Trước đó, tổng kết 7 năm thi hành Nghị quyết 93 của Quốc hội cho rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho hay gần 4,85 triệu người đã rời bỏ hệ thống an sinh giai đoạn 2016 - 2022. Trong số này, 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút 2 lượt; hơn 61.000 người rút 3 lượt.
Riêng giai đoạn 2016 - 2021, gần 1,4 triệu lao động vùng Đông Nam Bộ rút một lần với lượng người rút năm 2021 cao gấp 1,5 lần so với 2016. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 970.160 người rút với số lượng rút tăng gấp đôi. Bộ LĐ-TB&XH lý giải hai vùng này tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh.
Về khu vực làm việc, gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp; 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện.
Theo cơ quan quản lý, lao động khối tư nhân và FDI chịu áp lực công việc lớn nên thường có tâm lý "nhảy việc"; thường chọn nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng BHXH một lần trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.
Một khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, Ban Kinh tế Trung ương, BHXH Việt Nam cho thấy tình trạng “nhảy việc” của một số công nhân khá phổ biến, thời gian gắn bó với DN ngắn.
Trở lại với vấn đề vì sao một số lao động muốn rút BHXH một lần? Không chỉ có nguyên nhân một số người chưa tin tưởng sự bảo toàn, phát triển bền vững của Quỹ BHXH. Trong cuộc khảo sát trên, hơn 60% trong số 1.300 công nhân tham gia khảo sát nói muốn đổi nghề, thử sức với công việc khác.
Cùng với “trào lưu” công việc thường xuyên biến động cùng tâm lý ưu tiên việc làm linh hoạt thời gian, địa điểm khiến nhiều người coi tiền BHXH một lần như khoản vốn làm ăn. Còn nguyên nhân khác, thời gian đóng dài là lý do khiến một số lao động không đủ kiên nhẫn, muốn rời hệ thống.
Từ thực tế trên, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lao động rút BHXH một lần, trong đó rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm. Điều kiện rút cũng được (sửa đổi) theo hướng giữ nguyên như hiện hành, hoặc giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.
Ở tầm vĩ mô, các nhà làm chính sách muốn tạo ra mạng lưới an sinh an toàn cho các cá nhân và cho toàn xã hội; nhưng ở góc độ cá nhân một số người, thì lập luận tiền BHXH là tiền của chính bản thân họ và họ có quyền nhất định với khoản tiền đó.
Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, để dung hòa “toàn vẹn” vấn đề rút BHXH một lần giữa người lao động và Nhà nước là rất khó. Vì vậy, có lẽ cần một chính sách mềm dẻo với nhiều lựa chọn, để làm sao cố gắng cân bằng được tối đa giữa lợi ích cá nhân và xã hội, chứ sẽ rất khó có một phương pháp “hài lòng cho tất cả”.