Nghi vấn “thuốc thịt người” rúng động
Thuốc y học cổ truyền bao gồm cả vị thuốc y học cổ truyền và thuốc thang được định nghĩa là thuốc có thành phần là dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại.
Đến nay, các nhà khoa học phương Tây cho rằng vẫn còn thiếu những bằng chứng để chứng minh tác dụng của y học cổ truyền Trung Quốc trong điều trị các bệnh cụ thể. Thế nhưng, phương pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền vẫn được thực hiện ở nhiều cơ sở y tế của Trung Quốc và nhiều nước khác.
Còn ở một số nước phương tây, đây cũng được coi là một hình thức chữa bệnh thay thế y học hiện đại. Nhiều loại thuốc cổ truyền vẫn được nhiều người sử dụng để điều trị các bệnh như dị ứng, viêm khớp, đau lưng, huyết áp cao, mất ngủ…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự xuống cấp về mặt đạo đức ở nhiều nơi, một số bê bối liên quan đến thuốc y học cổ truyền cũng đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Điển hình trong số này có thể kể đến việc dư luận Nigeria cuối năm ngoái rúng động trước trước thông tin cơ quan tình báo nước này vào tháng 10/2018 đã gửi thông báo cho Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia, thông báo việc Hải quan Hàn Quốc ngày 30/9/2018 tiết lộ họ đã phát hiện và thu giữ 2.751 viên thuốc/viên nang được sản xuất từ nguyên liệu là bào thai, trẻ sơ sinh và thịt người.
Các viên nang và thuốc viên này được xác định được sản xuất ở Trung Quốc và được một số người quốc tịch Trung Quốc đưa vào Hàn Quốc với lời quảng cáo là có thể giúp “tăng cường sức đề kháng, chữa được bệnh ung thư, tiểu đường và một số bệnh đã ở giai đoạn cuối”.
Vẫn theo thông báo của Cơ quan tình báo Nigeria, Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đã xác định được 18,7 tỉ virus, trong đó có virus viêm gan B, trong các loại thuốc nói trên. Theo tình báo Nigeria, những viên thuốc trên bị phát hiện khi đang được đưa vào Hàn Quốc trong những chiếc vali và thông qua đường bưu chính quốc tế.
Cơ quan tình báo Nigeria nhấn mạnh rằng việc sản xuất và tiêu thụ những loại thuốc làm từ thi thể người là hành vi phạm tội và có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Ảnh minh họa |
Giám đốc bộ phận kỹ thuật và quan hệ công chúng của Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria Bola Fashina sau đó đã lên tiếng xác nhận các thông tin trên là chính xác, đồng thời cho biết Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria cũng đã vào cuộc truy tìm các sản phẩm được cho là làm từ thịt người đã được đưa sang nước này để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ uống phải những sản phẩm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng của họ.
Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria cũng đã phát đi cảnh báo tới người dân Nigeria về mối nguy hiểm từ việc sử dụng những viên “thuốc thịt người” được quảng cáo có công dụng như “tiên dược” như vậy nói riêng và các loại thuốc được nhập lậu từ Trung Quốc nói chung. Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria sau đó xác nhận đã phát hiện một loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán ở các chợ tại nước này có “chứa thịt người”.
Đến ngày 24/10, Quốc hội Nigeria thông qua việc yêu cầu lực lượng hành pháp nước này mở một cuộc điều tra nhằm xác minh danh tính, bắt giữ và đưa ra truy tố những người được cho là đã đưa thuốc làm từ thịt người vào nước này. Truyền thông Nigeria cho hay, thành viên của ủy ban điều tra bao gồm các quan chức từ cơ quan y tế, phụ nữ, phát triển xã hội, thông tin truyền thông, đạo đức, hải quan…
“Nếu không có động thái ngay lập tức để ngăn chặn những loại thuốc này và những kẻ nhập khẩu bất hợp pháp, những loại thuốc đó sẽ tiếp tục trở thành mối nguy hiểm đối với tính mạng của người dân”, một nhà lập pháp của Nigeria nhận định.
