Chuyện Lý Công Uẩn chạy nạn
Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, nay là Tiên Sơn - Bắc Ninh. Bà mẹ họ Phạm, nhân một hôm đi chơi trên chùa Tiên Sơn (tức chùa Trường Liên trên núi Tiêu ở xã Tương Giang - Tiên Sơn) cảm ứng với thần rồi về có mang, sinh ra Ngài vào năm 974, cuối thời Đinh.
Ông sinh ra đã có tướng mạo hơn người, lại có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, tài giỏi. Cả cuộc đời của ông được nhân dân kính ngưỡng với những công lao xây dựng đất nước phát triển vô cùng to lớn cùng tài trị quốc hơn người, lại thuận lòng dân.
Tìm về mảnh đất Tiên Du - Bắc Ninh là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về những danh nhân triều Lý, những tích xưa chuyện cũ về bậc minh quân Lý Thái Tổ và cả những ân nhân của ông khi khởi nghiệp vương triều Lý với 216 năm hùng cường, thịnh vượng - một triều đại vàng son và hiển hách lịch sử dân tộc. Trong đó, dân gian vẫn tương truyền sự tích đặc biệt về ngôi đền Phụ Quốc - một trong những dấu tích Vua Lý Thái Tổ thuở hàn vi chạy nạn.
Chuyện xưa kể lại, năm Bính Ngọ (1006), triều đình nhà Tiền Lê dưới sự trị vì của Vua Lê Long Đĩnh đang vào những ngày tháng thoái trào của một triều đại. Sự kiện ông giết (?) anh trai là Lê Long Việt, làm nhiều điều tàn bạo… khiến quần thần oán hận, dân chúng khổ đau.
Lại nói, ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, trấn Kinh Bắc liên tiếp xuất hiện những bài "Sấm Ngữ", bài khuyến và thơ phú mà nội dung đều nói lên là "Nhà Lê đã suy tàn, nhà Lý sẽ lên thay".
Thậm chí có những bài về dân gian nói rằng:
"Tật Lê chìm Bắc Thủy
Lý tử thụ Nam Thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình yên".
Nghĩa là:
"Gốc Lê chìm bể Bắc
Chồi Lý mọc trời Nam
Bốn phương tan giáo mác
Tám cõi được bình an".
Lại nói thuở hàn vi, Lý Công Uẩn phải đi phu, trong một lần ông vô tình ném một bó tre nứa xuống sông, nước cuốn xoáy vào chân đê. Khi đó, Vua Lê tại Hoa Lư bỗng dưng bị đau mắt, các lang y giỏi nhất cũng không thể chữa khỏi.
Đoán có sự lạ, vừa nghe bài “sấm truyền”, Vua sai một thầy bói vào xem. Ông ta đoán rằng có quý nhân phạm vào long mạch, nên mắt Vua mới bị đau như vậy. Thầy bói còn nói với Vua, muốn chữa bệnh phải giết người “quý nhân”đó đi.
Vua liền sai quan quân đi lùng bắt, thấy trong đám dân phu có người tướng mạo khác thường, trên đầu có đám mây vàng che nên đoán là người cần tìm. Lại nói, tương truyền rằng: Lý Công Uẩn được mẹ là Phạm Thị Ngà khôn thiêng báo mộng khuyên con trốn sang vùng Trang Tam Tảo (Thôn Tam Tảo ngày nay) lánh nạn.
Đền Phụ Quốc nơi phụng thờ ông bà Trần Quý và Đặng Thị Phương Dung, ân nhân cứu mạng Lý Công Uẩn lúc hoạn nạn. |
Lý Công Uẩn biết được liền bỏ chạy, lính theo vết chân đuổi theo, dọc đường cái quan từ chùa Tiêu Sơn, qua làng Hồi Lan đến cánh đồng làng Tam Tảo. Bấy giờ, có vợ chồng ông lão bán nước là Trần Quý - Phương Dung thấy người gặp nạn, dẫn Lý Công Uẩn đem giấu xuống một giếng cạn và đậy ván gỗ, chèn chum nước lên.
Khi lính đuổi đến một cây cầu nối giữa 2 làng Hồi Lan và Tam Tảo thì mất dấu, hỏi thì dân nói thác rằng lúc trước có người chạy đến cầu vội vã mà trượt chân ngã xuống nước chết, xác trôi đi mất rồi. Lại nói Vua Lê vẫn chưa tin bèn xem bói thì thầy bói đoán quẻ người ở dưới nước, vì thế mới nghĩ rằng quý nhân kia đã bị chết đuối. Lý Công Uẩn thoát nạn.
