Ước mơ thương hiệu văn hóa 'Thăng Long - thành phố của những màn múa rồng'

Màn múa rồng tái hiện cảnh vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư tới Đại La – Thăng Long.
Màn múa rồng tái hiện cảnh vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư tới Đại La – Thăng Long.
(PLVN) - Theo truyền thuyết dân gian, rồng là linh vật tượng trưng cho sự oai hùng, mạnh mẽ và linh thiêng. Múa rồng luôn có mặt trong các lễ hội của đất Thăng Long thể hiện sự uy nghiêm, sự bay bổng, uốn lượn của nghệ thuật múa cổ truyền.

Rồng bay giữa mùa thu Hà Nội

Đã 6 năm nay, cứ tới mùa thu Hà Nội, các nghệ nhân múa rồng được dịp trổ tài “rồng bay, phượng múa” tại các Liên hoan nghệ thuật múa Rồng Hà Nội. Đầu tháng 10/2020, như đã hẹn, các đội múa rồng đã tập kết đông đủ tại tuyến phố Lê Thạch, Đinh Tiên Hoàng, khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, tạo không khí rộn ràng, sôi động.

Mỗi đơn vị tham gia trình diễn một tiết mục, thời lượng từ 5-7 phút, trong đó có sử dụng một hoặc nhiều mô hình Rồng kết hợp múa Tứ linh (long, lân, quy, phượng) trên nền nhạc, lời bình suốt quá trình biểu diễn để truyền tải chủ đề, thông điệp cụ thể.

Đội nghệ thuật Lân – Sư – Rồng quận Ba Đình thể hiện bài múa với chủ đề “Thăng Long hội tụ” chứa đựng sức mạnh vô biên, thể hiện rõ nét khát vọng hoà bình và thịnh vượng. CLB Lân – Sư – Rồng Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) tự tin với bài múa “Rồng thiêng hội tụ” giới thiệu với người xem về mảnh đất Phúc Thọ.

Hình ảnh Rồng uốn khúc như dòng sông Hồng, sông Đáy chảy qua; Đội Lân – Sư – Rồng huyện Đan Phượng mang đến người xem màn biểu diễn “Long phụng quần hùng” tái hiện nét đẹp chân thực quê hương Đan Phượng, mang ước vọng cầu mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc... 

Người dân Hà thành háo hức mãn nhãn các màn múa rồng, lân tái hiện các sự kiện lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc. Nhiều đoàn sử dụng các kỹ xảo phức tạp, hấp dẫn và điêu luyện như xếp hình, phun mưa, nhào lộn, cuốn, rồng ấp, rồng cuộn, rồng chầu. Sau màn biểu diễn, các đội múa rồng đã diễu hành trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trước sự cổ vũ, reo hò cuồng nhiệt của người dân Hà thành.

Điệu múa nghìn năm

Rồng được xem là linh vật gắn liền với truyền thuyết của văn hóa Việt Nam. Trong xã hội phong kiến trước đây, rồng tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa. Từ hình tượng rồng trong dân gian, cha ông ta đã có sự tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang dấu ấn văn hóa Việt. Múa rồng là một trong những điệu múa cổ của dân tộc mà cái nôi phát triển loại hình múa này là mảnh đất Thăng Long xưa.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho hay, nghệ thuật múa rồng đất Thăng Long có từ thời Lý (thế kỷ 10). Quyết định dời đô từ vùng đất Hoa Lư về thành Đại La, vùng đất địa linh nhân kiệt, Kinh đô Đại Việt xưa, sau đổi tên gọi là thành Thăng Long tức “Rồng bay lên”, đã cho thấy tầm nhìn sáng suốt, niềm tin và hy vọng về một dân tộc phát triển hùng cường của vua Lý Công Uẩn.

Hình tượng Rồng thời Lý tượng trưng cho sự linh thiêng, oai hùng, khí thế mạnh mẽ vươn lên đã thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - nơi tinh hoa dân tộc hội tụ, lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam.

Trong các dịp hội hè, lễ Tết, khắp nơi trên đất Thăng Long đâu đâu cũng có múa rồng. Tất cả những uốn lượn tạo hình vô cùng sinh động của điệu múa rồng đã tạo cho không khí ngày Tết, lễ hội thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh đất Việt. 

Suốt hơn nghìn năm qua, rất nhiều thế hệ nghệ nhân múa rồng cùng nối nhau gìn giữ màn múa nghìn năm tuổi này. Ông Lê Mạnh Hùng - huấn luyện viên võ thuật và lân sư rồng huyện Đan Phượng chia sẻ: “Tôi thấy tự hào là thế hệ tiếp nối cha ông để gìn gìn môn nghệ thuật múa rồng. Tôi là một võ sư chuyển sang luyện múa rồng 20 năm nay.

Đội múa rồng của Đan Phượng thành lập từ năm 2005, nay gồm 40 thành viên, đa phần là dân võ, cùng dựng nên bài biểu diễn song rồng đặc sắc, với hình ảnh 2 con rồng dựa lưng nhau như 2 anh em cùng đoàn kết, tiến bước. Với việc lồng ghép các động tác võ thuật tinh hoa, trong đó có những động tác rất khó thực hiện, phải đánh trong tư thế nằm và quỳ, thực hiện một cách đồng bộ, Đan Phượng mang đến hình ảnh những chú rồng khỏe mạnh, bay nhảy rất tốt và tinh tế nghệ thuật”.

Tham gia đội múa rồng của quận Cầu Giấy trong vai vua Lý Công Uẩn, NSND Ánh Dương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) chia sẻ: “Đội múa rồng quận Cầu Giấy gồm 20 bạn trẻ đều đang là sinh viên. Đội múa rồng Cầu Giấy đã tập dượt công phu, kĩ năng điêu luyện, tạo dáng rồng như uốn lượn trên không trung nhưng thân rồng không quấn vào nhau và người tham gia thuần thục, không bị vấp ngã. Chúng tôi phải múa sao cho rồng bay uyển chuyển nhưng đầy uy quyền”.

Có thể thấy, múa rồng Hà Nội vẫn giữ được bản sắc dân tộc và ngày càng gần gũi với con người và cuộc sống đời thường hơn. Và hơn hết, người dân Hà thành mong muốn những màn múa rồng nghìn năm tuổi sẽ trở thành thương hiệu văn hóa - “Thăng Long – thành phố của những màn múa rồng” thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn mảnh đất Kinh Kỳ. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.