Thông tin về vụ việc này đã một lần nữa dấy lên phản ứng giận dữ từ dư luận Nigeria sau những chỉ trích của người dân về việc giới chức nước này đã vay nợ quá nhiều từ Trung Quốc mà không dự liệu trước những tình huống có thể phát sinh, khiến Nigeria trở thành thị trường tiêu thụ lớn của hàng hóa Trung Quốc, trong đó có cả những hàng hóa độc hại. Thậm chí, một số tờ báo ở Nigeria còn kêu gọi tẩy chay các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Không phải chuyện mới
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên dư luận xôn xao về những viên thuốc được cho là làm từ thịt người có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ năm 2011, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin về việc những viên thuốc đáng ngờ được lén đưa vào nước này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, kết quả xét nghiệm với những viên nang đó cho thấy chúng có chứa thịt người. “Một số viên nang được thêm thành phần thảo dược vào để át mùi và màu của thịt người. Một số khác được đóng hộp cẩn thận hòng qua mắt lực lượng chức năng”, một quan chức hải quan Hàn Quốc được dẫn lời nói.
Giới chức Trung Quốc sau đó thông báo mở một cuộc điều tra để xác định những loại thuốc trên được sản xuất từ bào thai hay từ trẻ sơ sinh chết như nhiều đồn thổi. Truyền thông Trung Quốc thì khẳng định cái được gọi là thuốc thịt người không được làm từ “thịt người” mà làm từ nhau thai – một nguyên liệu được gọi là tử hà sa trong y học cổ truyền, được cho là có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực…
Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn không khiến dư luận hết hồ nghi. Sau vụ việc, giới chức Hàn Quốc thông báo tăng cường kiểm tra tại các chốt hải quan nhằm ngăn chặn khả năng những viên thuốc chứa thịt người.
Đến năm 2012, Hàn Quốc lại thông báo tiếp tục thu giữ hàng nghìn viên nang chứa bột thịt người từ các thi hài trẻ em được mang lậu vào nước này. Hãng tin AP lúc bấy giờ dẫn thông tin từ Hải quan Hàn Quốc cho hay, những viên nang bị thu giữ không chỉ làm từ nhau thai người như truyền thông Trung Quốc khẳng định mà còn có cả những viên nang được sản xuất từ cơ thể người, cụ thể là thi hài những đứa trẻ được tách làm nhiều phần và được sấy khô trên bếp trước khi tán thành bột và chế thành viên nang. Vẫn theo nguồn tin này, các viên nang như vậy được sản xuất ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc.
Theo AP, từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2012, Hải quan Hàn Quốc bắt ngăn chặn được 35 vụ buôn lậu “viên nang thịt người” vào Hàn Quốc, với tổng số viên nang thu giữ được là 17.450 viên. Còn theo hãng tin Yonhap, con số này là 94 vụ với tổng cộng 43.607 viên thuốc bị thu giữ. Hải quan Hàn Quốc khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy những loại thuốc này chứa nhiều thành phần và các loại vi khuẩn, virus có hại.
Vẫn theo Hải quan Hàn Quốc, dù phát hiện và ngăn chặn những vụ việc này nhưng họ không tiến hành xử phạt được ai với lý do những người tìm cách mang các loại thuốc này vào Hàn Quốc chỉ có ý định mang để dùng cho bản thân hoặc người thân. Ngoài ra, họ cũng chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh vì uống các loại thuốc này.
Đài SBS của Hàn Quốc năm 2012 cũng đã công bố những hình ảnh mà nhóm phóng viên của đài này đã ghi được, theo đó cho thấy hoạt động buôn bán những viên nang được làm từ bào thai ở Trung Quốc diễn ra khá nhộn nhịp. Phóng sự cũng khẳng định những viên nang như vậy không chỉ được sản xuất từ nhau thai mà còn cả từ bào thai.
Việc mua bán bào thai được cho là diễn ra lén lút ở Trung Quốc. Bào thai sau đó bị phân ra thành từng mảnh nhỏ, được sấy khô rồi nghiền thành bột và nén vào vỏ con nhộng. Những viên nang như vậy được quảng cáo như một loại thần dược chống lão hóa, ung thư, tăng khả năng tình dục hoặc chữa bệnh đường hô hấp. “Thuốc này tốt cho sức khỏe, uống ngày 2 lần. Không nên uống quá nhiều nếu không sẽ chảy máu cam”, một người bán dặn dò khi đóng gói thuốc cho khách.