Sự tích về ngôi đền Phụ Quốc linh thiêng
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, nhớ ơn cứu mạng của hai vợ chồng ông lão, Vua phong cho ông Trần Quý là Phụ quốc Tán trị, vệ dực bảo quốc và bà Đặng Thị Phương Dung là Hoàng Thái hậu. Khi ông bà mất, Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã về Trang Tam Tảo và ở lại một tháng để chịu tang, nhà vua thương tiếc ông bà Phụ Quốc đã cho lập đền thờ ở chính nơi ông bà lúc sinh thời đã sinh sống, cấp lộc điền cho dân ở Trang Tam Tảo làm hương hỏa thờ cúng ông bà.
Hàng năm nhà vua, cùng quan quân triều đình đều về Trang Tam Tảo cúng giỗ ông bà Phụ Quốc và ra lệnh cho dân ở các làng: Dương Lôi, Đình Bảng, Tiêu... về Trang Tam Tảo gửi giỗ, cúng giỗ. Nhân dân quanh vùng Kinh Bắc đến dự rất đông và hành Lễ tưởng nhớ công lao của ông bà.
Vì vậy mà trên mái ngôi đền có đề ba chữ là "Quốc tế từ", nhân dân quanh vùng gọi là "Đền Hộ Quốc" - Đền Giúp Nước hay "Đền Phụ Quốc". Các triều đại sau đều tiến hành tu bổ, tôn tạo, vì vậy đền Hộ Quốc còn lại đến ngày nay.
Đền Phụ Quốc - tên gọi ẩn chứa bao ý nghĩa lịch sử, văn hóa, cũng như truyền thống biết ơn của dân tộc. Phụ ở đây có nghĩa là cha. Phụ ở đây cũng có nghĩa là giúp. Và Phụ Quốc: nghĩa là cha vua, cũng có nghĩa là có công giúp vua.
Ngôi đền này gắn liền với câu chuyện xảy ra cách đây ngàn năm, mà vẫn được dân gian truyền tụng đến nay. Mỗi dịp có việc hệ trọng, người dân đều đến xin Thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn buôn bán được thuận. Ngôi đền là “mái nhà tâm linh” cả vùng của xứ kinh Bắc.
Trải qua những năm tháng lịch sử, khi đi tìm lại những dấu tích câu chuyện năm nay cũng đã phai mờ dần dưới lớp thời gian hàng nghìn năm. Tuy nhiên, những âm hưởng năm xưa vẫn còn như nguyên vẹn, khi có ngôi đền linh thiêng là nơi minh chứng cho sự tích ngày xưa. Nơi đây, nhiều địa danh gắn bó với người dân cũng đều mang tên những dấu tích xưa đó.
Như nơi quan quân nghe chuyện người đã chết đuối thì dừng lại bên cầu nghỉ ngơi (vì thế sau gọi là cầu Ngã, hoặc cầu Nghỉ) sau đó quay lại làng Hồi Lan điểm quân (vì thế làng này sau đổi tên là Hồi Quân, đọc chệch là Hồi Quan) và đến làng Tiêu thì có lệnh rút quân (vì thế làng này gọi là Tiêu Rút).
Và để thể hiện lòng biết ơn và ngưỡng vọng công lao của hai ông bà, hàng năm nhân dân Tam Tảo tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch - ngày sinh ông bà Phụ Quốc, ngày 1 tháng 4 âm lịch - Giỗ Vua Ông, ngày 10 tháng 4 âm lịch - Giỗ Vua Bà. Lễ hội ngày mồng 10 tháng 2 là lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức quy mô, chu đáo, thường kéo dài trong ba ngày, với các nghi thức tế lễ, rước sách rất uy nghiêm.
Cuộc rước với kiệu cùng lễ vật, với tàn, quạt , siêu đao, bát biểu, các đồ thần khí, tế khí, trống chiêng, phường bát âm,… bắt đầu từ đình sang nghè - chùa, rồi tới đền Hộ Quốc. Cuộc rước thật uy nghi, hoành tráng, với hàng nghìn người tham gia, kéo dài hàng 1km, với màu sắc rực rỡ, âm thanh vang động biểu hiện sự nhớ ơn, tôn kính của nhân dân Tam Tảo đối với công lao của ông bà Trần Quý.
Cùng với tế lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.Đền Phụ Quốc – Tam Tảo đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách du lịch trong và ngoài nước khi về thăm quê hương nhà Lý.