gồm một dao găm, một búp sen và một vật kỳ là. Vật mà ngày nay người Chăm nhìn nhận ra làm một chiếc lược nhưng cũng có thể là một chiếc cung nhỏ.
Tòa tháp Pô Rômê với kiến trúc cổ bằng gạch đỏ bề thế. |
Đằng sau mũ trụ của vua, phía trên hai cánh tay trên cùng có hai hình xoắn như ngọn lửa đỡ lấy hai cái đầu. Ngoài ra, bên trên đầu tượng chính còn có ba đầu nữa được dặt chồng lên nhau, chiếc đầu thứ nhất từ dưới lên có cả vai. Các đầu đều đội mũ trụ tóe ra 5 tia hình lông công, có đeo hoa tai và vòng cổ. Toàn bộ cấu trúc của tượng vua đều được quét sơn: bia đá màu đỏ, các hình trang trí màu đen, mặt trắng, môi đỏ, các nét mắt đen đậm, những biểu tượng cầm tay màu vàng. Bệ tượng có một dãy chấm nổi ở giữa hai gờ lượn.
Đế tượng là một Yoni lớn bằng đá có chiều cao 0,30m, dài 1,70m, rộng 1,25m, có rãnh chạy quanh tượng và tấm bia đá, rồi kéo dài đến tận bên trên một con voi nhỏ nằm nghiêng gần bệ. Trước mặt tượng vua, ngay trên đế tượng có một cái lỗ nhỏ để cấm đuốc hoặc nến mỗi khi hành lễ…
Về niên đại của bức tượng, nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ xưa, Henri Parmentier khẳng định: “Việc coi di tích này là đền thờ Pô Rômê hình như là có thể chấp nhận được; không có lý do gì đặc biệt để bác bỏ các niên điểm do biên niên sử ấn định. Do đó, có thể coi di tích này là vào giữa thế kỷ XVII”.
Tuy nhiên, những nhận định của Henri Parmentier đã không được các nhà nghiên cứu sau đó tán thành. Đến đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, trên cơ sở phân tích nhiều khía cạnh khác nhau về lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật và bia ký, các nhà khoa học sau này mà tiêu biểu là P.Stern và J.Boisslier cho rằng, ngôi tháp và một số di vật hiện còn, trong đó có tượng thờ của di tích Pô Rômê phải có niên đại sớm hơn. Có thể bức tượng chỉ có ngay sau niên đại của khu đền tháp Pô Klaung Girai, nghĩa là sau thế kỷ XIV một chút.
Pho tượng chứa đựng nhiều điều bí hiểm
Nhận xét về pho tượng nhà vua Pô Rômê, nhà khảo cổ J.Boisslier cho rằng, ở phía trong thánh đường, tượng thờ chủ yếu được đặt trên một bệ tượng có cách cấu tạo cổ điển: “Theo chúng tôi hiểu là bức ngẫu tượng cuối cùng gần như chính thức và có liên quan tới cả một loạt dài những tượng thờ dựa lưng vào một chiếc gối.
Bức tượng làm cho người ta nghĩ đến một linga (là một hình ảnh trừu tượng hoặc đại diện hoặc của thần Shiva Hindu trong Shaivism) đồ sộ nào đó bị cắt theo chiều đứng, mà phần cắt được trang trí một bức phù điêu… Mặc dù có những điểm vụng về, ảnh hưởng của nền nghệ thuật tiếu tượng Sivaite truyền thống vẫn rõ ràng”.
J.Boisslier đã phải công nhận rằng, ý nghĩa của những bức tượng phụ choán phần trên của tấm bia lại khiến bức phù điêu trở nên bí hiểm hơn. Việc xuất hiện 5 chiếc đầu ở bên trên bức phù điêu khiến chính bản thân nhữung nhà khảo cổ không biết chúng mang ý nghĩa gì. “Người Chăm nhìn nhận đây là Pô Rômê được những người tôi tớ vây quanh”.
