Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/10/2017, người đẹp đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ không còn bị ràng buộc bởi những quy định của Thông tư 01 “Quy định hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” như: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông...”.
Vân vân và vân vân.
Thông tư này đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều vì cho rằng quy định này vi phạm quyền con người. Tuy nhiên, những “quy định cấm” trên đã được bãi bỏ hoàn toàn theo quy định mới tại Điều 2 Thông tư số 10/2016. Nhiều nhà hoạt động văn hóa đã nhận xét việc ban hành Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL là một “quyết định văn minh”.
“Câu chuyện Thông tư 01” lộ rõ tư duy quản không được thì cấm, cấm không được thì... phạt. Tư duy cực kỳ nghịch lý ở thời đại “hội nhập thế hệ mới”.
Dư luận vẫn chưa quên những câu chuyện “làm luật” thiếu thực tế của Bộ Y tế trước đây là “người nhẹ cân”, hay “ngực lép” không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối và người có vòng đo ngực trung bình dưới 72cm không được cấp bằng lái xe hạng A1, nghĩa là cũng không được đi xe trên 50 phân khối.
Hay như Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ, nay đã bị ngưng hiệu lực thi hành. Hay trước kia, cơ quan chức năng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề xuất làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách quy định lưu thông ngày chẵn, lẻ áp dụng cho cho xe ôtô, xe máy…
Vân vân và vân vân.
Trở lại câu chuyện “cấm nude”, quy định cho thấy, cần có sự thay đổi căn bản về tư duy quản lý nhà nước trong toàn bộ hệ thống Nhà nước theo tinh thần xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển”, đảm bảo Nhà nước thực hiện hiệu quả và chỉ thực hiện những chức năng của Nhà nước, không can thiệp vào các vấn đề xã hội có thể tự giải quyết hoặc các vấn đề không đáng để Nhà nước phải can thiệp.
Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế quản lý chất lượng chính sách, pháp luật đủ mạnh và có hiệu quả. Về phía Chính phủ, cần có một cơ quan độc lập với các bộ làm chức năng quản lý chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đủ thẩm quyền để bác bỏ các đề xuất xây dựng pháp luật không cần thiết, không khả thi.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực cán bộ và thực hiện chuyên môn hóa trong xây dựng pháp luật. Cán bộ chuyên ngành cần được đào tạo chuyên sâu về phân tích chính sách và chỉ tập trung vào việc phân tích và đề xuất giải pháp chính sách.
Cần lắm thay!