Xưa kia, người Việt thường giao tiếp bó hẹp sau lũy tre làng. Mặc dù không gian giao tiếp nhỏ nhưng được rèn luyện rất cẩn thận. Ngày nay, con người Việt Nam giao tiếp trong môi trường giao lưu hội nhập quốc tế, thì càng cần phải phát triển văn hóa ngoại giao, văn hóa đối ngoại, ứng xử văn hóa trong các quan hệ quốc tế, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc.
Chỉ có văn hóa mới biết cách hành xử với cuộc đời
Còn nhớ, cách đây vài năm đã có một cuộc tọa đàm nho nhỏ giữa nhà văn hóa, nhà thơ và chuyên gia xã hội học về nội dung văn hóa ứng xử trong thời hiện đại. Trong tọa đàm này, những quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất đáng để suy ngẫm.
Nguyễn Quang Thiều kể câu chuyện về cái cổng làng quê hương ông để nói về sự mất mát của văn hóa hiện nay: “Cách đây hơn 50 năm, cổng làng tôi bị phá vì một lý do đặc biệt. Và nửa thế kỷ sau, người làng tôi đã dựng lại cái cổng làng đó. Khi kêu gọi dựng lại cổng làng, những người già trong làng nói: Làng ta không phải dựng lại cổng làng mà là dựng lại bốn chữ có trên cổng làng. Bốn chữ đó là: “Vọng tự nhập xuất”.
Một người già làng tôi giải thích: “Vọng tự nhập xuất” có nghĩa là nhìn chữ để ra vào. Và trong cách dịch của tôi: Chữ ở đây là văn hóa, Ra Vào ở đây là hành xử. Và chỉ có văn hóa mới biết cách hành xử với cuộc đời.
Người làng tôi từ xưa đã nói: “Thuộc một câu thơ thì quên đi một câu chửi”. Họ đã thấu hiểu sứ mệnh của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển nhân tính của nhân loại. Khi văn hóa chết trên toàn bộ thế gian này thì con người ngay tức khắc trở thành hoang thú bởi không còn nhân tính nữa.
Thế nhưng bây giờ, trong đời sống đương đại, phép hành xử văn hóa của con người Việt Nam với cuộc đời mà trong đó là hành xử với con người và hành xử với thiên nhiên đã và đang rung lên những hồi chuông báo động gấp gáp hơn bao giờ hết. Ngày ngày, chúng ta phải đau lòng thừa nhận những hành động phi văn hóa đang diễn ra ở quá nhiều nơi trong xã hội chúng ta.
Chúng ta lấp những ao hồ, chúng ta làm ô nhiễm những con sông. Chúng ta chặt phá những cánh rừng. Chúng ta giết chết những cái cây. Chúng ta đổ rác quanh những ngôi nhà chúng ta đang ở. Chúng ta phạm thượng và thô tục ở những chốn linh thiêng. Chúng ta chen đẩy nhau để tranh một món ăn miễn phí.
Chúng ta chửi rủa, đánh đấm nhau khi chen lấn lúc tắc đường. Chúng ta đập chết nhau vì ăn cắp một con chó. Chúng ta dửng dưng nhìn một kẻ móc túi. Chúng ta thờ ơ với người già trong chính ngôi nhà của mình. Chúng ta chiếm hết không gian của trẻ nhỏ….
Có những lúc tôi đứng như một kẻ ngớ ngẩn nhìn mãi một tấm biển “Xin đừng ngắt hoa”, “Xin đừng giẫm lên cỏ” hay “Xin đừng đái bậy”... Một cái biển nhỏ tưởng như bị nuốt chửng bởi những ngôi nhà chọc trời đang ngày một mọc lên như nấm nhưng làm cho không ít người trong chúng ta nhức nhối.
Nhức nhối bởi cái biển nhỏ ấy đã có ở những nơi đó hết năm này đến năm khác mà nó sẽ còn ở đó rất lâu. Chẳng lẽ không có dấu hiệu gì về sự thay đổi của chúng ta sao? Cái gì đã làm cho chúng ta trở nên như vậy?
Đó chính là chúng ta đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất khả năng rung động trước những vẻ đẹp, đánh mất khát vọng về một thế gian yên bình và đẹp đẽ và vì chúng ta chứa đầy sự ích kỷ, tham lam và vô cảm trong con người chúng ta.
Nét đẹp đời thường cần được nhân rộng và thực hành thường xuyên. |
Chúng ta đang rời xa văn hóa. Cái duy nhất để xác lập “căn cước người” của chúng ta là văn hóa đang bị hành động của chúng ta làm mờ dần đi những “chữ” ghi trên đó. Nó cho chúng ta một dự báo: Nếu cứ như thế, đến một ngày chúng ta sẽ không đọc nổi một dòng chữ nào trên cái “căn cước người” ấy của chúng ta. Và vì lẽ đó, chúng ta sẽ không còn nhận ra mình là ai nữa….”.
Giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức làm nên nét đẹp dân tộc
Quả đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước. Song mặt trái của cơ chế thị trường, cùng nhịp sống xã hội sôi động với nhiều áp lực trong cuộc sống thì việc phát sinh những lời nói, hành động thể hiện những sai lệch về lối ứng xử của một bộ phận người Việt cũng xuất hiện và ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, các hình thức giao tiếp, kết nối trên phương tiện thông tin, mạng xã hội trong thời kỳ 4.0 hiện nay rất đa dạng, song thiếu kiểm soát đã góp phần ảnh hưởng và lan tràn lối ứng xử nêu trên, gây xáo trộn không nhỏ các chuẩn mực văn hóa trong xã hội.
Trong một lần chia sẻ cùng báo giới, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Giao tiếp chính là quá trình xác lập và phát triển mối quan hệ, tiếp xúc giữa con người ứng xử với nhau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của cả hai bên, từ đó hợp tác để cùng phát huy sở trường của các bên, cùng phát triển. Trên thực tế, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và không phải ai cũng biết ứng xử có văn hóa khi giao tiếp.
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, có thể thấy, trong xã hội cổ xưa hay thời kỳ hiện đại, ông cha ta luôn lấy chữ tâm làm nền tảng giao tiếp. Bởi cần phải có chữ tâm, tức là giữ gìn phẩm chất đạo đức, lương tri, thương người như thể thương thân, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để chia sẻ cảm thông thì mọi sự giao tiếp sẽ tạo nên quan hệ tốt đẹp.
Cách giao tiếp tế nhị, ý tứ, sâu xa là sản phẩm của văn hóa Việt Nam trọng nghĩa tình, đạo lý, sẽ tạo nên một thói quen cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi giao tiếp: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”; “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”…
Giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, trong hợp tác quốc tế hay trong những mối quan hệ tình nghĩa gia đình, xóm làng là cơ sở để tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, văn minh và làm nên nét đẹp dân tộc.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, để ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi xuống cấp đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa, cần có sự tham gia quyết liệt của hệ thống chính trị và sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, bên cạnh đó việc quan trọng là công tác tuyên truyền.
Các hoạt động tuyên truyền phải đa dạng về hình thức, nội dung, xác định và tập trung tác động trực tiếp đến các đối tượng trong xã hội với từng mức độ trách nhiệm khác nhau.
Cũng theo bà Trịnh Thị Thủy, thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT, Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban ATGT quốc gia rà soát và xây dựng nội dung, hình thức, chương trình tuyên truyền về văn hóa ứng xử; nghiên cứu xây dựng và thực hiện các đợt thi đua về hành vi ứng xử trong từng lĩnh vực phù hợp, hiệu quả.
Thế chân kiềng giúp hình thành nhân cách, văn hóa con người
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy có ba đối tượng đặc biệt quan trọng, tác động nhiều nhất đến việc hình thành nhân cách con người, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền.
Đó là đối với gia đình, phải nêu cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể trước con cái từ lời nói đến việc làm; chuẩn mực trong cách ứng xử, giao tiếp, giáo dục con cháu về đạo lý, gia phong; những phép tắc trong đối nhân xử thế, thủy chung, tình nghĩa trong quan hệ vợ chồng, hòa thuận, hiếu lễ trong quan hệ anh em, dòng họ.
Đối với nhà trường, phải xây dựng các tiêu chí, nhân cách cho học sinh, đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, tránh áp đặt những chuẩn mực đạo đức không phù hợp, thiếu tính thực tiễn, không khả thi; các hình thức giáo dục phải linh hoạt, đa dạng: Kết hợp các bài giảng trên lớp với các hoạt động ngoại khóa, bằng bài học hoặc qua phim ảnh, hướng dẫn đọc, sách, gặp gỡ các cá nhân, điển hình...; các bài giảng, bài học đạo đức phải có chiều sâu nhân văn, có sức lay động, cảm hóa cao, phải sinh động, thiết thực.
Với cộng đồng xã hội, cần phát huy vai trò giáo dục con người trong các môi trường xã hội khác nhau, trong các không gian văn hóa cộng đồng, văn hóa làng (khu dân cư, buôn, bản, phum, sóc…), tạo hiệu ứng lan tỏa về văn hóa ứng xử với các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu đạo đức chung trong cộng đồng; nâng cao, nhân rộng các hình thức sinh hoạt, rèn luyện tại cộng đồng để tạo lập những môi trường lành mạnh trong thực hành đạo đức, ứng xử chuẩn mực; đẩy mạnh vai trò, phát huy thế mạnh của các thiết chế văn hóa-xã hội, các sinh hoạt văn hóa làm gia tăng tính cố kết cộng đồng và giáo dục truyền thống, điều chỉnh các hành vi ứng xử của các thành viên trong cộng đồng.