Theo truyền hình Hàn Quốc, những viên thuốc như vậy được đóng vào những lọ màu nâu sẫm và dán nhãn lên, ghi là thảo dược Trung Quốc hoặc ghi tên một loại thuốc hợp pháp nào đó. Ngoài ra, người bán cũng thường phủ lên trên những viên thuốc này các loại thảo mộc có mùi thơm để tránh bị phát hiện.
Ngoài thuốc tinh chế, việc mua bán bào thai sấy khô hoặc nhau thai người cũng được cho là diễn ra phổ biến ở một số “phòng khám hoặc cơ sở sản phẩm hóa học” ở miền Bắc Trung Quốc. Trong phóng sự của đài SBS, một dược sĩ người Trung Quốc thậm chí tuyên bố thuốc của cô ta được chế từ bào thai 7 tháng tuổi và khẳng định bào thai càng nhiều tháng tuổi thì công dụng càng mạnh.
Vẫn theo SBS, kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả những viên thuốc này đều chứa hàm lượng vi khuẩn có hại cao, nhiều loại trong số chúng chỉ xuất hiện từ các bộ phận cơ thể đang phân hủy.
Báo cáo mới nhất của Hải quan Hàn Quốc gửi tới Quốc hội nước này được hãng tin tiết lộ vào tháng 10/2018 cho biết, từ năm 2015 đến tháng 8/2018, tổng cộng đã có 2.751 viên thuốc chứa thịt người được đưa từ Trung Quốc sang Hàn Quốc.
Báo cáo khẳng định những viên thuốc đó được vào Hàn Quốc bằng cách giấu trong những vali hoặc qua đường bưu điện quốc tế và được bán ở chợ đen. Theo tờ Joongang Ilbo, những viên thuốc này khi được bán ở Trung Quốc có giá khoảng 220 USD/kg hoặc 53-80 USD cho 30 đến 50 viên. Xác nhận thông tin những viên thuốc này có chứa các virus nguy hiểm, Hải quan Hàn Quốc cho biết sẽ thắt chặt hơn nữa các bưu kiện gửi từ Trung Quốc.
Cẩn trọng với những phương thuốc “cổ truyền”
Ngay tại Trung Quốc, nơi được cho là cái nôi của nền y học cổ truyền, những hoạt động kinh doanh phi pháp liên quan đến loại thuốc này cũng vẫn xảy ra khá thường xuyên.
Điển hình có thể kể đến việc bé gái Zhou Yang, 7 tuổi, qua đời năm 2015 vì cha của bé tin vào một công ty chuyên doanh các sản phẩm y học cổ truyền có tiếng ở Trung Quốc là Quanjian và cho con dùng các loại thuốc y học cổ truyền của công ty thay vì tuân theo phác đồ điều trị của Tây y.
Năm 2016, một nam sinh Trung Quốc được chẩn đoán mắc một bệnh ung thư hiếm gặp cũng đã qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện bệnh vì tin vào những quảng cáo trên mạng internet nên đã nhất quyết từ chối xạ trị để chữa bệnh bằng thuốc Đông y.
Ngoài ra, vì muốn người tiêu dùng tin vào sản phẩm nên cũng có không ít các công ty, cá nhân đã cố tình thêm vào những loại thuốc y học cổ truyền các thành phần dược liệu của Tây y, thậm chí là cả chất cấm để thuốc khi dùng có tác dụng nhanh, được người dùng tin tưởng.
Nhiều người bệnh đã không tiếc tiền mua các loại thuốc như vậy về cho bản thân và người thân dùng mà không mảy may suy nghĩ bởi họ cho rằng thuốc Đông y làm từ cây cỏ thì làm gì có gì độc hại, uống vào “không bổ dọc thì cũng bổ ngang”, không hại như thuốc Tây y… mà không biết rằng thực chất họ đang tự “rước họa vào thân”.
