Cuộc đua giảm thuế
Theo tổ chức này, năm 2013, khi trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, Chính phủ Việt Nam đã ước tính việc bổ sung ưu đãi thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.080 tỷ đồng/năm. Tương tự, năm 2014, số giảm thu ngân sách do áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN và Thuế thu nhập cá nhân theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật thuế ước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
“Đây là con số ước tính khi trình dự án luật và trên thực tế số giảm thu ngân sách thực tế do ưu đãi thuế có thể cao hơn rất nhiều lần…” – đại diện Oxfam nhận định.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế là một trong những nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam (IMF, 2014). Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với bội chi NSNN tiếp tục có xu hướng gia tăng qua các năm và người dân chịu gánh nặng chi tiêu y tế cao.
Không chỉ tại Việt Nam, giảm thuế TNDN hay tạo nhiều ưu đãi thuế hơn cho DN, thậm chí giảm mức thuế TNDN xuống còn 0%, cũng đang được các quốc gia sử dụng rộng rãi với mong muốn thu hút đầu tư.
Trong một vài thập kỷ vừa qua, số liệu cho thấy rằng số tiền nộp thuế của các công ty lớn đang giảm dần, do các quốc gia đang cạnh tranh trong cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN. Thuế suất thuế TNDN trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước, xuống còn 23,6% hiện nay. Quá trình này đang có dấu hiệu tăng tốc.
“Cùng với cắt giảm thuế suất thuế TNDN, các quốc gia có thể tiếp tục dành nhiều loại ưu đãi thuế cho DN. Đôi khi, ưu đãi thuế đóng vai trò tích cực trong thu hút đầu tư hoặc giúp một quốc gia định hình nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, ưu đãi thuế thường xuyên được cho là không hiệu quả và tốn kém…” - báo cáo của Oxfam nhận định.
Người dân chịu trận
Để cân bằng lại những thất thu từ thuế, chính phủ các nước đang tăng áp dụng biện pháp thuế lũy thoái (như thuế GTGT) để chi cho dịch vụ công. Điều này làm tăng gánh nặng thuế đối với những người yếu thế.
Một loạt ví dụ được đưa ra, như Kenya đã bị thất thoát 1,1 tỷ USD/ năm do miễn giảm và ưu đãi thuế - gần gấp đôi chi tiêu của Chính phủ trong toàn bộ ngân sách cho y tế, trong khi tại quốc gia này, cứ 40 bà mẹ thì có 1 người có nguy cơ tử vong liên quan đến sinh nở. Hay Nigeria chi tiêu 2,9 tỷ USD cho ưu đãi thuế, gấp đôi số tiền dành cho giáo dục, mặc dù 6 triệu bé gái tại quốc gia này không được đến trường. Tại Hà Lan, chỉ riêng “hộp sáng kiến” (một loại ưu đãi thuế dành cho các sáng kiến về công nghệ), ước sẽ tốn hơn 1,2 tỷ euro trong năm 2016. Con số này tương đương với 7,6% tổng thu từ thuế TNDN của Hà Lan.
Hay như tại Việt Nam, theo báo cáo tài khoản y tế quốc gia của Bộ Y tế công bố, trong năm 2014, tỷ lệ chi tiền túi cho y tế của người dân khi khám chữa bệnh chiếm 43% tổng chi y tế của quốc gia. Nghĩa là cứ 2 đồng chi ra cho y tế thì có gần 1 đồng được trả từ tiền túi của người dân.
“Việc này gây nên những tổn thất về tài chính, khiến khoảng 600.000 hộ gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở thành nghèo đói sau khi mắc bệnh hiểm nghèo và chi trả chi phí y tế. Tình hình này có thể cải thiện nếu nguồn NSNN không bị mất đi từ các hoạt động thất thu thuế và được Chính phủ chi tiêu một cách hiệu quả cho dịch vụ y tế…” - báo cáo của Oxfam nhận định.
Bắt tay để dừng cuộc đua
Oxfam kêu gọi các chính phủ và tổ chức, thể chế quốc tế liên quan nên phối hợp để chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN và khuyến cáo các ưu đãi thuế phải được thiết lập dựa vào các đánh giá kinh tế và rủi ro kỹ càng.
Cụ thể với Việt Nam, Oxfam khuyến nghị Việt Nam cần thiết lập cơ chế thu thập thông tin và dữ liệu về chính sách ưu đãi thuế: số dự án được hưởng, đóng góp của dự án với nền kinh tế, số giảm thu ngân sách và công bố công khai để giám sát. Thực hiện thống kê chi NSNN do miễn giảm thuế; đồng thời phân tích chi phí - lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế; rà soát và tập trung tất cả các chính sách ưu đãi thuế nhằm tránh trùng lắp, lãng phí; tránh dàn trải, manh mún. Rà soát, rút gọn danh mục 25 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và hạn chế áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế bởi hình thức này làm giảm thu ngân sách cao nhất.
Oxfam cũng cho rằng Việt Nam cần yêu cầu tất cả các tập đoàn đa quốc gia công bố báo cáo liên quốc gia với thông tin riêng cho từng quốc gia mà nó có hoạt động. Các tiêu chí khai báo trong báo cáo phải cung cấp được bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh tế của các tập đoàn; công khai các yếu tố chính của thỏa thuận giữa các cơ quan thuế và công ty đa quốc gia…