Còn đối với bản thân PGS.TS Ngô Văn Doanh, trong nhiều năm qua ông cùng đồng nghiệp đã nhiều lần đến khảo sát và nghiên cứu ngôi đền tháp Pô Rômê. “Lần nào cũng vậy, điều bí hiểm của pho tượng thờ luôn khiến tôi phải suy nghĩ và tìm cách lý giải. Và, chỉ đến bây giờ, chúng tôi mới tìm ra cách hiểu cho pho tượng thờ ở ngôi đền tháp Pô Rômê”, PGS.TS Ngô Văn Doanh viết trong bài nghiên cứu của mình.
Theo ông, việc người Chăm nhìn nhận bức tượng là khắc họa hình hình tượng của vua Pô Rôme, cũng chính là thần Siva. Rất có thể theo phong tục lúc bấy giờ, người Chăm đã đồng nhất vị vua của mình với thần Siva.
Nếu đối chiếu với các dạng thể hiện khác nhau của Siva, thì có thể xếp pho tượng thờ của tháp Pô Rômê vào nhóm các thần Siva ngồi. Nhưng ở tấm bia Pô Rômê, thần Siva lại ngồi một mình trong tư thế nhìn thẳng trang nghiêm và có nhiều tay. Ngoài ra, các bàn tay của thần Siva còn cầm các biểu trưng chính của thần Siva.
PGS.TS Ngô Văn Doanh nhận định: “Qua thể hiện một cách trang nghiêm với đầy đủ các biểu tượng quan trọng nhất như đã mô tả, chúng ta dễ nhận thấy ở bức tượng của tháp Pô Rômê là một vị thần Siva tối thượng hay thượng đế. Nhưng ở “tấm bia” của tháp Pô Rômê lại có hình ảnh đầy “bí ẩn” được thể hiện ngay trên đầu của thần Siva Mahadeva, cách thể hiện và bố trí các hình ảnh cân đối và đối xứng với nhau qua trục thẳng đứng trung tâm đã nhấn mạnh thêm ấn tượng và hiện quả “năm trong một” của pho tượng thờ trong tháp Pô Rômê”.
Theo nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, bức tượng được thể hiện với một thân chính và năm cái đầu nhỏ thoát ra từ đỉnh đầu trên tấm bia thờ chính là thần Siva dưới dạng hình Sadashiva. Như các nhà nghiên cứu đã thấy, cái tên hay dạng Sadashiva của thần Siva được dùng để gọi hay thể hiện ở cấp độ cao nhất và phức tạp nhất của hình ảnh Siva bất diệt với 5 khuôn mặt tượng trưng cho 5 phạm vi hoạt động là: Sáng tạo, phá hủy, bảo vệ, đánh lừa và ban ơn.
Còn theo các văn bản gốc của Ấn Độ, năm diện mạo của thần Siva có quan hệ với các phương hướng và các thành tố chính của mặt đất: Bắc/nước, Đông/gió, Nam/nóng, Tây/đất và phương hướng, thành tố thứ năm không thấy được là trục/không trung.
Qua quá trình nghiên cứu của mình, PGS.TS Ngô Văn Doanh khẳng định, việc thể hiện thần Siva tối thượng và bất diệt có 5 mặt đã có một truyền thống từ rất xa xưa trong lịch sử Chăm Pa. Và cũng từ trước khi tượng thờ Pô Rômê được làm, tục kết hợp và thờ thần – vua đã phổ biến trong các triều vua Chăm Pa. Chính sự thể hiện một cách kết hợp “hai trong một” giữa hình ảnh vị thần chính Siva với “năm khuôn mặt hiện hữu vĩ đại” tượng trưng cho năm hoạt động chính của vị thần tối thượng và bất diện Siva đã tạo nét đặc thù cho tác phẩm điêu khắc Sadashiva của tháp Pô Rômê.
“Nhìn vào bức tượng thờ này, có thể cảm nhận được cả hai ấn tượng về vị thần tối thượng Siva: sự oai phong, quyền uy và bất diệt ở hình ảnh vị thần tám tay và sự huyền ảo, bao trùm và tỏa khắp, được toát ra từ Đấng Tối Thượng, Đấng Bất Diệt”, PGS.TS Ngô Văn Doanh một lần nữa khẳng định.