Ảnh minh họa |
Đầu tháng 11 vừa qua, Liên đoàn các Viện Hàn lâm y học châu Âu (FEAM) và Hội đồng Cố vấn khoa học của Viện Hàn lâm châu Âu đã ra tuyên bố chung thúc giục Tổ chức Y tế thế giới (WHO) siết chặt việc kiểm soát hoạt động sử dụng y học cổ truyền và các liệu pháp thay thế của Trung Quốc.
Quyết định này phản ánh sự quan ngại của giới bác sĩ hàng đầu châu Âu trước việc WHO hồi đầu năm đã quyết định bổ sung một chương về y học cổ truyền của Trung Quốc vào danh mục Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật (ICD) - danh mục lâu nay vẫn thường được các chính phủ tham khảo và sử dụng, đặc biệt khi cần phân bổ ngân sách y tế.
WHO khẳng định việc bổ sung trên không có nghĩa là tổ chức công nhận các liệu pháp truyền thống của Trung Quốc trong việc điều trị các loại bệnh nhưng FEAM và Hội đồng cố vấn của châu Âu vẫn lo ngại rằng việc bổ sung của WHO sẽ bị các nhà sản xuất sử dụng để quảng bá thảo dược và các phương thuốc khác còn công chúng có thể hiểu lầm rằng đây là bằng chứng tốt cho thấy những phương thức đó có tác dụng trong điều trị và an toàn.
Các nhà khoa học cho rằng có rủi ro là một số người mắc bệnh nghiêm trọng thậm chí có thể tránh hoặc trì hoãn việc đi khám bác sĩ thông thường và áp dụng những liệu pháp y học cổ truyền đó trong việc điều trị.
Giáo sư George Griffin - Chủ tịch FEAM - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các chứng cứ cụ thể trước khi kết luận y học cổ truyền của Trung Quốc thật sự có tác dụng. “Chúng tôi không kê đơn các loại thuốc và phương pháp điều trị phẫu thuật trừ khi có bằng chứng xác thực rằng chúng có tác dụng và không gây tổn hại. Cảm quan chung của chúng tôi là hầu hết các loại thuốc y học cổ truyền Trung Quốc đều không được kiểm soát.
Chúng không được kiểm tra độc tính đúng cách. Thành phần hoạt chất của chúng cũng có thể khác nhau rất nhiều giữa các lô được sản xuất khác nhau”, ông nói. Mặt khác, vị giáo sư cho rằng, quyết định của WHO cũng có thể khiến bệnh nhân lầm tưởng rằng việc sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị các bệnh nghiêm trọng là liệu pháp thích hợp.
Còn Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNOCD) trong một báo cáo mới đây cũng cho rằng y học cổ truyền Trung Quốc là mối đe dọa của động vật hoang dã, quý, hiếm.
Theo báo cáo, tại các nước Đông Nam Á, nhiều người giàu có sẵn sàng tìm kiếm cơ hội chữa bệnh từ những bộ phận của động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê cùng các loại rượu, thuốc bổ, cao và thuốc mỡ được chế từ các loài động vật hoang dã với niềm tin rằng đây là chìa khóa lâu dài để có cuộc sống khỏe mạnh.
Chính điều này đã dẫn đến những hậu quả tàn khốc cho các loài động vật hoang dã và hệ sinh thái như việc những con hổ bị săn trộm, lâm vào bờ vực tuyệt chủng; quần thể tê giác hoang dã đã bị tàn sát…
Nhiều người đã tin tưởng sử dụng các sản phẩm được bào chế từ các thành phần đó, bất chấp việc không có bằng chứng khoa học nào về giá trị dược liệu của chúng. Thậm chí, một số hỗn hợp sử dụng trong y học cổ truyền có chứa độc tố tự nhiên và các chất ô nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra một loạt các bệnh suy nhược từ suy thận đến ung thư.
Trong một nghiên cứu với các bệnh nhân ung thư đường tiết niệu tại Đài Loan - nơi y học cổ truyền rất phát triển, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 84% bệnh nhân đã tiếp xúc lâu dài với axit aristolochic - một chất gây ung thư nhưng khá phổ biến trong y học cổ truyền.