“Nếu như tôi được trẻ lại...”
“Nếu như được trẻ lại ông/bà sẽ làm gì?” – câu hỏi đã được nhiều người cao tuổi (NCT) khắp Việt Nam trả lời thông qua các câu chuyện và hình ảnh do Ban tổ chức sự kiện "Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước", tổ chức ngày 1/10/2018 cung cấp.
Bà Nguyễn Thị Chi (SN 1930), hiện đang ở Cồn Phụng, Châu Thành, Bến Trẻ. Bà Chi từ trước tới giờ làm nghề vườn, thỉnh thoảng bà làm cơm rượu (rượu nếp) bán cho du khách nhưng thu nhập cũng ít ỏi, được khoảng 500 nghìn đồng/tháng. “Nếu được trẻ lại thì mình sẽ có sức khỏe, làm được nhiều việc, kiếm được nhiều tiền để cuộc sống gia đình sung túc hơn. Như cái nhà này làm mãi mới xong phần thô mấy năm rồi, đã có tiền để hoàn thiện đâu”, bà Chi nói về ước mơ trẻ lại của mình.
Cùng ước mơ trẻ lại để có sức khỏe, từ đó có thu nhập tốt, ông Nguyễn Văn Mây (94 tuổi) đang sống ở Hải Hậu, Nam Định cho biết: “Nếu được trẻ lại như thời thanh niên, tôi muốn đi học nghề gì đấy để có công việc tốt chứ ở đây làm muối, làm biển rất khổ, không thể dư dả tiền mà đi chơi được”. Bà Nguyễn Thị Nhựt (SN 1944) trước giải phóng làm giao liên cho cách mạng, sau này bà chủ yếu làm vườn, làm nội trợ, trông cháu ở nhà.
Thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi hơn bà đi làm vườn thuê và được trả công 120 nghìn/ngày. “Tất nhiên ai cũng muốn trẻ lại. Tui mà còn trẻ như thời đi hoạt động, tui muốn được đi làm cán bộ, có công việc, được trả lương ổn định, chứ làm vườn và đi làm mướn như vậy vừa cực, vừa không ổn định”, bà Nhựt thổ lộ.
Trẻ lại để làm được điều mình mơ ước, đó là câu trả lời của hai ông Lê Văn Ngàn và Triệu Phú Lùng. Sinh sống ở Cồn Phụng, Bến Tre, trên ghe thuyền làm nghề chài lưới, ông Lê Văn Ngàn (SN 1934) thổ lộ điều ước làm phóng viên nếu được trẻ lại: “Nếu tôi mà được trẻ lại thì tôi muốn học và làm nghề gì đó để được đi các nơi, chứ không quẩn quanh ở cái cù lao và khúc sông này. Tôi thích làm nghề phóng viên, mà phóng viên chiến trường cơ”.
Ông Triệu Phú Lùng (SN 1929) người dân tộc Dao thì chỉ mong muốn trở về thời thanh niên để được đi học cái chữ. “Tôi không biết chữ do lúc trẻ không được đi học. Nếu trẻ như thanh niên thì tôi sẽ đi học để biết chữ, đọc thông viết thạo. Người không biết chữ làm cái gì cũng vất vả hơn”, ông Lùng bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Chi ước mơ trẻ lại để có sức khỏe, từ đó có thu nhập tốt. |
Khác những NCT trên, ông Nguyễn Quang Bộ (SN 1947) ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM dù đã có thu nhập tốt và hiện vẫn đang tiếp tục làm việc (nguyên là kỹ sư địa chất, làm cán bộ lãnh đạo ở ngành dầu khí nay đã nghỉ hưu, tuy nhiên từ lúc về hưu tới giờ ông vẫn làm cố vấn kỹ thuật cho một tập đoàn dầu khí của Nhật Bản, hàng ngày ông vẫn đến văn phòng), nhưng ông cũng có ước mơ trẻ lại của riêng mình.
