Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng bày tỏ ý kiến dứt khoát: “Chúng tôi thấy bây giờ vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, các công dân. Bây giờ lại kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện cái này không cao.
Thực tế, chúng ta đã thấy, cả hệ thống truyền thông, cả thái độ của dư luận xã hội đã tỏ ra hào hứng như thế nào khi cách đây mấy tháng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, có thể bỏ sổ hộ khẩu hoàn toàn vào ngày 1/7/2021 và thay thế vào đấy là cách quản lý cư dân mới, hiện đại và chính xác, phù hợp với thời đại số 4.0”.
Và, thực sự, dân tình như bị dội một gáo nước lạnh khi nghe thông tin cái loại sổ lỗi thời, lạc hậu, các quốc gia trên thế giới không ai dùng này lại tồn tại thêm 5 năm nữa. Sự ám ảnh về sổ hộ khẩu không chỉ ở người dân thường mà chính Chủ tịch Quốc hội cũng than phiền khi chính bà mất sổ và phải đi làm lại.
Có thể nói sổ hộ khẩu đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình và từ lâu không còn là hình thức quản lý cư dân một cách hiệu quả nữa. Nó gây phiền phức và phiền toái một cách không cần thiết, cả cán bộ và nhân dân đều thấy rõ điều đó.
Làm chậm lại một tiến trình hợp lòng dân như vậy vấp phải sự phản ứng là lẽ đương nhiên. Song, mặt khác cũng cho chúng ta thấy việc cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục, giảm sự phiền hà cho nhân dân gặp phải những lực cản không nhỏ.
Chẳng hạn, trong việc bỏ những “giấy phép con” hành hạ người dân và doanh nghiệp đã vấp phải nhiều trắc trở trong tiến trình thực hiện, càng cấm thì lại càng “đẻ” ra nhiều, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Hiển nhiên, bỏ “giấy phép con” là một điều tốt, có lợi cho dân, thông thoáng thủ tục, giảm thiểu sự cồng kềnh, xóa đi sự chồng chéo thẩm quyền, phù hợp với pháp luật và các nguyên tắc hiến định, thế mà tại sao các cơ quan quản lý hành chính và những người có trách nhiệm lại không muốn thực thi?
“Việc gì lợi cho dân thì làm”, những ai thấm nhuần và thực sự muốn học và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đều thuộc lòng câu nói đó và lấy làm phương châm hành xử của mình. Còn chỉ nói quyết liệt mà không thể hiện bằng hành động thực tế lại là chuyện khác.
Nay, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm và yêu cầu đối với các nhà lập pháp là “giảm bớt thủ tục cho dân nhờ” chính là thể hiện văn hóa ứng xử của những người làm công tác xây dựng pháp luật. Rộng hơn, đó là biểu hiện cao của văn hóa công chức trong quan hệ với nhân dân với tư cách là những công bộc thật sự!