“Nếu được trẻ lại như hồi sinh viên, tôi lại vẫn muốn là sinh viên, “mài đũng quần” trên giảng đường. Học hành vất vả nhưng mà vui vẻ, sôi động, sẻ chia và vô tư dù nhiều khi không một xu dính túi. Sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất trong đời người” – ông Bộ cho biết...
Đừng phân biệt tuổi tác
Chúng ta tất cả đều đang già đi, đây là một thực tế cuộc sống. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh – Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam đưa ra con số thống kê, nếu như năm 2017 thế giới cứ 8 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên còn Việt Nam cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2050 thế giới cứ 5 người có 1 người từ 60 tuổi trở lên, còn Việt Nam cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (tương đương khoảng 30 triệu NCT). Con số này cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Già nhanh như vậy nhưng kỳ vọng sống (nguyện vọng được tiếp tục học tập, làm việc, kiếm sống...) của NCT Việt Nam lại lớn hơn các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, theo bà Ngô Thị Mến – TƯ Hội NCT Việt Nam, trên thực tế, NCT ở Việt Nam lại phải đối diện với nhiều quan niệm thiên lệch: NCT là gánh nặng; NCT được gia đình chăm lo, không phải làm việc (nhưng trên thực tế nhiều NCT đang phải chăm sóc gia đình, con cháu); NCT không cần đi làm, không cần vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn (thực tế chỉ ra chỉ có 32% NCT cho rằng nguồn sống của họ dựa vào con cái, còn phần lớn NCT vẫn làm việc kiếm sống, nuôi bản thân, gia đình...).
Quan niệm thiên lệch này dẫn tới hệ quả có ít chương trình của Chính phủ và các tổ chức dành riêng cho NCT hoặc có sự tham gia của NCT. Từ đó làm mất nguồn lực quý về kinh nghiệm, nhân lực, vật lực từ NCT, vì theo thống kê của TƯ Hội NCT Việt Nam 47% NCT dưới 70 tuổi vẫn còn sức khỏe và làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội; 35% NCT từ 70-79 tuổi tuy sức khỏe giảm nhưng vẫn còn có đóng góp cho gia đình và xã hội; và ở nhóm NCT từ 80 tuổi trở lên cũng chỉ có 18% NTC sức khỏe yếu, nhiều bệnh, cần chăm sóc là chính, phần còn lại họ vẫn tự phục vụ được bản thân và thậm chí vẫn lao động kiếm sống ở các công việc nhẹ nhàng.
Để không mất nguồn lực quý từ NCT cũng như nắm bắt cơ hội kinh tế của xã hội già hóa (tạo việc làm cho người trẻ từ ngành công nghiệp dịch vụ cho NCT; thị trường lớn về dịch vụ cho NCT...) thì Việt Nam cần hướng tới già hóa tích cực – đó là quan điểm của bà Trần Bích Thủy – Giám đốc quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế HAI. Theo đó, biến thách thức già hóa dân số nhanh thành cơ hội kinh tế của xã hội già hóa thông qua những giải pháp như: thay đổi cách nhìn về NCT; củng cố sức khỏe, đào tạo, tạo việc làm, thu nhập cho NCT; tạo ra môi trường thân thiện với NCT...
“Phân biệt tuổi tác là yếu tố then chốt cản trở già hóa tích cực. Ở Việt Nam các định kiến và thái độ tiêu cực coi NCT như là những người già yếu, không được đụng đến, là gánh nặng hoặc đang phụ thuộc rất phổ biến. Cần hiểu tác hại của sự phân biệt tuổi tác (khiến NCT có cảm giác bị cô lập tiêu cực dẫn đến giảm thọ, bệnh tật, tổn thương...) để từ đó tăng hiểu biết cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ cho NCT, truyền thông cần đưa ra cái nhìn cân bằng về tuổi” - bà Trần Bích Thủy nhấn mạnh.